Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2017 do thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Công thương tổ chức đã diễn ra tại khách san Deawo Hà Nội, với sự tham gia của gần 400 doanh nghiệp của 49 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Giới thiệu trái cây đặc sản của Sơn La.
Đại diện của 49 tỉnh, thành phố đã mang đến giới thiệu tại Hội nghị những sản phẩm đặc trưng nhất của địa phương mình, phần lớn là đặc sản, nông sản sạch, và khác với rất nhiều hội nghị giới thiệu sản phẩm khác, lần này đã có nhiều sản phẩm chế biến tinh được giới thiệu tới người tiêu dùng.
La Fresh, một đơn vị chuyên sản xuất trái cây và sản phẩm chế biến từ trái cây tươi Đà Lạt giới thiệu tới người tiêu dùng những món hàng đặc biệt của mình, như các loại mứt phúc bồn tử, dâu tây, dâu tằm, chanh leo, chanh vàng…, một số loại nước quả như mãng cầu, cam, chanh leo, thanh long… Đại diện của đơn vị hồ hởi giới thiệu một số loại trái cây ôn đới như quả phúc bồn tử, chanh vàng… đã được gieo trồng và sản xuất thành công. Tuy nhiên, các mặt hàng chủ yếu mà La Fresh bán tại các thị trường ngoài Lâm Đồng lại là hoa quả chế biến, bởi vì số lượng trái cây tươi của họ sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường trong nước, thậm chí ngay cả ở thị trường miền trung – Tây Nguyên.
Đó là với những loại trái cây “không đụng hàng” của một đơn vị. Còn ở nhiều địa phương khác, những loại nông sản đặc sản chất lượng cao thường cũng không đủ cung cấp cho nhu cầu ngay cả ở thị trường trong tỉnh, chưa nói đến bán ra thị trường ngoài. Đồng thời, những loại đặc sản tương tự như vậy, nhưng với chất lượng thấp hơn, được trồng đại trà, thậm chí xô bồ, được bày bán khắp nơi với cái mác đặc sản, đã phần nào làm người tiêu dùng nghi ngại, không biết thực hư như thế nào. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương.
Điều đó cho thấy, để sản phẩm chất lượng cao đến được tới tay người tiêu dùng, và tạo nên uy tín, gây dựng lòng tin ở người tiêu dùng, mỗi địa phương cần đến cả một sự đồng bộ từ sản xuất sạch, tính toán quy mô, xây dựng thương hiệu địa phương và kế hoạch quảng bá. Đó là lý do để những hội nghị như thế này ra đời, để các địa phương và doanh nghiệp bắt tay nhau, kết nối với nhau, từng bước đưa sản phẩm của địa phương mình có vị trí vững chắc tại thị trường Hà Nội.
Bản thân Hà Nội cũng là địa phương rất tích cực trong việc phối hợp với các tỉnh, thành phố khác kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm như tổ chức Tuần hàng hóa Sơn La tại Hà Nội, tuần lễ vải thiều Lục Ngạn, Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên, hội nghị kết nối giao thương giữa Hà Nội và Lâm Đồng, giao thương với các tỉnh trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt…
Giới thiệu sản phẩm của An Giang.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng giới thiệu, hỗ trợ sản phẩm lợi thế của các tỉnh, thành phố trực tiếp tại hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon, Central Group, Coop, Conad, Lotte, Big C… thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp 19 tỉnh tại hệ thống phân phối nước ngoài, đồng thời với việc liên tục tổ chức các chương trình giới thiệu, bán giá gốc hoặc quảng bá sản phẩm Việt tại nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố tùy theo từng mùa sản vật của các tỉnh, như vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà, cam Cao Phong, bơ sáp Đác Lắc, na Lạng Sơn, mận Mộc Châu…
Hà Nội cũng thường xuyên chủ động tổ chức xúc tiến công nghiệp, thương mại, nông nghiệp với nhiều tỉnh, thành phố, có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà phân phối và người tiêu dùng. Những điều này đã góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng, giúp thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa – doanh thu dịch vụ, giúp doanh nghiệp chủ động về sản xuất và thị trường tiêu thụ, ổn định được đầu vào và đầu ra, đặc biệt là các sản phẩm có tính thời vụ.
Tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều vấn đề, như vẫn còn một số nơi sản xuất nhỏ lẻ manh mún, việc quản lý chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế, còn có ít những doanh nghiệp làm đầu mối tiêu thụ cho nông dân, đơn vị sản xuất, nhiều nơi còn sản xuất theo tập quán truyền thống, chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ, kiểm định sản phẩm, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì… Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và phân phối, tiêu thụ chưa được kết nối thường xuyên. Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung – cầu trên thị trường cho các doanh nghiệp chưa kịp thời…
Những hội nghị kết nối như thế này là vô cùng cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn, là sau hội nghị, bao nhiêu doanh nghiệp “bắt tay” được với nhau, bao nhiêu dự án sản xuất được mở rộng và tìm được đầu ra, bao nhiêu sản phẩm tìm được đầu ra…, và cuối cùng là người tiêu dùng tìm thấy những sản phẩm sạch, chất lượng cao nhưng giá cả phải chăng này ở đâu. Đó mới là hiệu quả lớn nhất mà những hội nghị kết nối này đem lại cả cho người sản xuất, người phân phối và người tiêu dùng.
Theo Tuyết Loan/Nhân Dân
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.