Báo chí đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác thông tin và truyền thông về các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
“Để an toàn trên môi trường mạng và không lạc lối khi bước vào thế giới này, trẻ em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng, nhận biết cần và đủ".
Đó là nhấn mạnh của Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi tại Hội nghị tập huấn “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”, do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay (ngày 24/8), tại Hà Nội.
Hội nghị nhằm thông tin cho các nhà báo về hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các xu hướng công nghệ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Trẻ em ngày càng sử dụng và phụ thuộc internet
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi nêu rõ: Internet được coi là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Với Internet, trẻ em có thể truy cập, tìm kiếm những điều bổ ích và những điều mình thích, nhưng song hành cùng những tiện ích lành mạnh là những tác động xấu, ảnh hưởng tới nhận thức của trẻ.
Cuộc sống của chúng ta trên không gian mạng đang phát triển không ngừng. Internet và sự phát triển nhanh chóng của các công cụ truyền thông số đang kết nối mọi người gần nhau hơn. Trẻ em ngày càng thông thạo và phụ thuộc nhiều hơn vào những công nghệ này, và đại dịch COVID-19 đã tạo đà thúc đẩy cho sự chuyển đổi đa khía cạnh trong cuộc sống của trẻ em trên không gian mạng.
Theo điều tra hộ gia đình của dự án Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam, 89% trẻ em từ 12-17 tuổi, cả trẻ em trai lẫn trẻ em gái, có sử dụng Internet - tức là các em có truy cập Internet trong 3 tháng qua. Trong số những trẻ em sử dụng Internet, 87% sử dụng Internet hàng ngày. Phần lớn các em thể hiện mình có một số kiến thức về kỹ năng đảm bảo an toàn trên mạng - ví dụ: biết cách báo cáo nội dung độc hại trên mạng xã hội - nhưng chỉ có 36% cho biết đã nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng.
Mặc dù 77% người chăm sóc có sử dụng Internet hàng ngày, chỉ có 25% khuyến khích trẻ em khám phá và học tập qua Internet, và thậm chí số người gợi ý những cách sử dụng Internet an toàn hay cùng tham gia hoạt động với trẻ em trên mạng còn ít hơn. Trong khi đó, 19% người chăm sóc cho biết họ sẽ hạn chế trẻ em sử dụng Internet nếu các em quá quan tâm tới điều gì đó trên mạng. Hầu hết trẻ nói rằng không phải lúc nào người chăm sóc cũng cho phép trẻ lên mạng khi các em muốn hoặc khi cần (giáo viên cũng áp dụng các hạn chế tương tự).
Đa số trẻ đã thể hiện các em có một số nhận thức về rủi ro từ các hành vi trực tuyến như gặp gỡ những người quen trên mạng, hoặc chia sẻ hình ảnh nhạy cảm, và trên thực tế, một số ít cho biết các em đã tham gia thực hiện các hành vi nguy cơ trực tuyến. Trong năm trước khi thực hiện khảo sát, 5% đã gặp trực tiếp một người đã quen trên mạng - nhiều cuộc gặp không dẫn tới hậu quả gây tổn hại ngay lập tức, nhiều em nói rằng rất hài lòng với kết quả cuộc gặp - tuy nhiên 1% cho biết đã chia sẻ với người khác hình ảnh hoặc video khỏa thân của chính mình.
Lan tỏa thông điệp và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin trên môi trường mạng
Trước thực trạng đó, ông Đặng Khắc Lợi nhấn mạnh, báo chí đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác thông tin và truyền thông về các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng. Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan báo chí đã có hơn 145.000 tin bài liên quan đến vấn đề trẻ em.
Tại hội nghị tập huấn, các chuyên gia về báo chí, truyền thông, cán bộ quản lý trong lĩnh vực trẻ em và công nghệ đã chia sẻ, cung cấp những thông tin, tư liệu hữu ích để các phóng viên báo chí có thể lan tỏa thông điệp và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho trẻ em trên môi trường mạng.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia trao đổi chuyên đề thứ nhất: Hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và một số quy định liên quan.
Bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh, đây là một chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh cũng như các tổ chức ban ngành, bởi thực trạng sử dụng internet và các trang mạng xã hội đối với các con em hiện nay đang ngày trở nên phổ biến. Đối tượng trẻ em là đối tượng chưa có nhiều kỹ năng có thể tự bảo vệ mình và dễ bị dụ dỗ, ảnh hưởng từ môi trường mạng. Do đó, cần có những hoạt động tuyên truyền định hướng môi trường mạng an toàn lành mạnh cho các con, phát huy những lợi ích của internet. Mạng internet là nguồn tài nguyên vô tận để học tập, giao lưu và khám phá nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu con trẻ chưa được trang bị kỹ năng sử dụng an toàn. Cũng như các em nhỏ cần biết các kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi tai nạn thương tích, xâm hại hay bắt nạt học trường… Biết các kỹ năng an toàn trên mạng là điều hết sức cần thiết và không thể bỏ qua.
Chuyên đề 2 đi sâu vào các xu hướng công nghệ nhằm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, với sự trao đổi của bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng Phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bà Đinh Thị Như Hoa cho biết, việc sử dụng internet đang thực sự đáng báo động. Theo một khảo sát tỷ lệ sử dụng internet ở nhóm tuổi 12-17 năm 2020 cho thấy, tổng cộng 89% số trẻ sử dụng internet, trong đó, có 82% ở nhóm tuổi 12-13, 93% ở nhóm tuổi 14-15 và 97% ở nhóm tuổi 16-17 sử dụng internet. Mạng internet là thế giới ảo tuy nhiên có thể gây nên những nỗi đau thật. Do đó, gia đình bố mẹ và các thầy cô giáo cần dạy con kỹ năng nghe và báo cáo làm sao để tránh những nội dung thông tin độc hại và đồng hành cùng con trong quá trình tìm hiểu nội dung phù hợp với độ tuổi của mình.
Bà Hoa cũng hướng dẫn một số phần mềm ứng dụng giúp phụ huynh có thể quản lý việc sử dụng nhằm có sự kiểm soát và hạn chế, thanh lọc những nội dung độc hại trên môi trường internet hiện nay.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thông qua Mạng lưới đa cơ quan và liên ngành về ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng – chủ trì việc triển khai Chương trình Quốc gia về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới được thông qua. Cả Mạng lưới và Chương trình Quốc gia này là 2 sáng kiến đầy triển vọng trong phòng chống BL&XHTD trẻ em qua mạng. Định kỳ rà soát các chương trình và kế hoạch sao cho phù hợp với các bằng chứng và phản hồi mới từ tất cả các cơ quan chức năng liên quan, nhân viên tuyến đầu và cộng đồng. Đảm bảo đã có những bố trí thể chế thích hợp để duy trì công tác điều phối, lên kế hoạch, lập ngân sách, giám sát và báo cáo. Trao đổi với các tổ chức quốc tế và xã hội dân sự để học hỏi kiến thức và kinh nghiệm.
Lồng ghép các nỗ lực giải quyết bạo lực và xâm hại tình dục (BL&XHTD) trẻ em qua mạng vào các cơ cấu và chương trình nhằm đồng thời giải quyết các hình thức khác của bóc lột và xâm hại trẻ em, thay vì thiết kế, lên kế hoạch và thực hiện chương trình chống BL&XHTD trẻ em qua mạng một cách riêng lẻ. Cần lưu ý rằng trẻ em thường bị hoặc có khả năng bị BL&XHTD dưới hình thức giống nhau ở cả trên mạng lẫn ngoài đời, và thủ phạm có thể là cùng một người. Điều kiện tiên quyết để phòng chống BL&XHTD trẻ em qua mạng là có một hệ thống bảo vệ trẻ em hiệu quả.
Để ngăn chặn hành vi gây tổn hại do bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng, cần phải có những hành động toàn diện và bền vững từ tất cả chúng ta - bao gồm gia đình, cộng đồng, đại diện chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật, chuyên gia ngành tư pháp và dịch vụ trợ giúp xã hội, cũng như các công ty, doanh nghiệp trong ngành công nghệ và truyền thông. Trong khi trẻ em là một phần của giải pháp, những tổn hại do BL&XHTD trẻ em qua mạng gây ra buộc người lớn phải hành động để bảo vệ các em; chúng ta phải cẩn trọng để không đặt trách nhiệm lên vai trẻ em.
Tại hội nghị tập huấn Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, sắp tới đơn vị cũng phối hợp tổ chức cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo của trẻ em", nhằm phát huy những giá trị tích cực và hoạt động sáng tạo trong quá trình tham gia các hoạt động trên môi trường mạng của trẻ em. Dự kiến chương trình sẽ chính thức phát động vào quý IV năm 2022./.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.