Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 7 năm 2014 | 8:52

Hải Phòng: Chính quyền xã khai khống, ăn chặn tiền hỗ trợ của dân!

KTNT - Sự việc vỡ lở khi UBND xã Việt Tiến (Vĩnh Bảo - TP. Hải Phòng) có báo cáo kết quả thực hiện thu - chi ngân sách năm 2013, dự toán thu - chi ngân sách năm 2014. Số tiền khai khống diện tích, giả mạo chữ ký ăn chặn của người dân có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Cháy nhà... lòi "chuột"

Theo Quyết định số 1597/QĐ-UBND ngày 21/8/2013 của UBND TP.Hải Phòng về việc phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” năm 2013, với 1 sào trồng ớt, quy ra tiền người dân được hưởng 500.000 đồng/sào tiền con giống và 214.000 đồng/sào tiền phân bó (lân, đạm, kali).

Quyết định là vậy, nhưng thực tế ở vụ đông năm 2013, người dân xã Việt Tiến đã không nắm được chủ trương này.

Theo ông Nguyễn Văn Vui, Trưởng thôn 9, khoảng tháng 9/2013, ông Vương Văn Đẩu, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xã Việt Tiến, có thông báo những hộ đã trồng ớt được hỗ trợ phân bón (lân, đạm, kali); những hộ chuẩn bị trồng sẽ được hỗ trợ cả con giống. “Cán bộ xã thông báo thế thì tôi cũng chỉ biết thế. Thôn tôi toàn hộ trồng trước khi có thông báo nên tôi chỉ lấy phân về cho dân”, ông Vui nói.

Người dân bức xúc vì những khoản khai khống của chính quyền địa phương

Sự việc chỉ vỡ lở khi cuối tháng 6.2014, ông Vui nhận được báo cáo thu – chi ngân sách của UBND năm 2013 trước HĐND xã Việt Tiến. Thông báo cho thấy, toàn bộ những hộ đã trồng ớt trước khi cán bộ xã thông báo chủ trương cũng nằm trong danh sách hỗ trợ con giống. 

Bức xúc trước vụ việc, ngày 18/6/2014, ông Vui làm đơn kiến nghị vụ việc đến một số cơ quan huyện Vĩnh Bảo. Do không thấy giải quyết, ngày 1/7/2014, ông Vui làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng TP. Hải Phòng.

Ngày 5/7/2014, Chủ tịch xã cùng một người xưng là giám đốc một công ty đến thôn 9 xin chỉ hỗ trợ người dân 200.000 đồng/sào. Tuy nhiên, ông Vui cương quyết không chấp nhận. Đến này 6/7/2014, ông Vương Văn Đẩu - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã đã tới trả đủ tiền hỗ trợ cây giống ớt cho 23 hộ trong thôn với số tiền là 15.983.000 đồng.

Không chỉ ở thôn 9, tại thôn 7 cũng xảy ra sự việc tương tự. Ông Phạm Văn Khới,  Bí thư Chi bộ thôn 7, cho biết: “Ngày 1/7/2014, tại thôn 7, ông Lê Minh Châu, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp và một ông tự xưng là giám đốc một công ty cây trồng đã tới xin hoàn trả lại 30% giá trị tiền hỗ trợ giống ớt (tức 150.000 đồng/sào). Nhân dân và công ty này thống nhất hỗ trợ 200.00 đồng/sào. Trong 67 sào trồng trước, số tiền giống phải trả dân là 33,5 triệu đồng nhưng đến nay chính quyền chỉ trả cho người dân 13 triệu đồng”.

Ông Khới cho biết thêm: “Theo UBND xã thì diện tích ớt trồng ở thôn 7 là 181 sào. Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích ớt của thôn chỉ trồng có 110 sào. Vậy, đã khai khống lên 70 sào. Việc làm của xã là không minh bạch, lãnh đạo và người dân thôn 7 yêu cầu xã hoàn trả tiếp lại phần tiền hỗ trợ còn lại. Đồng thời phải quy rõ trách nhiệm đối với từng cá nhân, tập thể của xã”.

Bức xúc vì bị khai khống

Theo ông Vui, UBND xã không chỉ giả chữ ký của người dân để ăn chặn tiền hỗ trợ mà còn khai khống diện tích trồng ớt lên tới 3ha (tương 83 sào) để hưởng lợi tiền con giống và phân bón.

Để có cơ sở chúng minh việc UBND xã Việt Tiến đã khai khống diện tích trồng ớt hưởng lợi bất chính từ tiền ngân sách của Nhà nước, giả mạo chữ ký của người dân để ăn chặn tiền hỗ trợ, phóng viên Báo kinh tế nông thôn đã đi vào tìm hiểu vụ việc. Kết quả bước đầu đúng như những gì người dân phản ánh.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Liểu ở thôn 7 bức xúc: “Nhà tôi trồng 4 sào ớt nhưng mới đây xã và công ty mới hỗ trợ 200.000 đồng/sào. Theo mức hỗ trợ của thành phố thì gia đình tôi còn 1.200.000 đồng nữa chưa được nhận. Chúng tôi luôn thực hiện theo đúng quyền và nghĩa vụ của công dân nhưng khi nhà nước có chút hỗ trợ thì xã lại ăn chặn. Đây là việc làm vô nhân đạo, người dân được hỗ trợ một tý thì ăn hớt. Việc này UBND TP.Hải Phòng cần vào làm rõ”.

Ông Nguyễn Minh Đước cũng ở thôn 7 lại bất ngờ: “Bây giờ các anh nói gia đình tôi có diện tích trồng ới tôi mới biết. Nhà tôi không làm ruộng 2 năm nay thì làm sao nói là trồng ớt được. Đó là họ khai khống cho nhà gia đình tôi đấy. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vụ việc”.

Văn bản chỉ đạo của Huyện ủy Vĩnh Bảo về vụ việc

Ngạc nhiên hơn, gia đình bà Trần Thị Điệu ở thôn 7 không làm ruộng từ nhiều năm nay, đặc biệt nhà bà chưa bao giờ trồng ớt nhưng trong danh sách của xã lại có tới 916m2. Bà Điệu cho biết: “Nhà tôi không làm ruộng, không trồng ớt, bản thân tôi thì bị mù lòa thì làm sao trồng được. Đấy là diện tích khống, người ta tự ghi ra để trục lợi bất chính tiền ngân sách thôi”.

Còn ông Vui, người phát hiện ra vụ việc động trời này quả quyết: “Vụ việc chính quyền xã khai khống diện tích để hưởng lợi tiền con giống và phân bón, giả mạo chữ ký để ăn chặn tiền hỗ trợ của người dân đã có dấu hiệu để khởi tố hình sự. Nếu huyện Vĩnh Bảo không giải quyết thỏa đáng, tôi sẽ tiếp tục gửi đơn để các cơ quan cao hơn giải quyết”.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Phạm Văn Nền,  Bí thư Đảng ủy xã Việt Tiến thừa nhận có vụ việc nhưng kết quả cuối cùng phải chờ Đoàn Thanh tra huyện Vĩnh Bảo vì huyện đã có quyết định thành lập Đoàn Thanh tra để làm rõ vụ việc.

Còn ông Nguyễn Văn Duẩn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Việt Tiến, cho biết: “Đầu năm 2014, UBND xã có báo lại là đã giải ngân xong tiền hỗ trợ trồng ớt. Tuy nhiên, mới đây huyện lại báo về người dân có đơn phản ánh chưa nhận được tiền hỗ trợ. Chúng tôi đang đợt kết quả của đoàn kiểm tra huyện. Quan điểm của chúng tôi là sai tới đâu xử lý tới đó”.

Như vậy, phản ánh của người dân về việc UBND xã Việt Tiến khai khống diện tích để hưởng lợi từ giống và phân bón, giả mạo chữ ký của người dân để ăn chặn tiền hỗ trợ của người dân là có cơ sở.

Còn việc UBND xã khai khống bao nhiêu diện tích để hưởng lợi từ giống ớt và phân bón, ăn chặn bao nhiêu tiền hỗ trợ của người dân thì chưa ai biết. Tập thể, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm và hình thức kỷ luật đối với cá nhân, tập thể này ra sao?

Những câu hỏi này xin gửi tới huyện Vĩnh Bảo và TP. Hải Phòng.

KTNT tiếp tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.

Hoàng Văn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top