Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
Lộ trình thực hiện
Nghị quyết nêu rõ, năm 2019 tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, khuyến khích các địa phương thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định để giảm số lượng đơn vị hành chính.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tiến hành sắp xếp (thực hiện hàng năm trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021).
Năm 2020, tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại những đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp; tiến hành sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp.
Năm 2021, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân và kiện toàn tổ chức của hội đồng nhân dân, UBND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại những đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp. Tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
Nghị quyết cũng nêu rõ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần bám sát các nguyên tắc nêu tại Điều 2 Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó lưu ý đối với trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù như: Có vị trí biệt lập với đơn vị hành chính khác; được hình thành và ổn định từ năm 1945 đến nay; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, chưa nhận được sự đồng thuận của đa số cử tri trên địa bàn thì UBND cấp tỉnh thận trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù, có văn bản giải trình và đề xuất cụ thể các phương án, gửi Bộ Nội vụ để báo cáo xin ý kiến của Chính phủ trước khi xây dựng đề án.
Xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã
Về việc xây dựng, thông qua phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong giai đoạn 2019 - 2021, Nghị quyết quy định: Căn cứ quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng và trình Tỉnh ủy, Thành ủy xem xét thống nhất phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021.
Nội dung phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021 cần nêu được số lượng và danh sách của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải thực hiện sắp xếp; phương án, kế hoạch, lộ trình, dự trù kinh phí thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; giải trình, thuyết minh các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải thực hiện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù không đưa vào phương án tổng thể sắp xếp của địa phương.
Chậm nhất là ngày 31/5/2019, UBND cấp tỉnh phải gửi phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021 về Bộ Nội vụ để tổng hợp, xem xét, có ý kiến sau đó mới xây dựng đề án.
Trường hợp phương án tổng thể của các địa phương chưa thực hiện đúng theo quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì trong thời gian không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án tổng thể, Bộ Nội vụ có ý kiến bằng văn bản với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xem xét bổ sung, sửa đổi phương án tổng thể nhằm bảo đảm việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 thực hiện đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
Giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư
Nghị quyết cũng nêu rõ về sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí độ ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khi thực hiện sắp xếp.
Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp thực hiện nghiêm quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Cụ thể, tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp cho đến khi có nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trừ trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì báo cáo xin ý kiến đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ của địa phương trước khi thực hiện quy trình bầu, bổ nhiệm chức danh đó.
UBND cấp tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo: Trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của các cơ quan, tổ chức, đơn vị do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 31/12/2019.
Tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, đánh giá, phân loại, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới; xác định số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, hoàn thành chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành.
Rà soát, xây dựng phương án tiếp nhận, bàn giao, sử dụng các trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát tài sản, đất đai khi đưa vào khai thác, sử dụng; xây dựng và hoàn thiện danh mục, số lượng vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp.
Xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với thực hiện tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hình thành theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước bảo đảm phù hợp với thực tế và theo lộ trình, kế hoạch của địa phương. Việc thực hiện phải bám sát và đồng bộ với lộ trình kiện toàn về tổ chức bộ máy cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương khi tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chậm nhất là 5 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành thì số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có các cơ quan, đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp kịp thời phối hợp với địa phương tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc ở các đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp, bảo đảm lộ trình thời gian theo quy định.
Các bộ, ngành trung ương theo phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền được giao hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của các địa phương khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.