Những ngày này 77 năm trước, Thừa Thiên- Huế sục sôi khí thế cách mạng giành chính quyền sau hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật.
Những ngày mùa thu lịch sử
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Huế vừa là kinh đô của Nhà nước phong kiến Việt Nam, vừa là thủ phủ của Chính phủ Trần Trọng Kim và là nơi đặt cơ quan cai trị của quân đội Nhật. Sau ngày đảo chính pháp, lực lượng của phát xít Nhật tại Huế có khoảng 4.500 quân thiện chiến, với đầy đủ trang bị vũ khí. Cùng với đó, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim cũng đã lập những đội Thanh niên tiền tuyến gồm hàng chục vạn thành viên bán vũ trang. Các tổ chức thân Nhật xuất hiện như “nấm sau mưa” như: “Hội tân Việt Nam”, “Ðại Việt quốc gia liên minh”, “Ðại Việt Duy tân”, “Quốc dân Ðảng”. Trong khi đó, Huế lúc này chỉ có lực lượng Việt Minh, trong đó tồn tại hai tổ chức: Việt Minh Thuận Hóa và Việt Minh Nguyễn Tri Phương.
Sau khi có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng vào tháng 3/1945, Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế đã quyết định thời cơ phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Đứng trước tình hình đó, từ ngày 23/5 đến 25/5/1945, Hội nghị Việt Minh tỉnh Nguyễn Tri Phương mở rộng đã họp tại Đầm Cầu Hai do đồng chí Nguyễn Sơn - Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời, làm chủ tọa. Hội nghị đã thảo luận, phân tích và đánh giá tình hình chung trong cả nước, trong tỉnh và đi đến nghị quyết: “Khởi nghĩa khi thời cơ đến, chuẩn bị lực lượng, xây dựng và củng cố tổ chức, phân công trách nhiệm cho từng đảng viên”.
Do những đặc điểm chính trị phức tạp ở Huế, là trung tâm cai trị của phát xít Nhật ở Trung bộ và là kinh đô của triều đình phong kiến nhà Nguyễn, Thường vụ Việt Minh tỉnh đã có những cố gắng cao nhất để tranh thủ mọi khả năng làm giảm bớt sức chống phá cách mạng, đồng thời đây cũng là địa bàn quan trọng giành thắng lợi quyết định cho Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc, nên được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương. Ngày 20/8, Đoàn cán bộ Trung ương gồm các đồng chí: Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh đến Huế tham gia chỉ đạo khởi nghĩa. Ngày 20/8, Uỷ ban khởi nghĩa được thành lập gồm các đồng chí Tố Hữu, Hoàng Anh, Lê Tự Đồng, Lê Khánh Khang, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Sơn.... Tối 21/8, Hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các huyện, thành phố và từng cán bộ trong việc tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế. Ngày 23/8, chính phủ Trần Trọng Kim có kế hoạch tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở sân vận động Huế để mừng việc Nhật trả quyền cai trị Nam kỳ cho triều đình Huế.
Tại Thừa Thiên- Huế, lệnh khởi nghĩa được ban hành ngày 15/8. Từ ngày 18 đến 22/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa các huyện trong tỉnh Thừa Thiên- Huế đã nổi dậy giành chính quyền. Ngày 18/8, các huyện lỵ Phong Điền, Phú Lộc khởi nghĩa thắng lợi, tiếp đó là huyện lỵ Hương Thủy (22/8), Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền…. Tại thành phố Huế, trung tâm đầu não của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, ngày 22/8/1945, quần chúng nhân dân đã vùng lên biểu tình, chiếm lĩnh hầu hết các cơ quan, công sở và doanh trại lính bảo an.
Tối 22/8, Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh đã gửi tối hậu thư cho vua Bảo Đại phải thoái vị. Chiều 23/8, hàng vạn người dân Thừa Thiên - Huế và các đội cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế dưới rừng cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam!”.
Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa, quần chúng nhân dân đã tiến hành chiếm các cơ sở còn lại rồi kéo về dự cuộc mít tinh khổng lồ tại sân vận động thành phố, mừng cách mạng thành công. Tại đây, Ủy ban Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, lập chính quyền cách mạng. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thừa Thiên Huế ra đời do Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch, Hoàng Anh làm Phó chủ tịch. Khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thắng lợi nhanh chóng và không đổ máu.
Đến chiều ngày 30/8, tại lầu Ngọ Môn trong kinh thành, vua Bảo Đại đọc bản tuyên bố thoái vị. Vua Bảo Đại hai tay dâng chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn hình vuông. Ông Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận hai vật tượng trưng này. Hàng vạn người thuộc 6 huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền cùng với các tầng lớp nhân dân TP Huế tập hợp trước cửa Ngọ Môn đến chân Kỳ đài trong tiếng hô reo rền vang “Việt Nam độc lập muôn năm!”.
Không khí hào hùng, sục sôi những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử ở Huế, ông Vĩnh Mẫn (90 tuổi, trú TP. Huế) còn nhớ rất rõ “Chiều 23-8-1945, hàng vạn đồng bào Thừa Thiên- Huế tập trung trong hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ đỏ sao vàng, dự cuộc mít-tinh chào mừng khởi nghĩa thắng lợi tại sân vận động Huế. Tại đây đồng chí Tố Hữu thay mặt Ủy ban khởi nghĩa đọc diễn văn nêu rõ ý nghĩa tầm vóc của cuộc khởi nghĩa, tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân và giới thiệu thành phần Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời do đồng chí Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch”.
Hào khí cách mạng những ngày mùa thu ấy ở Huế được nhà thơ Tố Hữu mô tả: “Tháng Tám vùng lên Huế của ta./ Quảng, Phong ơi! Hương Thuỷ, Hương Trà/ Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế./ Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca”.
Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trọn vẹn
Cách mạng Tháng Tám ở Huế thành công có ý nghĩa lịch sử không những ở địa phương mà ở cả nước. Từ cuộc thoái vị của Bảo Đại thì đất nước ta chấm dứt chế độ quân chủ, mở ra một trang sử mới, một kỷ nguyên mới của độc lập, tự do. Như thế, Thừa Thiên - Huế góp một đòn quyết định trong Cách mạng tháng Tám cùng với Hà Nội và Sài Gòn, góp phần với đất nước để hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công trên cả nước đã phá tan xiềng xích của thực dân, phát xít, lật đổ chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Theo PGS. TS Trương Công Huỳnh Kỳ, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế: “Tư tưởng xuyên suốt của mình là không dùng bạo lực, dù là khởi nghĩa giành chính quyền, phải dùng sức mạnh quần chúng, tập hợp đông đảo quần chúng. Trên cơ sở làm thế nào giác ngộ cho mọi người, kể cả đối phương, hiểu được vấn đề này để hạn chế dùng bạo lực. Do đó, khởi nghĩa ở Huế diễn ra êm đẹp, cái yếu tố chính nghĩa, khơi dậy lòng yêu nước tạo nên một sức mạnh”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thực chất là cuộc đấu tranh giành chính quyền của nhân dân ta chuyển từ chế độ quân chủ-thực dân sang chế độ dân chủ-độc lập. Trong cuộc cách mạng đó, theo PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên- Huế: “Huế giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong lịch sẻ dân tộc, góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử Việt Nam thời hiện đại. Kể từ ngày 23/8 và mốc cuối cùng qua sự kiện vua Bảo Đại thoái vị tại Huế (30/8), có thể nói vào thời điểm này, trang sử chế độ quân chủ Việt Nam sau hơn một nghìn năm đã kết thúc. Việc vua Bảo Đại thoái vị là sự kiện trực tiếp đưa đến ngày Quốc khánh 2/9-Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Thủ đô Hà Nội, công bố Việt Nam là một nước độc lập, tự do trước quốc dân và thế giới. Để có được ngày 23/8 và 30/8 là cả một quá trình đấu tranh, vận động thắng lợi của cách mạng Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Nhà Nghiên cứu Dương Phước Thu khẳng định, bài học về tinh thần đoàn kết của Cách mạng Tháng Tám thành công ở Huế đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị: Thứ nhất là lòng yêu nước của Nhân dân, khát vọng hoà bình, giải phóng bản thân, giải phóng gia đình và giải phóng quốc gia; xây dựng quốc gia độc lập, hoà bình. Thứ hai là quyền của người dân được phát huy. Thứ ba là sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất xung quanh một chính đảng có tổ chức, có sự lãnh đạo và sự đồng lòng, đồng sức, đứng lên thành một đội ngũ, giành chính quyền.
Xây dựng NTM bền vững
Thắng lợi rực rỡ của Cách mạng tháng Tám ở Thừa Thiên- Huế là kết quả của sự chung sức, đồng lòng của nhân dân dưới sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng bộ Thừa Thiên- Huế. Hào khí của Cách mạng Tháng Tám không chỉ tạo đà để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện nhiệm vụ chống kẻ thù xâm lược trong những năm tháng tiếp theo mà luôn song hành trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa, xây dựng quê hương Thừa Thiên- Huế ngày càng giàu đẹp trong thời đại ngày nay.
Tỉnh Thừa Thiên- Huế đang tập trung tăng cường xây dựng Ðảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên- Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến nay, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) Thừa Thiên- Huế đã đạt được một số thành tựu đáng kể, có 70 xã/94 xã đạt chuẩn NTM, có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành NTM thị xã Hương Thủy và huyện Quảng Điền.
Theo Văn phòng Điều phối NTM Thừa Thiên- Huế, thực hiện xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022, qua rà soát đánh giá lại các xã, huyện theo bộ tiêu chí mới, phấn đấu đến cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 4 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có ít nhất 20% số thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM. Nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM dự kiến huy động hơn 2.532 tỷ đồng.
Những xã còn lại, phấn đấu số tiêu chí đạt chuẩn bình quân tăng 0,3 tiêu chí/xã/năm và nâng chất lượng tiêu chí theo lịch trình kế hoạch đã đề ra. Trong đó, ưu tiên tập trung thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh.
Các chỉ tiêu tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân như: Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch khoảng 96%, khu vực nông thôn 93%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 toàn tỉnh giảm 1,0-1,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025), trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% giảm từ 4% trở lên.
Theo ông Lê Thành Nam, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Thừa Thiên - Huế, ngoài các chỉ tiêu chính, giai đoạn 2021-2025, Thừa Thiên - Huế Tập trung tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 gồm: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Khẩn trương thực hiện lồng ghép, phân khai các nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng mục tiêu; tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch.
Phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 82 xã đạt chuẩn NTM năm 2025, đạt tỷ lệ 87,2%, trong đó, 34 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có ít nhất 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt tỷ lệ 55%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2 - 2,2%. Trong đó, khu vực khu vực miền núi giảm còn dưới 5%; các xã có tỷ lệ nghèo cao trên 25% giảm bình quân từ 3,5 - 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.