Xã Cát Tường (Phù Cát - Bình Định) nổi tiếng với nghề làm nhang thủ công truyền thống. Những ngày này, người làm nhang khẩn trương, tất bật hơn để có những cây nhang thơm phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.
Nhang được phơi dưới ánh nắng.
Về Cát Tường những giáp Tết , không khí mùa xuân dường như đã len lỏi vào từng ngôi nhà. Trên con đường vào làng nghề, đâu đâu cũng bắt gặp sắc màu rực rỡ của hàng ngàn bó nhang đang được người dân phơi. Mùi thơm của nhang lan toả khắp nơi.
Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất nhang của ông Đặng Văn Thanh, ở thôn Xuân Quang, không khí lao động khá nhộn nhịp. Các cô, các chị, các anh bên những máy làm nhang tự động, một tay cầm nắm tăm nhang, tay kia thoăn thoát đưa từng tăm nhang vào máy, thế là những nén nhang lần lượt hình thành nối nhau rơi xuống. Nhang làm xong được đem phơi, nắng gió sẽ làm nhang khô, đẹp. Trời nắng thì phơi một ngày, trời râm phải phơi từ hai đến ba ngày. Được biết, cơ sở sản xuất nhang của ông Thanh có thâm niên trên 20 năm làm nghề, nên những ngày này tiếp nhận nhiều đơn đặt hàng từ khắp các nơi trong và ngoài tỉnh…
Ông Thanh cho biết: “Trước kia, do điều kiện kinh tế khó khăn nên các công đoạn làm nhang đều bằng thủ công. Nay làm bằng máy, sản phẩm nhang làm ra đẹp hơn, nhiều mẫu mã, chất lượng cũng cao hơn”.
Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng nhiều, các cơ sở đã không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng gia đình ông Thanh đã trang bị 2 máy làm nhang (loại máy phun). Mỗi ngày, một người thợ có thể sản xuất từ 150.000- 180.000 cây nhang, tăng gấp 20 lần so với thủ công. Vào những ngày cận Tết, cơ sở của ông Thanh làm thêm nhiều loại nhang khác nhau phục vụ nhu cầu của khách hàng. “Nghề này là của cha ông để lại. Trước kia chúng tôi làm ra những cây nhang rất vất vả, nhưng vẫn bám trụ lấy nghề để mưu sinh. Bây giờ có máy móc hỗ trợ nên năng suất cao hơn”, ông Thanh cho biết.
Gia đình ông Đặng Xuân Danh cũng có truyền thống làm nhang lâu đời ở thôn Xuân Quang. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông trang bị máy móc hiện đại để làm nhang. Những ngày này, tốp thợ của ông càng tất bật hơn với những đơn đặt hàng từ khắp nơi. Mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất khoảng 5 khung nhang (mỗi khung hơn 50 bó nhang). Ông Danh cho biết: Nghề nhang này làm quanh năm, bởi nhang làm ra không sợ bị ế, vì người Việt Nam mình ai trong nhà lại không có lư hương, nhất là những ngày Tết, nhu cầu thắp hương trên bàn thờ ông bà, tổ tiên cũng tăng. Nhiều khách hàng đặt mua nhưng sản xuất không thể nhiều hơn vì những ngày qua trời nắng yếu, dẫn đến “cháy hàng”.
Ông Nguyễn Bá Rê, Trưởng thôn Xuân Quang, khẳng định: “Nghề làm nhang đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho cả người già và trẻ em, tăng thu nhập đáng kể cho hộ gia đình, góp phần giảm nghèo ở địa phương”.
Sản xuất nhang bằng máy.
Làm nhang không khó. Nguyên liệu gồm chu (tăm cây), bột quế, bột dẻo, bột thơm… Tùy theo cách pha trộn mà tạo ra những mùi hương thơm khác nhau. Nén nhang làm xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, sắc đẹp giữ nguyên mùi thơm. Trời nắng thì phơi một ngày, trời râm thì phải phơi từ 2 -3 ngày. Người làm nhang Cát Tường cho rằng, nghề làm nhang liên quan đến tâm linh, nên không cho phép làm cẩu thả, làm nhang giả, nhang kém chất lượng.
Mỗi cây nhang làm ra, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, hình thức thế nào. Hiện, toàn xã Cát Tường có hơn 120 hộ làm nhang. Nhang được sản xuất quanh năm, nhưng cao điểm nhất vẫn là tháng Chạp. Ngoài việc lưu giữ nghề của bậc tiền nhân, các cơ sở sản xuất nhang ở Cát Tường còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập 1,2 - 2 triệu đồng/người/tháng, thợ chính từ 5- 6 triệu đổng/người/tháng.
Ông Đặng Văn Được, Phó chủ tịch UBND xã Cát Tường, cho biết: “Nghề làm nhang ở Cát Tường là nghề truyền thống, càng ngày càng phát triển. Nhiều hộ gia đình làm nhang mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng, kinh tế gia đình ổn định, cho con cái học hành chu đáo”.
Nhờ làm nhang mà nhiều hộ gia đình ở Cát Tường có thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, do sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo được thương hiệu nên chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp hỗ trợ thiết thực để người làm nghề nâng cao hiệu quả sản xuất.
Thế Hà
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.