Đó là chàng trai người Mông Thào A Lìn (sinh năm 1989) đã tích cực tham gia biểu diễn, mang lời ca, tiếng hát cùng tiếng sáo “điêu luyện” phục vụ công chúng tại các sự kiện văn hóa - văn nghệ tổ chức trên địa bàn.
Hơn 8 năm gắn bó, công tác tại Trung tâm văn hóa - thể thao, truyền thông huyện Bắc Hà (Lào Cai), chàng trai người Mông Thào A Lìn (sinh năm 1989) đã tích cực tham gia biểu diễn, mang lời ca, tiếng hát cùng tiếng sáo “điêu luyện” phục vụ công chúng tại các sự kiện văn hóa - văn nghệ tổ chức trên địa bàn.
Với niềm đam mê và nhiệt huyết cống hiến, anh đang nỗ lực cùng đơn vị mang bản sắc văn hóa dân tộc đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần đưa du lịch địa phương ngày càng phát triển.
Chàng trai “say” nhạc cụ dân tộc
Hiện nay, ở hầu hết các sự kiện văn hóa, nghệ thuật do huyện Bắc Hà tổ chức, đặc biệt tại “Chợ đêm thứ 7”, khách du lịch và người dân địa phương hay thấy chàng trai Mông Thào A Lìn khỏe khoắn, nhanh nhẹn, không chỉ hát mà còn trình diễn và thể hiện rất hay, ấn tượng những làn điệu dân ca Mông, các bài sáo mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao như: “Người Mèo ơn Đảng”, “Âm vang núi rừng”, “Đêm trăng bản Mèo”...
Chia sẻ cùng chúng tôi, Thào A Lìn trải lòng: “Vùng cao Bắc Hà được biết đến là vùng giàu bản sắc văn hóa. Qua mỗi bài sáo, em đều muốn gửi gắm tâm tình đến đông đảo khán giả để mọi người biết đến vùng cao Bắc Hà nhiều hơn. Có được những tiết mục độc tấu sáo ấn tượng ấy là cả quá trình “dày công, khổ luyện” cùng tình yêu nghiệp diễn đến cháy bỏng”.
Hơn 8 năm công tác, Thào A Lìn từng tham gia biểu diễn và dành nhiều giải cao tại các hội diễn nghệ thuật quần chúng được tổ chức. Đơn cử, anh từng giành Huy chương Bạc tại “Hội diễn nghệ thuật các Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật toàn quốc” và mới đây, vào tháng 10/2018, tại “Hội diễn đàn, hát dân ca 3 miền” được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, anh mang về niềm vinh dự cho cá nhân và sự nghiệp Văn hóa huyện Bắc Hà 2 Huy chương Bạc và Vàng ở các tiết mục tấu sáo: “Tình núi” và “Xuân về trên bản Mông”.
Học hết cấp 3 tại Trường PTDT nội trú tỉnh Lào Cai, với tình yêu cháy bỏng các loại hình nhạc cụ dân tộc, A Lìn đã đăng kí dự thi và đỗ vào Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Cùng với niềm đam mê thì cơ hội được học thổi sáo “bài bản” nhất, xuất phát từ mái trường này. “Khi ấy, trường tạo điều kiện cho sinh viên Khoa “nghiệp vụ văn hóa- du lịch” mà tôi đang theo học… được theo đuổi một bộ môn nhạc cụ mà mình yêu thích. Thế là, tôi đã không ngần ngại đăng kí tham gia lớp sáo và kiên trì khổ luyện dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của giảng viên”, anh Lìn chia sẻ.
Mô hình kinh doanh nhạc cụ dân tộc của Thào A Lìn tại chợ văn hóa Bắc Hà.
Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, từ năm 2011 đến nay, Thào A Lìn gắn bó, công tác tại Trung tâm văn hóa huyện (nay là Trung tâm văn hóa thể thao, truyền thông huyện Bắc Hà), với công việc chính là biểu diễn văn nghệ quần chúng thuộc Tổ tuyên truyền lưu động. Anh luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, mang lời ca, tiếng hát, các làn dân ca Mông để truyền cảm hứng đến các bạn trẻ cùng chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để phục vụ du lịch. Anh luôn tâm niệm: “Mình là người con của quê hương Bắc Hà, cần đoàn kết cùng anh chị em đồng nghiệp nỗ lực hết mình vì sự phát triển đi lên của quê hương, đặc biệt khi địa phương đang chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Phát huy các giá trị bản sắc văn hóa
Không chỉ đam mê nghiệp diễn, với sự khéo léo, Thào A Lìn còn tự chế tác sáo trúc và mở cửa hàng buôn bán “nhạc cụ dân tộc truyền thống” mang tên “Sáo Núi” tại chợ văn hóa Bắc Hà. Mô hình này được xây dựng năm 2011 và đến nay đã duy trì được hơn 8 năm, là địa chỉ tin cậy của những “tín đồ” có chung niềm đam mê nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là cây sáo trúc. Thào A Lìn cũng băn khoăn, lo lắng khi nhiều bạn trẻ hiện nay ít quan tâm đến các loại hình nhạc cụ dân tộc, thêm nữa muốn học được đòi hỏi cần có năng khiếu, niềm đam mê và kì công tập luyện. Tuy nhiên, Thào A Lìn cũng hồn nhiên cho biết, sẵn sàng chỉ bảo, truyền dạy kĩ thuật làm sáo, thổi sáo một cách “bài bản” cho những người thực sự đam mê. Thào A Lìn nhẩm tính, em đã dạy sáo miễn phí cho trên 30 bạn trẻ, có em là người địa phương, cũng có em đến từ các huyện Si Ma Cai, Bảo Thắng và xa nhất là huyện Sín Mần (tỉnh Hà Giang)
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, Phó bí thư Huyện đoàn Bắc Hà, nhận xét: “Thào A Lìn thực sự đã chứng tỏ là một đoàn viên trẻ giàu năng khiếu, yêu nghề. Hiện nay, khi vùng cao Bắc Hà đang trong quá trình phát triển du lịch, các yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc được xem là một lợi thế riêng để thúc đẩy du lịch địa phương ngày càng phát triển. Mô hình kinh doanh nhạc cụ dân tộc, truyền dạy sáo Mông và nỗ lực truyền cảm hứng yêu thích nhạc cụ dân tộc cho các bạn trẻ của Thào A Lìn thực sự rất đáng trân trọng, biểu dương và nhân rộng để các bạn trẻ thêm yêu thích, gắn bó và phát huy tốt các giá trị bản sắc văn hóa quê hương để phục vụ du lịch”
Tạm biệt Thào A Lìn nhưng lòng vẫn quyến luyến điệu sáo du dương, chúng tôi hẹn ngày gặp lại. Mong sao bằng nhiệt huyết gắn bó, cống hiến, anh tiếp tục có thêm những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp văn hóa - thể thao, truyền thông của huyện, và hơn hết, các bạn trẻ trên “cao nguyên trắng” Bắc Hà ngày càng biết trân trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để cùng thúc đẩy du lịch địa phương phát triển theo hướng bền vững.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.