Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 29 tháng 10 năm 2017 | 11:45

Khaisilk và vấn đề đạo đức kinh doanh

Dư luận và người tiêu dùng đang bức xúc khi biết Tập đoàn Khaisilk bán hàng xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn mác Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, Khaisilk không chỉ có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh.

Những ngày vừa qua, thông tin cửa hàng Khaisilk bán lụa Trung Quốc dưới mác hàng Việt gây chú ý và phản ứng của dư luận. Sự việc bắt đầu từ ngày 23/10, trên trang Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh đã phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”.

Nhiều ý kiến cho rằng, Khaisilk không chỉ có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh. (Ảnh: Dân trí)

Theo anh Quỳnh, ngày 17/10, anh đã đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng/chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) với tổng giá trị đơn hàng là 38.640.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, anh phát hiện trong lô hàng có 1 chiếc khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Việt Nam”, vừa có mác “Made in China”. Kiểm tra toàn số còn lại nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn.

Sự việc gây chú ý đặc biệt khi ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk Chủ tịch Tập đoàn Khai Silk đã lên tiếng thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, với tỷ lệ hàng Trung Quốc/hàng Việt Nam là 50/50, và cho biết ông "cúi đầu xin lỗi" khách hàng.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Công thương đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên. Nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý.

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương cho biết, qua kiểm tra lực lượng chức năng đã thu nhiều mẫu sản phẩm tại cửa hàng của Khasilk có giá trị khoảng 30 triệu đồng. Theo báo cáo sơ bộ, các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.
Sau khi có thông tin việc Khaisilk mua sản phẩm Trung Quốc gắn mác “made in Viet Nam” nhiều luồng ý kiến tỏ ra bức xúc.  

Nhiều hộ các hộ kinh doanh, gia đình sản xuất lụa truyền thống tại làng lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc - Hà Đông, Hà Nội) rất bất bình về hành vi cắt mác của Trung Quốc, dán mác của Việt Nam vào bán với giá “cắt cổ”. “Đây là việc làm gian dối, lừa đảo người tiêu dùng, không thể chấp nhận được”.

Theo ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc, Hà Đông, việc cắt mác lụa của Trung Quốc, gắn mác của Việt Nam vào là việc làm phi đạo đức, đây là hành vi lừa dối khách hàng. 

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho rằng, việc Khaisilk mua sản phẩm Trung Quốc gắn mác “made in Viet Nam” là có thật thì đây là sự lừa dối khách hàng rất nghiêm trọng bởi Khaisilk - một trong những thương hiệu có tên tuổi trong ngành tơ lụa Việt Nam và được quốc tế biết đến.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, vụ việc này không những thiệt hại cho khách hàng mà còn thiệt hại cho thương hiệu Việt, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh để mang tính ngăn chặn, răn đe các trường hợp tương tự.

Theo bà Khánh cần phải xem Hội Bảo vệ người tiêu dùng “mọc ra” rồi hoạt động như thế nào. Hội Bảo vệ người tiêu dùng chưa bao giờ có hoạt động nào để chứng minh họ đang… tồn tại ngoài vụ việc công bố kết luận về chất lượng nước mắm năm 2016.

“Nếu Hội Bảo vệ người tiêu dùng còn hoạt động thì chúng ta cũng cần phải lên tiếng để họ hành động. Còn nếu họ không có hành động gì thì chúng ta cũng không cần sự tồn tại của Hội”,  bà Khánh nói.

Cũng theo bà Khánh, để xảy ra vụ việc này cơ quan quản lý thị trường cũng cần có trách nhiệm. Cũng có thể từ trước đến nay cơ quan này cho rằng đây không phải là vấn đề gây chết người như vấn đề an toàn thực phẩm, hoặc cũng có thể họ tin tưởng Khaisilk là doanh nghiệp lớn nên không kiểm tra.

Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, đây chính là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Quan trọng nhất là từ năm 90 tới giờ Khasilk đã bán bao nhiêu sản phẩm ra thị trường và mức độ của vi phạm là bao nhiêu? Mức độ vi phạm này sẽ liên quan đến vấn đề xử lý. Nếu từ năm 90 tới thời điểm hiện tại mà xác định được mức độ vi phạm lớn thì phải xử lý hình sự.

Bên cạnh hành vi làm giả nhãn mác nói trên, ông Hùng cũng nêu ý kiến rằng, lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng cần làm rõ Khaisilk nhập hàng hóa qua đường chính ngạch hay nhập qua đường lậu. Nếu Khaisilk không có đủ các giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thì còn vi phạm pháp luật về buôn lậu qua biên giới.

“Với một lực lượng hùng hậu của cơ quan chức năng gồm các đươn vị quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế… mà một cửa hàng lớn ở ngay trung tâm Thủ đô có hành vi bán hàng giả, hàng nhái mà không thể kiểm soát, phát hiện thì đây là trách nhiệm của quản lý thị trường và cơ quan chức năng TP.Hà Nội. Cần làm rõ trong sự việc này liệu rằng có hiện tượng bảo kê của cơ quan chức năng hay không?”, ông Hùng cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đang xác minh, làm rõ, trên cơ sở đó đánh giá vi phạm. Khi đã xác định rõ việc vi phạm pháp luật mới có cách xử lý phù hợp.

"Những hoạt động của doanh nghiệp ngoài yêu cầu tuân thủ luật pháp còn phải dựa trên nền tảng đạo đức, văn hóa, nhất là văn hóa doanh nghiệp, người tiêu dùng. Qua việc báo chí phản ánh và hoạt động về kinh tế, thương mại của doanh nghiệp Khaisilk, tôi thấy có những dấu hiệu vi phạm cả luật pháp cũng như là nền tảng đạo đức của doanh nghiệp này", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hoàng Văn (t/h)

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top