Trong nhiều tháng qua, khói bụi, mùi hôi, khét do tình trạng đốt rác tại đây bốc lên đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. “Hàng tháng, chúng tôi phải đóng tiền để... mua ô nhiễm”, người dân chua chát nói.
Hàng tháng, mỗi hộ dân ở thị trấn Liên Sơn và vùng lân cận phải đóng 15.000 đồng để Công ty TNHH Xây dựng và Môi trường đô thị Đại Lộc (Công ty Đại Lộc) thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải tại bãi xử lý rác thải tập trung thuộc tổ dân phố 3 và 4, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Thế nhưng trong nhiều tháng qua, khói bụi, mùi hôi, khét do tình trạng đốt rác tại đây bốc lên đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. “Hàng tháng, chúng tôi phải đóng tiền để... mua ô nhiễm”, người dân chua chát nói.
Cả chục ngày qua, gia đình bà Trần Thị Môn ở tổ dân phố 4, thị trấn Liên Sơn phải di dời sang nhà người quen ở tổ dân phố 1, thị trấn Liên Sơn tá túc để lánh nạn khói bụi và mùi khét từ bãi rác cách nhà 150m bốc lên nồng nặc. Bà Môn cho biết: “Đã nhiều lần bãi rác bốc cháy, khói đen, than bụi, mùi khét từ bãi rác bốc lên phát tán khắp nơi. Nhất là mỗi khi trời có gió, những khu dân cư ở xuôi chiều gió như nhà tôi thì càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Sợ khói đen, than bụi, mùi khét gây bệnh cho con, cháu nên gia đình tôi và những hộ dân khác phải đóng cửa im ỉm cả ngày. Khổ nhất là trẻ nhỏ, mấy tháng nay cứ thở khò khè, mắt đỏ hoe, da nổi mẩn đỏ, ốm đau phải nghỉ học liên tục; người già mắc các chứng khó thở, tức ngực, các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa thường hay mắc phải. Tội nhất là đứa cháu ngoại sinh được 9 tháng đang ở nhà tôi, cứ khò khè suốt, đưa đi khám bệnh bác sĩ cứ bảo viêm phổi nhưng điều trị mãi không khỏi, nay không dám ở nhà phải đem đi tránh nạn”.
Tình trạng ô nhiễm tại bãi rác tổ dân phố 3 và 4 thị trấn Liên Sơn đã diễn ra từ lâu, nhưng 2 năm trở lại đây càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt từ khi UBND huyện Lắk phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xây dựng nơi đây thành bãi xử lý rác thải tập trung của thị trấn Liên Sơn thì lượng rác thải đổ về đây càng nhiều.
Mặc dù trong đề án quy hoạch bãi rác đã nêu rõ: Khi vận hành, khai thác phải xây dựng hàng rào bảo vệ công trình, phải có biện pháp khắc phục tối đa các khả năng phát sinh tiếng động mạnh, phát sinh khói, bụi, mùi khó chịu làm ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt không để tác động xấu đến môi trường sống của khu dân cư trong vùng, nhưng trên thực tế, bãi rác thải đã không được vận hành đúng quy định. Ông Trương Văn Thạnh, tổ trưởng tổ dân phố 4, thị trấn Liên Sơn cho hay: “Tổ hiện có 260 hộ, với trên 1.100 nhân khẩu. Gần một nửa trong số đó phải chịu ảnh hưởng bởi khói, mùi hôi trong nhiều ngày. Vấn đề này đã được người dân địa phương phản ánh nhiều lần lên các cấp có thẩm quyền nhưng tình trạng ô nhiễm không những không được cải thiện mà ngày càng nghiêm trọng hơn, bán kính ảnh hưởng lên đến 1km”.
Theo nhiều người dân, vì bãi rác được xây dựng quá gần khu dân cư, chỉ cách khoảng 200m, nên mùi hôi, bụi bặm từ bãi rác đã ảnh hưởng trực tiếp đến họ, nhất là khi quy trình xử lý chôn lấp, rắc vôi, phun thuốc khử trùng không được thực hiện. Khi vào mùa khô bãi rác cháy liên tục, tổ dân phố đã kiến nghị khẩn cấp lên các cấp có thẩm quyền và Công ty Đại Lộc đề nghị khắc phục từ ngày 16/1/2018 nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục, bãi rác tiếp tục cháy, ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.
Thế nhưng, ông Nguyễn Cảnh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Môi trường đô thị Đại Lộc, đơn vị trực tiếp quản lý bãi rác khẳng định: “Công ty đã làm đúng chức năng và trách nhiệm của mình. Việc chưa xây hàng rào cách ly bãi rác là do chưa có kinh phí. Hàng ngày, nhân viên công ty cùng 3 xe ép thu gom vận chuyển khoảng 5,5 tấn rác thải. Địa bàn thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại thị trấn Liên Sơn và khu vực lân cận của xã Đắk Liêng. Cứ sau 1 tuần, công ty xử lý số rác này bằng cách san ủi, chôn lấp, rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng. Công ty tuyệt đối không sử dụng phương pháp đốt. Việc bãi rác thường xuyên bị cháy có thể do người dân đốt; mỗi lần có cháy, chúng tôi lại phải cho xe chở bồn nước tới dập rất vất vả”.
Song người dân cho biết là chưa thấy Công ty Đại Lộc san ủi, chôn lấp, rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng bãi rác bao giờ mà chỉ thấy bãi rác luôn bị cháy; nhất là vào mùa khô, ô nhiễm từ bãi rác đang bức tử môi trường sống của người dân xung quanh.
Làm việc với ông Nguyễn Anh Tú, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Lắk để làm rõ vai trò quản lý nhà nước trong vấn đề này, ông Tú cho biết: Bãi rác có diện tích hơn 2,2ha, quy mô dân số được hưởng lợi khoảng 7.000 người, dự kiến lượng rác thải xử lý đến năm 2030 gần 26.500 tấn. Công trình do Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện là đại diện chủ đầu tư, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên 5,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách và huy động từ các nguồn khác, thời gian thực hiện từ năm 2014 đến 2030. Nhưng do kinh phí hạn hẹp nên đơn vị đang giao Công ty TNHH Xây dựng và Môi trường đô thị Đại Lộc quản lý theo hình thức xã hội hóa. UBND huyện Lắk yêu cầu Công ty Đại Lộc khi đổ rác xong phải rắc vôi, phun thuốc định kỳ và chôn lấp, nghiêm cấm không cho đốt. Hiện nay, kinh phí rất hạn hẹp nên việc giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm là rất khó khăn. Trong những năm tới (2019 - 2020), khi kế hoạch này đi vào giai đoạn hoàn chỉnh thì có thể xử lý được ô nhiễm.
Trong khi các cơ quan có trách nhiệm, đơn vị xử lý rác thải khăng khăng mình làm đúng quy trình xử lý rác thải tại bãi rác tổ dân phố 3 và 4, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk và không dùng phương pháp đốt, thì thực tế bãi rác vẫn cháy và trở thành nỗi ám ảnh của người dân./.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.