Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 31 tháng 10 năm 2021 | 10:19

Lào Cai tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng rừng của đồng bào dân tộc thiểu số

Lào Cai sơ kết 1 năm hoạt động Dự án: “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số”.

Dự án này được triển khai bởi các Tổ chức Cisdoma, Oxfam, Cegorn, CRD tại 2 tỉnh Lào Cai và Kon Tum từ tháng 10/2020 - 9/2023

Với mục tiêu xây dựng và chia sẻ quy trình về giao đất giao rừng có sự tham gia và lồng ghép giới, dự án sẽ góp phần thúc đẩy việc bàn giao 1.500 ha đất và rừng có nguồn gốc từ các công ty lâm nghiệp nhà nước cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát triển sinh kế. Hiện, dự án được thực hiện ở 2 huyện Văn Bàn, Bảo Yên (Lào Cai) và 2 huyện Kon Rẫy, Kon Plong (Kon Tum). 

anh-1.JPG

Đông đảo người dân tham gia tìm hiểu về dự án.

 

Theo đó, cộng đồng các nhóm dân tộc Bana, Xơ Đăng, Tày, H'mông, Dao... thuộc diện thiếu đất có thể cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa do được hưởng lợi từ việc giao đất có từ quỹ đất mà các công ty nông lâm nghiệp đã bàn giao cho địa phương. Họ cũng sẽ được nâng cao các kiến thức và kỹ năng trong quá trình giao đất, giao rừng cũng như quản lý, sử dụng có hiệu quả đất và rừng sau khi được giao.

Trong các đối tượng hưởng lợi thì phụ nữ dân tộc thiểu số là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương trong cộng đồng, họ phải đối mặt với những rào cản đặc biệt trong việc tiếp cận đất đai, bên cạnh những khó khăn chung mà cả cộng đồng phải đối mặt. Thông qua việc lồng ghép giới và có tính đến yếu tố giới trong tất cả các hoạt động của dự án, phụ nữ dân tộc thiểu số trong 15 cộng đồng thuộc vùng dự án sẽ được tăng cường năng lực để tham gia hiệu quả trong quá trình giao đất và được hưởng lợi từ việc tiếp cận sử dụng đất và rừng của cộng đồng, cũng như vị trí và vai trò của phụ nữ trong cộng đồng được nâng lên.

Trên địa bàn Lào Cai, dự án đã xác định được 6 cộng đồng với 642 hộ gia đình hưởng lợi tại 3 xã, gồm: Tân Tiến (Bảo Yên), Khánh Yên Thượng và Chiềng Ken (Văn Bàn) với tổng diện tích khoảng 400 ha. Trong đó, tại Văn Bàn đã thành lập được 3 Ban Quản lý rừng cộng đồng với 23 thành viên. Tại huyện Bảo Yên đã thành lập được 3 Ban Quản lý rừng cộng đồng với 21 thành viên.

Sau một năm triển khai, dự án cũng gặp nhiều khó khăn do cơ chế chuyển giao hơn 200 ha đất rừng của Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên cho cộng đồng quản lý vẫn còn nhiều vướng mắc, trong khi đó tại Văn Bàn việc chồng chéo trong quản lý đất thuộc công ty Lâm nghiệp Văn Bàn và người dân vẫn đang trong quá trình giải quyết.

Tuy nhiên, cộng đồng các dân tộc thiểu số rất có ý thức giữ gìn và bảo vệ rừng. Ở nhiều thôn bản, người dân đã xây dựng qui ước, hương ước bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt.

 2.jpgĐại diện các tổ chức, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn tại xã Tân Tiến, Bảo Yên (Lào Cai).

 

Ông Nguyễn Tiến Luật, Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên chia sẻ: “Trước đây, dưới sự quản lý của các lâm trường, người dân được hưởng lợi không nhiều nhưng ý thức giữ gìn, bảo vệ rừng vẫn luôn được nâng cao. Môi trường sống của đồng bào gắn chặt với rừng, có rừng là có nguồn nước để sinh sống, chống sạt lở cho các thôn bản và cung cấp củi khô... nên người dân rất có ý thức trong sử dụng, khai thác chứ không chặt phá bừa bãi. Việc bàn giao đất, rừng từ các lâm trường cho cộng đồng dân cư quản lý là mong muốn của hầu hết người dân. Đặc biệt là, những giải pháp sinh kế từ rừng như đưa cây trồng phù hợp dưới tán rừng, chăn nuôi động vật bán hoang dã...hay những sinh kế ngoài rừng như: thành lập các HTX, phát triển nghề đan lát truyền thống...làm tăng thu nhập bền vững cho người dân. Đời sống được nâng cao, thanh niên các dân tộc cũng không cần phải đi các nơi khác làm thuê, địa phương cũng giữ được một lược lượng đáng kể tham gia vào công tác bảo vệ rừng”.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai cũng cho biết: Việc triển khai các nhiệm vụ giao đất, giao rừng cần xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan, người dân được lợi ích gì, thẩm quyền xử lý xâm phạm rừng được giao cho cộng đồng ra sao, thực tế một số mô hình Lào Cai đang thí điểm thực hiện cộng đồng quản lý xử phạt bằng hương ước rất tốt nhưng lại chưa có quy định pháp luật. Đặc biệt, hậu giao đất, giao rừng, tạo sinh kế gì cho người dân trong rừng, ngoài rừng? cần nghiên cứu việc lồng ghép sử dụng nguồn kinh phí những nơi được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng, kinh phí từ nhà tài trợ để phát triển kinh tế. Dự án cũng cần dựa vào dân để nắm bắt địa giới, phân loại rừng, tư vấn cho các xã xây dựng kế hoạch sử dụng đất mới tiến hành giao đất được.

Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Tú, đại diện Oxfam Việt Nam cũng cho rằng, để đảm bảo tính bền vững của dự án cần tăng cường năng lực cho người dân, phải tính đến sinh kế, kế hoạch sử dụng đất sau khi giao đất và rừng cho cộng đồng.

Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu về diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước bằng các phương pháp có sự tham gia. Tổ chức đối thoại giữa nhóm quản lý rừng cộng đồng, các công ty lâm nghiệp nhà nước, chính quyền cấp tỉnh về quy trình và các bước hoàn trả giao đất, giao rừng. Thúc đẩy thảo luận cộng đồng về quyền lợi và nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất được giao. Xây dựng các kế hoạch quản lý đất và rừng bền vững và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top