Những ngày này, rét đậm, rét hại đang bao phủ vùng núi Lào Cai, dự kiến sẽ kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.
Tại huyện vùng cao Bắc Hà, nhiệt độ ngoài trời đã giảm sâu, các xã khu vực thượng huyện xuất hiện rét hại về đêm và sáng sớm. Để bảo vệ đàn gia súc trên địa bàn, huyện đã tích cực tuyên truyền các hộ chăn nuôi chủ động phòng, chống rét.
Chính quyền, người dân cùng chủ động
Nằm ở khu vực thượng huyện Bắc Hà, xã vùng cao Lùng Phình có 6 thôn, thường được biết đến với khí hậu lạnh rét, khắc nghiệt nhất vào mùa đông, có năm còn rét đậm rét hại kéo dài, thậm chí có cả băng tuyết, sương giá, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của bà con.
Rút kinh nghiệm từ trận rét lịch sử xảy ra vào năm 2008, khiến gần 300 con trâu, nghé của địa phương bị chết rét, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế của các hộ dân, bà con Lùng Phình rất quan tâm đến công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc của gia đình mình; cấp ủy chính quyền địa phương vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt vận động xây dựng chuồng trại kiên cố, tích trữ rơm khô, cỏ, cám gạo và trồng thêm nhiều diện tích cỏ voi, ngô dày để làm thức ăn tươi cho đàn gia súc khi đông về.
Ông Giàng Sín Mìn, người dân thôn Lùng Phình, cho biết: “Gia đình nuôi 4 con trâu, 1 con ngựa. Mấy ngày nay do thời tiết rét quá nên đã nhốt gia súc ở nhà, cho ăn rơm khô, bổ sung thêm cám ngô khuấy lên với nước ấm cho uống vào mỗi buổi sáng. Để phòng chống rét cho vật nuôi gia đình đã có chuồng nuôi kiên cố, đã trồng thêm cỏ voi và tích trữ đủ thức ăn tinh, thô theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, chủ yếu là ngô, cám ngô; rơm rạ vụ mùa 2020 được giữ lại, cất trong kho, nhiều người dân trong thôn tôi cũng đang làm như vậy, làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông là khi nhiệt độ ngoài trời giảm dưới 12 độ C thì không được chăn thả gia súc lên rừng, thực hiện nuôi nhốt và chăm sóc đặc biệt hơn…”.
Anh Lê Thế Hùng, cán bộ khuyến nông xã cho biết: Lùng Phình đang có trên 1.400 con gia súc, chủ yếu là trâu và ngựa, bám sát chỉ đạo của xã, thời gian qua, cán bộ khuyến nông chúng tôi đã tích cực bám nắm cơ sở, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con kĩ thuật dự trữ thức ăn, những kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả trong phòng chống rét cho vật nuôi để bà con các thôn cùng học tập, áp dụng.
Ông Tẩn Seo Lừ, Phó chủ tịch UBND xã Lùng Phình, chia sẻ: Xã Lùng Phình sau sáp nhập địa giới hành chính với xã Lầu Thí Ngài, có tổng số 591 hộ chăn nuôi gia súc lớn, tính đến nay đã có 573 hộ có chuồng nuôi nhốt kiên cố, đảm bảo phòng chống rét, đạt tỷ lệ trên 95%, chỉ còn 18 chuồng tạm đã được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn gia cố, che chắn cẩn thận đảm bảo tránh gió lùa.
Bà con cũng đã trồng được trên 38ha cỏ voi và nhiều diện tích ngô dày rải rác tại các thôn. Đa phần các hộ đã dự trữ được thức ăn thô, thức ăn tinh đạt từ 400kg/con. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp bảo vệ tốt đàn gia súc của địa phương trong mùa đông, tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan lơ là, xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Chỉ đạo cán bộ xây dựng phương án, bám nắm cơ sở trong các buổi họp thôn, thậm chí đến từng nhà dân để đôn đốc, kiểm tra, tuyên tuyền, vận động bà con chủ động thực hiện tốt các biện pháp. Công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc đang được địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao, nhất là trong những ngày rét đậm, rét hại như hiện nay.
Còn tại xã vùng cao Thải Giàng Phố, bà Vù Thị Máy, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã hiện có 467 hộ chăn nuôi gia súc lớn với gần 1.400 con, chủ yếu là trâu, bò, ngựa, trong đó đàn trâu có số lượng lớn nhất, gần 900 con. Đến mùa rét năm nay, đồng bào Mông, Phù Lá trên địa bàn xã đã có trên 60% số hộ có chuồng trại nuôi nhốt kiên cố, đảm bảo phòng chống rét, vẫn còn 255 chuồng tạm đang được chính quyền xã vận động khẩn trương gia cố, che chắn. Đã có 493 hộ dự trữ được từ 200 kg thức ăn/con trở lên, khoảng 215 hộ trồng cỏ voi với diện tích trên 46ha và 0,7ha ngô dày.
Những ngày gần đây, khi rét lạnh tăng cường, cấp ủy chính quyền xã Thải Giàng Phố tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động hơn trong công tác phòng chống rét, bảo vệ đàn gia súc của gia đình mình, nhất là việc gia cố, che chắn chuồng trại cần được thực hiện khẩn trương, tiếp đó, việc chăm sóc các diện tích cỏ voi, ngô dày, cắt thêm cỏ tươi sau đó phơi khô làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc cũng được quan tâm, thực hiện tốt hơn.
Không chủ quan, lơ là
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Hà, cho biết, mùa đông năm nay, người dân huyện Bắc Hà đã có sự chuẩn bị sớm hơn, chủ động hơn trong công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Đến nay, đã có trên 4.950 hộ có chuồng trại đảm bảo phòng chống rét, đạt 74%; trên 4.274 hộ đã thực hiện trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi, chiếm 64%; diện tích cỏ voi đã trồng toàn huyện hiện có 378,8 ha, sản lượng ước đạt 105.462 tấn.
Trong vụ thu đông 2020, thông qua tuyên truyền vận động, nhiều hộ dân đã gieo trồng ngô dày với tổng diện tích 81,9ha. Tình hình dự trữ thức ăn thô, xanh cũng được người dân quan tâm: 3.947 hộ dự trữ được từ 400 kg thức ăn/con trở lên, chiếm 59 % số hộ chăn nuôi gia súc lớn…
Đây đều là những tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, lơ là, bị động, mà cần quyết liệt, vào cuộc sát sao hơn nữa trong công tác chỉ đạo, thực hiện. Đặc biệt, khi xảy ra rét đậm, rét hại cần tập trung lực lượng xuống các thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không chăn thả và bắt gia súc gia súc làm việc trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều.
Những ngày nhiệt độ dưới 12độ C, nuôi nhốt cho ăn tại chuồng, không chăn thả gia súc hoặc bắt gia súc làm việc. Cung cấp đủ lượng thức ăn thô xanh cho mỗi con gia súc trưởng thành tối thiếu 5 kg rơm khô/ngày hoặc 20 kg thức ăn xanh/ngày; cho gia súc uống nước muối ấm; bổ sung thức ăn tinh, đối với gia súc non 0,5 kg/ngày, gia súc trưởng thành 1-1,5 kg/ngày (nên nấu cháo, cám cho gia súc ăn vào buổi sáng và chiều tối); đồng thời bổ sung các loại Vitamin để tăng sức đề kháng cho gia súc; dùng bạt hoặc chăn cũ để làm áo ấm cho gia súc trong mùa đông.
Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Hà phối hợp với các phòng, ban chức năng tăng cường cán bộ về cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động nâng cao hiệu quả phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc. Kiểm tra, đôn đốc cơ sở tăng cường chủ động triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn gia súc trong vụ đông xuân 2020-2021.