Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản báo cáo về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) 10 tháng đầu năm 2017, dự báo năm 2018 và các giải pháp phát triển thị trường. Nhiều vấn đề liên quan đến thị trường BĐS được HoREA đề cập, trong đó có kiến nghị cần đấu giá công khai trong các dự án về hạ tầng (kỹ thuật, giao thông…).
Trong thời gian qua, HoREA nhận thấy việc thực hiện chủ trương xã hội hóa để huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, các dự án chỉnh trang đô thị thông qua phương thức xã hội hóa đầu tư theo các hình thức như, xây dựng - chuyển giao (BT), hợp tác công tư (PPP), xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT)... đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa rất lớn, mang lại nhiều hiệu quả rất thiết thực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương, nhất là trong điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn chế.
Một dự án được chính quyền thành phố đấu giá công khai, minh bạch làm lợi cho ngân sách của Nhà nước
Theo tính toán, tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ trọng vốn đầu tư xã hội trong GRDP tăng dần qua các năm, như năm 2015 đạt mức 28,5%, năm 2016 lên đến 35%, là nguồn lực rất lớn bổ sung cho nguồn vốn ngân sách còn rất hạn hẹp do tỷ lệ thành phố được giữ lại từ nguồn thu ngân sách trên địa bàn bị giảm dần đến nay chỉ còn 18% đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, HoREA nhìn nhận việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu đất vàng, hoặc theo hình thức BT, PPP, BOT khá phổ biến trong thời gian qua đã bộc lộ những mặt hạn chế. Cụ thể, nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư thường chỉ có khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng nên có tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình, và có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, và lợi ích xã hội, trong lúc thiếu cơ chế phản biện, giám sát, thẩm định khách quan của bên thứ 3.
Vì thế, HoREA kiến nghị cần thực hiện phổ biến phương thức đấu giá đất, đấu thầu rộng rãi trong nước, quốc tế các dự án có sử dụng đất. Đấu thầu công trình “kiểu đổi đất lấy hạ tầng”, trước hết là áp dụng đối với các khu đất vàng, các công trình hạ tầng thực hiện theo các phương thức (PPP, BT, BOT). Kể cả các khu đất vàng trong quá trình thực hiện thu hồi quỹ đất do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước. Hiệp hội đề nghị hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư đối với các trường hợp trên đây và chỉ thực hiện việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư, làm lợi cho ngân sách nhà nước và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội./.
Lại Hùng
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.