Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, các hộ sản xuất bột tại xã Tân Phú Đông (TP.Sa Đéc - Đồng Tháp) lại tất bật chuẩn bị sản phẩm cung ứng cho thị trường. Theo nhận định của nhiều hộ, thị trường năm nay có sức tiêu thụ khá mạnh.
Người dân Tân Phú Đông miệt mài làm bột cung cấp cho thị trường dịp Tết.
Làng nghề làm bột gạo Sa Đéc có 358 hộ tham gia sản xuất, tập trung ở xã Tân Phú Đông, sau đó lan ra phường 2, xã Tân Quy Tây... Bột gạo Sa Đéc là sản phẩm nổi tiếng của địa phương, trong nước và xuất khẩu. Nghề làm bột ở đây góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống và mang đến sự phồn thịnh cho nhiều gia đình.
Nguồn nguyên liệu chính sản xuất ra bột là gạo và tấm, được thu mua từ những địa phương và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn nước để làm bột là nguồn nước ngọt dồi dào sẵn có của sông Tiền, sông Sa Đéc, nước ở đây có độ pH trung tính. Chính yếu tố này đã làm cho bột Sa Đéc đẹp và ngon, có độ dai, mịn, trắng tự nhiên mà không nơi đâu sánh kịp.
Để có sản phẩm bột gạo ngon, ngoài việc lựa chọn gạo, không pha trộn, dân làng nghề còn phải qua nhiều công đoạn chế biến khá kỳ công. Gạo được ngâm nước cho mềm hạt, cho vào cối đá xay nhuyễn, sau đó chan ra nhiều lu, khạp hoặc hồ xây bằng xi măng rồi đổ nước vào ngâm. Hằng ngày, thay nước mới. Để cho bột thật nhuyễn rồi lọc bã bột ra cho thật ráo. Bẻ bột bày ra nia, ra vỉ, đem phơi độ ba, bốn nắng cho thật khô là có sản phẩm bột.
Nghề làm bột hiện nay đã tân tiến rất nhiều, một số hộ đã chú trọng đổi mới công nghệ. Ông Nguyễn Văn Nương, chủ cơ sở sản xuất bột ở phường 2, chia sẻ: “Thay vì sản xuất bột theo phương pháp thủ công thì nay các hộ đã trang bị máy vo gạo, máy xay bột, máy ép ly tâm, máy đánh tơi... nhằm giảm sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Sản phẩm bột được chia làm 2 loại: bột tươi được cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm; bột khô có thể dùng để dự trữ lâu, chế biến dần.
Bột gạo là nguồn nguyên liệu chủ yếu không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Thời gian qua, Công ty CP Du lịch Đồng Tháp đã khai thác lợi thế du lịch kết hợp ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực từ bột gạo Sa Đéc nhằm thu hút du khách. Qua đó, công ty đã xây dựng chương trình du lịch ẩm thực với hình thức mời du khách tham gia “Một ngày làm nghệ nhân nấu ăn, làm bánh”, nhằm giới thiệu, duy trì và bảo tồn các dụng cụ thủ công của quy trình làm bột, làm các loại bánh dân gian, giới thiệu giá trị dinh dưỡng của các món bánh độc đáo từ bột Sa Đéc.
Thị trường tiêu thụ bột ngày càng mở rộng, các nhà máy chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh tiêu thụ bình quân 80- 90 tấn bột tươi/ngày để làm ra các sản phẩm ăn liền như: mì, hủ tiếu, phở, bánh canh, cháo.... Ngoài ra, bột Sa Đéc còn được cung cấp cho TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và xuất khẩu đi một số nước.
Chỉ riêng nghề làm bột ở Sa Đéc đã tạo công ăn việc làm cho trên 1.000 lao động và hàng trăm lao động khác trong các dịch vụ mua bán, vận chuyển sản phẩm bột, sản lượng bình quân trên 30.000 tấn bột/năm. Những phụ phẩm từ việc sản xuất bột đã góp phần đáng kể cho việc phát triển chăn nuôi.
Những năm trước, người làm bột Sa Đéc luôn đối mặt với việc sản xuất thua lỗ, chủ yếu dựa vào phế phẩm để nuôi heo kiếm lời thì năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân khá khả quan, có nhiều bước phát triển vì hiện nay, giá tấm nguyên liệu đã giảm khoảng 700 đồng/kg, còn khoảng 6.500 đồng/kg, trong khi giá bột khô bán cho thương lái khá ổn định, dao động từ 12.000 - 13.000 đồng/kg tùy vào chất lượng bột, với mức giá này thì người sản xuất lợi nhuận khoảng 300 - 500 đồng/kg. Như vậy, trừ chi phí, bình quân một hộ sản xuất nhỏ lẻ có thu nhập trên 200.000 đồng/ngày, chưa kể đến việc tận dụng nguồn phụ phẩm để chăn nuôi heo.
Thiên Bảo
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.