Trước tình trạng nhiều kênh rạnh bị lấn chiếm, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín đã có công văn khẩn giao Thanh tra thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra và đề xuất xử lý nghiêm vụ việc.
Trao đổi cùng PV Kinh tế nông thôn, chuyên gia giao thông - tiến sĩ Phạm Sanh cho rằng vấn đề này cần được xử lý nghiêm, tránh vẽ đường cho hươu chạy.
Trước đó, báo Kinh tế nông thôn từng phản ánh tình trạng doanh nghiệp đua nhau lấp rạch làm dự án với những cái tên như Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Mới, Công ty CP Vạn Phát Hưng, Công ty Riviera Point, Tổng kho xăng dầu Nhà Bè C… Những doanh nghiệp này đã có hành vi lấn chiếm, san lấp kênh rạch trái phép.
Trước tình trạng trên, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 150 quy định về quản lý, sử dụng hành lang bờ sông, kênh rạch, ngăn cấm triệt để việc san lấp, lấn chiếm sông rạch trái phép. Trên hành lang bảo vệ nghiêm cấm xây dựng các công trình, dự án... mà dành để xây dựng công trình hạ tầng, công viên cây xanh phục vụ người dân. Thậm chí, những con kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm hay rạch Ụ Cây..., UBND TP. Hồ Chí Minh đã phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để giải tỏa người dân sống hai bên bờ, lấy đất làm hạ tầng, trả lại sự thông thoáng cho sông, rạch.
Nhiều doanh nghiệp lấp rạch làm dự án gây nên tình trạng ngập úng tại khu Nam Sài Gòn
Riêng tại dự án Riviera Point, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Trong đó yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả bằng cách xây dựng một hồ điều tiết nước nằm trong dự án rộng gấp 1,2 lần diện tích đất rạch mà công ty này đã lấn chiếm, nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy công ty này sẽ chấp hành chỉ thị của UBND thành phố.
Mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín tiếp tục yêu cầu Sở Giao thông vận tải thành phố phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập và các đơn vị liên quan kiểm tra, khảo sát thực địa tại dự án san lấp rạch ở phường Tân Phú, quận 7 do Công ty TNHH Riviera Point làm chủ đầu tư để có biện pháp khắc phục và chấn chỉnh sai phạm. Theo ông Nguyễn Hữu Tín, một dự án lấp gần 5000m2 rạch, xây dựng từ năm 2012 nằm sát UBND quận 7, nhờ Kiểm toán Nhà nước thanh tra phát hiện năm 2013, đến năm 2014 báo cáo xử lý tới lui đủ ngành đủ cấp, nhưng đâu cũng vào đó. Giải pháp khắc phục là xem xét có thể bổ sung xây dựng hồ điều tiết, trong trường hợp không xây hồ điều tiết thì buộc chủ đầu tư phải có giải pháp để đảm bảo khả năng thoát nước như tăng tiết diện cống thoát nước công trình đấu nối vào hệ thống cống bao, không để xảy ra tình trạng ngập úng.
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, nguyên nhân nghiêm trọng gây ngập TP. Hồ Chí Minh là kênh rạch bị lấn chiếm. Trong 20 năm, thành phố đã mất 60% kênh rạch. Với những trận mưa cường độ vượt chu kỳ tràn cống thì nước chảy về đâu khi không có kênh rạch ao hồ? Người dân thành phố đã quá thấm về chuyện hễ mưa là ngập, nhưng nhà đầu tư và một số quan chức có trách nhiệm quản lý vẫn chưa thấm. Chương trình đào thêm cả trăm hồ điều tiết trữ nước cho thành phố sắp tới không đơn giản, thiếu đất, thiếu kết nối hệ thống thoát nước hiện hữu và thiếu cả tiền. “Như vậy sau các giải pháp khắc phục vuốt đuôi như thay bằng cống hộp, làm hồ điều tiết trong đất dự án xem ra không giải quyết được gì, chỉ có ý nghĩa là hồ sinh thái lợi thêm cho nhà đầu tư chứ không thể thay thế hệ thống kênh rạch đã bị lấp, không giảm ngập được cho người dân xung quanh dự án, nói chi toàn thành phố”, tiến sĩ Phạm Sanh phân tích.
“Đã đến lúc lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh phải có các giải pháp mạnh hơn, đúng quy luật tự nhiên, đúng quy định pháp luật và trả lại công bằng xã hội. Thành phố phải buộc các chủ đầu tư phải trả lại nguyên trạng kênh rạch đã bị lấp, phạt nặng tiền, không cho tham gia các dự án tại TP.Hồ Chí Minh trong một số năm; đồng thời truy cứu trách nhiệm các tổ chức, cá nhân tiếp tay sai phạm kéo dài, bất kể cấp nào. Về phía quản lý Nhà nước, thành phố cần có văn bản bổ sung thay thế Quyết định 204, không còn phù hợp thực tế; tuyệt đối không đưa ra giải pháp thay thế bằng cống hộp hoặc trả lại bằng hồ điều tiết, vì không có cơ sở khoa học và chỉ có tác dụng vẽ đường cho hươu chạy”, tiến sĩ Phạm Sanh cảnh báo.
Giang Nam
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.