Trong khuôn khổ Tuần văn hóa - Du lịch Mường Lò vừa qua, Lễ hội cốm Tú Lệ được tổ chức tại bản Nước Nóng, xã Tú Lệ (Văn Chấn - Yên Bái), thu hút đông đảo du khách.
Thung lũng xã Tú Lệ được vây quanh bởi ba ngọn núi: Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. Từ lâu, Tú Lệ nổi tiếng với đặc sản gạo nếp Tan - “Khẩu tan chạu” - thứ lương thực quý mà chỉ đất Tú Lệ mới trồng được.
Nếp Tú Lệ có hạt to tròn, trắng trong, khi được đồ thành xôi thì có vị dẻo, thơm đặc biệt; còn khi chế biến thành cốm thì lại có hương vị ngọt ngào, thanh mát. Cốm Tú Lệ không chỉ là tinh hoa của đất trời, mà còn có cả tình yêu, hồn đất, hồn người gửi gắm vào trong đó.
Để thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho gia đình được mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc, đầy đủ, hàng năm, bà con trong các bản làng người Thái xã Tú Lệ lại tổ chức Lễ hội cốm trước khi bước vào vụ thu hoạch lúa chín. Lễ hội được tổ chức vào tháng 8 âm lịch.
Với những ý nghĩa tâm linh ấy, ngay từ sáng sớm, đồng bào Thái xã Tú Lệ đã ra đồng gặt những bông lúa còn đẫm sương đêm để mang về làm cốm và rộn ràng chuẩn bị lễ vật cúng “Mừng cơm mới”, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bà con trong bản khỏe mạnh, sung túc, sống vui vẻ, chan hòa.
Hội thi giã cốm tại Lễ hội năm nay có các đội thi đến từ 9 thôn bản của xã Tú Lệ. Mỗi đội có 4 thí sinh tham gia phần thi làm cốm thơm, dẻo ngon, màu sắc đẹp và thi gói cốm. Các công đoạn làm cốm, từ khâu chọn lúa, rang thóc đến giã cốm được thể hiện dưới bàn tay khéo léo của các cô gái, nhịp chày đều đặn lúc giã cốm của các chàng trai đã thu hút sự theo dõi của du khách thập phương. Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội thi thôn Phạ Dưới.
Lễ hội cốm xã Tú Lệ đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, góp phần gìn giữ phong tục tập quán, nét văn hóa độc đáo của người dân địa phương. Đây cũng là dịp khuyến khích đồng bào Thái cùng với địa phương duy trì, mở rộng vùng chuyên canh nếp Tan Tú Lệ, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số hình ảnh về Lễ hội cốm Tú Lệ năm 2019.
Thu hoạch lúa từ ruộng về chuẩn bị làm cốm.
Những bông lúa nếp sau khi thu hái về được tuốt bằng những chiếc bát con.
Sau khi tuốt xong, những hạt thóc sẽ được mang đi rang.
Hạt cốm sau khi giã đảm bảo độ mềm, dẻo.
Cốm được sàng lại cẩn thận để cho ra những mẻ cốm có hương vị thơm ngon, ngọt ngào.
Ban Tổ chức công bố điểm thi của các đội tham gia Lễ hội giã cốm.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.