Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 4 năm 2016 | 1:45

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp bất động sản

Tiền sử dụng đất là một gánh nặng của doanh nghiệp và các hộ gia đình đồng thời cần công bằng với các doanh nghiệp bất động sản đã được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh phát biểu trong hội nghị gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh sáng 29/4.

Kiến nghị xem xét sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất.

Theo ông Lê Hoàng Châu, hiện nay đối với doanh nghiệp, tiền sử dụng đất vẫn là “ẩn số” vì nhà đầu tư không thể tiên lượng được trước khi quyết định đầu tư dự án. Đôi khi là “gánh nặng” khi nhà đầu tư gần như phải mua lại quyền sử dụng đất đến hai lần, và đẻ ra cơ chế "xin - cho" do phải qua quá trình thẩm định, xét duyệt rất nhiêu khê, có thể dẫn đến "tình thế" chủ đầu tư phải "thỏa thuận" với đơn vị tư vấn mới có kết quả phù hợp. Bên cạnh đó, ông Châu cũng cho rằng hệ quả cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà. Vì thế, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất như là một sắc thuế khi chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, như đề xuất của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại Báo cáo số 196/BC-UBND ngày 08/11/2013 đã trình Chính phủ, như sau: “Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin – cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước”. Trong trường hợp đề xuất trên đây chưa được chấp thuận, Hiệp hội kiến nghị cho chủ đầu tư được khấu trừ chi phí thực tế giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất.

Ông Lê Hoàng Châu (thứ 2 từ trái sang) trình bày khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản tại hội nghị

Tại hội nghị ông Châu cho rằng nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại thành phố Hồ Chí Minh khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở trong các vị trí hẻm sâu đã phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn các trường hợp đã được cấp sổ đỏ từ năm 2014 trở về trước. Nguyên nhân là do quy định mức giá đất thấp nhất của địa phương ban hành không được thấp hơn mức giá đất tối thiểu theo khung giá của Chính phủ. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét giao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định xây dựng bảng giá đất cho phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương thì hợp lý hơn. 

Cần công bằng với các doanh nghiệp bất động sản

Bất động sản là một trong những ngành kinh tế nền tảng của đất nước, có liên quan đến hầu hết các ngành kinh tế khác, cung ứng nhiều sản phẩm,đặc biệt là nhà ở và góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Hiện nay, có những ngành nghề được Nhà nước cho phép hạch toán bù trừ trong quá trình kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng cơ chế này lại không được áp dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản vì theo quy định thì kinh doanh bất động sản phải được hạch toán riêng. Doanh nghiệp bất động sản không được lấy lợi nhuận trong hoạt động ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho kinh doanh bất động sản và ngược lại cũng không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản để bù trừ cho các hoạt động khác. Đây là quy định bất hợp lý và không còn phù hợp với tinh thần đổi mới khi xây dựng Luật Đầu tư 2014 đã quy định nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Hơn nữa, trong cùng một doanh nghiệp thì các hoạt động đầu tư, kinh doanh đều được đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp, có vai trò hỗ trợ lẫn nhau và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chính là kết quả tổng hợp của các hoạt động trên. Do vậy, cần bãi bỏ quy định lỗi thời này và cho phép tất cả các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được hạch toán bù trừ giữa các hoạt động sản xuất, kinh doanh với nhau phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết.

Tại buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ lần này, đại diện Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thận trọng khi xem xét sửa đổi khoản 5 điều 17 Thông tư 36/2014/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn đ cho vay trung hạn và dài hạn với tỷ lệ tối đa 50% và đề nghị vẫn xếp các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150% như hiện nay và quy định thời điểm có hiệu lực vào năm 2017 để các bên có liên quan chủ động điều chỉnh hoạt động của mình, thì hợp lý hơn và không gây sốc cho thị trường.

Buổi chiều cùng ngày, Ban tổ chức hội nghị sẽ tiến hành họp báo để thông tin các kết quả đạt được trong buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp./.

Lại Hùng - Thái An

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top