Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 8 năm 2018 | 13:16

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Vui ít, buồn và trăn trở nhiều!

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 chính thức khép lại. Ngày 6/8/2018, các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc đã công bố điểm chuẩn xét tuyển. Theo dư luận xã hội kỳ thi này để lại nhiều điều phải suy nghĩ: Buồn nhiều hơn!

tr9.jpg
Các thí sinh dự thi tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Long Xuyên (TP. Long Xuyên - An Giang) bắt đầu làm bài. Ảnh: Công Mạo.

 

Kỳ thi nhiều “bất thường”

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là năm thứ 4 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, nghĩa là kết quả thi vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Khi kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa kết thúc buổi thi môn Toán, dư luận đã ồn ào bởi ý kiến của những nhà chuyên môn, các giáo sư, nhà toán học cho rằng, đề thi toán năm nay rất khó, khó đến mức “giáo sư cũng phải khóc” khi làm bài, nhiều người còn nhận định kết quả của kỳ thi này rất thấp, thậm chí sẽ không có điểm tuyệt đối cho môn Toán.

Kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia cũng đã được công bố, theo đó, có 1 thí sinh ở Phú Thọ và 1 thí sinh ở TP Hồ Chí Minh  đạt được điểm tuyệt đối môn Toán.

Dư luận có lẽ cũng chỉ dừng lại ở việc đề thi toán khó hơn năm 2017, chính vì vậy, điểm số của các thí sinh năm nay chắc chắn sẽ thấp hơn rất nhiều, sẽ không còn những “cơn mưa điểm 10” như năm trước nữa nếu như không có những điều “bất thường” xảy ra.

Trong tổng số hơn 925.000 thí sinh cả nước tham gia kỳ thi Quốc gia, Hà Giang chỉ có hơn 5.500 em tham dự. Nhưng kết quả điểm thi THPT Quốc gia của học sinh tỉnh này lại cao “bất thường”, với 36 học sinh của Hà Giang trên tổng số 76 thí sinh toàn quốc thi khối A đạt 27 điểm trở lên. Thật là điều “khó tin” khi số thí sinh đạt điểm cao ở đây lại chiếm gần 50% số học sinh đạt điểm cao toàn quốc.

Bộ GD & ĐT và các cơ quan chức năng ngay lập tức đã vào cuộc, một tổ công tác của Bộ do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí, Chất lượng làm Trưởng đoàn, trực tiếp lên Hà Giang để tiến hành xác minh và làm rõ vấn đề “bất thường” tại đây. Kết quả kiểm tra, phát hiện 114 thí sinh trên địa bàn của tỉnh Hà Giang được nâng  từ 1 điểm lên đến 8,9 điểm.

Vụ gian lận điểm thi không dừng lại ở tỉnh miền núi Hà Giang, liên tiếp ngay sau đó các cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia tại hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình.

Ngày 20/7, một đoàn công tác của Bộ Công an đã được tăng cường hỗ trợ Bộ GD&ĐT kiểm tra xác minh những dấu hiệu bất thường tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 của Sơn La. Sau hai ngày làm việc, đại diện Tổng cục An ninh - Bộ Công an đã chính thức đưa ra những thông tin ban đầu. Theo đó, có dấu hiệu chỉnh sửa, tẩy xóa kết quả thi, với một số bài thi có dấu hiệu can thiệp kết quả thi.

Theo phân tích, điểm trung bình môn Toán của Sơn La thấp nhất cả nước nhưng tỉ lệ điểm 9 lại cao gấp 3 lần Hà Nội, gấp 7 lần TP. Hồ Chí Minh. Trong khi TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có lượng thí sinh đăng ký dự thi cao gấp nhiều lần Sơn La.

Đặc biệt, xét theo khối A1, Sơn La có 8 thí sinh từ 27 điểm trở lên, trong khi cả nước có 76 thí sinh. Ở môn Tiếng Anh, số thí sinh có điểm 9,6 cũng xấp xỉ số có điểm 9 và 8.

Tại Hòa  Bình, kết quả phân tích điểm thi cho thấy, với 27 trong tổng số 8.900 thí sinh dự thi môn Toán đạt từ 9 điểm trở lên, chiếm 0,3%, Hòa Bình chỉ xếp sau Hà Giang (điểm giả, công bố lần đầu), còn vượt xa các tỉnh khác về tỷ lệ thí sinh đạt mức điểm này. Cụ thể, tỷ lệ này của Hòa Bình cao gấp 5 lần tỷ lệ chung của cả nước là 0,06%, gấp 3 lần của Hà Nội (0,1%), gấp hơn 7 lần của TP. Hồ Chí Minh (0,04%) và hơn 4 lần của Nam Định (0,07%).

Số lượng thí sinh đạt điểm 9 trở lên của Hòa Bình gần bằng TP. Hồ Chí Minh (32 thí sinh), cao gấp hơn 2 lần Nam Định (13 thí sinh). Trong khi đó, số lượng thí sinh dự thi môn Toán của TP. Hồ Chí Minh là 78.033 thí sinh, cao gấp 11 lần của Hòa Bình; còn Nam Định là 19.675 thí sinh, cao gấp 2,2 lần của Hòa Bình...

Khởi tố nhiều giáo viên và cán bộ quản lý

Từ những phản ánh của dư luận và báo chí, các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ GD&ĐT kết hợp với các tỉnh đã tiến hành xác minh và điều tra những “bất thường” trong kết quả điểm thi mà báo chí đã nêu tại các địa phương này.

Ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang bị Công an tỉnh Hà Giang ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam và truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”,  theo Điều 356, Bộ Luật Hình sự 2015, vì đã tự ý nâng điểm cho 114 thí sinh trên địa bàn của tỉnh Hà Giang từ 1 điểm lên đến 8,9 điểm.

Ngay sau đó, Công an tỉnh Hà Giang đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam Trưởng phòng Khảo thí Nguyễn Thanh Hoài - người đưa chìa khóa phòng niêm phong bài thi cho Vũ Trọng Lương. Ông Nguyễn Thanh Hoài bị bắt và khởi tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356, Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La, ngày 31/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La ra quyết định khởi tố 5 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các đối tượng bị khởi tố gồm: Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La; Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Sơn La. Hai đối tượng này bị cấm đi khỏi nơi cư trú. 3 đối tượng bị bắt tạm giam gồm: Lò Văn Huynh, Trưởng phòng; Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên thuộc Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La; Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường PTTH Tô Hiệu. Cả 5 đối tượng đều bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình Phạm Hồng Tuyến cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356, Bộ Luật Hình sự 2015, để điều tra những sai phạm tại Hội đồng thi THPT Quốc gia năm 2018 của địa phương này.

Công an tỉnh Hòa Bình cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 2 đối tượng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự. Hai đối tượng gồm Đỗ Mạnh Tuấn, sinh ngày 4/12/1979, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và Nguyễn Khắc Tuấn, sinh ngày 12/1/1981, là chuyên viên Phòng khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD & ĐT) cho rằng, tổ chấm thẩm định không phát hiện được là bình thường bởi sai phạm ở Hòa Bình rất nghiêm trọng, thậm chí tinh vi, xảo quyệt hơn Hà Giang và Sơn La.

Đến thời điểm này, cơ quan công an đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam 11 bị can là cán bộ quản lý trong ngành GD&ĐT Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Đây có lẽ là một trong những tin không vui của ngành GD&ĐT, chưa khi nào cơ quan công an lại khởi tố và bắt giam nhiều cán bộ quản lý trong ngành như thế. Các cán bộ này đã là những người thầy, từng đứng trên bục giảng dạy dỗ biết bao  thế hệ học trò làm người tử tế, dạy các em phải biết điều trái - phải, phải biết trung thực. Nhưng  hôm nay, chính các giáo viên này lại làm ngược lại với những điều mà mình đã dạy học trò.

“Tư lệnh ngành” nhận trách nhiệm

phu-ng-xua-n-nha-bo-tru-o-ng-b-8139-3908-1533103386.jpg

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về tình hình tổ chức thi THPT Quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương.

Về gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá là rất nghiêm trọng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm.

“Trước các sai phạm tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Dư luận cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia “2 trong 1” có nhiều điểm tích cực nhưng cũng còn có bất cập, nhất là việc Bộ GD&ĐT giao toàn bộ quá trình tổ chức thi tuyển và chấm thi cho địa phương, khâu kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm và quản lý chặt chẽ nên mới dẫn đến hậu quả là địa phương đã gian lận để nâng khống điểm đối với những trường hợp con ông cháu cha và thân quen.

Việc xử lý hình sự đối với các cá nhân vi phạm là đương nhiên, nhưng xã hội thì vẫn chưa đồng tình với việc xử lý đó, không thể nói rằng việc làm của các cá nhân là “bột phát”, là “chỉ vì muốn nọ và muốn kia” mà “bỏ qua” vai trò chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan liên quan trong việc tổ chức và chấm thi trên địa bàn.

Những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 là quá rõ ràng, rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành GD&ĐT, làm hình ảnh người thầy bị “hoen ố”. “Vị tư lệnh” ngành đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân.

Vấn đề xã hội quan tâm là, liệu có còn sai phạm ở các kỳ thi tiếp theo? Nếu có, dù là sai phạm gì thì Bộ trưởng sẽ nhận trách nhiệm thế nào?

Khép lại kỳ thi mà “niềm vui thì ít, nỗi buồn thì nhiều”, nhiều ý kiến, câu hỏi được đặt ra để làm sao những mùa thi sau, cả xã hội sẽ không thấy sự “bất thường” để dẫn đến sự “bất bình” nữa.

 

 

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top