Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 27 tháng 2 năm 2016 | 10:26

Kỷ niệm 61 năm ngày thầy thuốc Việt Nam: “Hoa trên đá”

“Làng phong” là cái tên mà người dân nơi đây vẫn quen gọi xóm 6, xã Ba Sao (Kim Bảng - Hà Nam). Sở dĩ có tên gọi như vậy vì đây là khu điều trị và sinh sống của gần 80 con người không may mắc bệnh phong. Bị người thân trong gia đình xa lánh, xã hội kỳ thị dù bệnh phong không nguy hiểm như trong suy nghĩ nhưng sự mặc cảm, sự tự ti đã khiến họ gắn bó với nơi này.

Và hàng ngày, trên mảnh đất này, vẫn có những con người thầm lặng khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, tận tình ­chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình. Họ đang nỗ lực hết mình, gieo sự sống trên khô cằn đá sỏi.

Những hộ lý, bác sỹ như chị Xuyến là chỗ dựa vững chắc cho bệnh nhân nơi đây.

Chia sẻ với chúng tôi, nữ hộ lý Nguyễn Thị Xuyên, người có thâm niên gần 20 năm chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Phong Hà Nam, cho biết: “Sống và làm việc tại “làng phong”, chúng tôi chịu chung cảnh buồn hiu hắt và ít có cơ hội tiếp xúc với “thế giới bên ngoài”. Việc chăm sóc bệnh nhân phong cũng không giống bệnh nhân thông thường, bởi nhiều người không còn bàn tay, chân, không gia đình nên phụ thuộc hoàn toàn vào cán bộ y tế”.

Tôi băn khoăn về động lực để chị Xuyên gắn bó với nơi đây, chị bảo: “Để hoàn thành tốt công việc, các y - bác sĩ phải chấp nhận hy sinh, gạt đi lợi ích riêng tư. Có bệnh nhân ốm, thậm chí nằm liệt giường cả năm trời, chúng tôi phải thay nhau chăm sóc”.

Bác sỹ Phan Minh Tân, Phó giám đốc Bệnh viện, chia sẻ: “Cùng công tác trong ngành y nhưng cán bộ y tế ở đây thiệt thòi lắm, vất vả, thiếu thốn trăm bề. Phải là người thực sự có tâm thì mới trụ được”.

Theo bác sỹ Trần Văn Tuyển, Giám đốc Bệnh viện: “Chăm sóc bệnh nhân minh mẫn đã vất vả, việc điều trị cho các bệnh nhân bị Alzheimer (bệnh suy giảm trí nhớ tuổi già) còn vất vả hơn nhiều. Hiện có đến 30% số người cao tuổi tại bệnh viện đã mất trí nhớ, dẫn đến tình trạng không làm chủ trong sinh hoạt”.

“Nhìn các cụ thương lắm, nên chúng tôi cố gắng chăm sóc tất cả mọi công đoạn, từ tiểu phẫu, lau chùi vết thương, tắm rửa, giặt quần áo, bón cơm…, mình không xắn tay vào thì ai làm”, điều dưỡng Khổng Thị Loan cười giản dị.

Bệnh nhân V.Đ.L., quê ở Nam Định, 89 tuổi và đã có 1/4 quãng đời sống và điều trị tại bệnh viện cảm động nói: “Ơn Đảng và Nhà nước lắm! Chỉ có Đảng mới nuôi được chúng tôi như thế này”.

Khi được hỏi tại sao không xin về để con cái có điều kiện chăm sóc, cụ V.Đ.L. buồn rười rượi: “Tôi không muốn về, mất khả năng lao động rồi. Về lại làm khổ con cái. Ở đây cuộc sống tốt hơn nhiều. Mà về người ta sợ bệnh hủi lắm”.

Bệnh nhân N.X.Đ., 76 tuổi, cũng quê ở Nam Định, cho biết: “Tôi vào đây điều trị từ năm 1994, vợ con hiện đều ở quê. Tôi muốn về nhà nhưng ở quê người ta sợ lây”.

Chia tay “làng phong”, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi cho hoàn cảnh của những bệnh nhân ở đây, nhưng trong lòng cũng cảm thấy ấm áp bởi tấm lòng của những “lương y như từ mẫu”.

Nhất Nam - Trung Hiếu

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top