Đến hẹn lại lên, trung tuần tháng 2 âm lịch hằng năm, du khách thập phương lại nô nức về dự lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (hay còn gọi là lễ hội cầu tình yêu) ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Đây là một trong 16 lễ hội lớn nhất nước, gắn với tình yêu lãng mạn giữa chàng trai nghèo họ Chử và con gái vua Hùng thứ 18.
Chử Đồng Tử được coi là anh hùng văn hóa, có công khai phá, chinh phục đầm lầy, mở mang nghề trồng lúa, phát triển buôn bán. Người được nhân dân tôn xưng là một trong “Tứ bất tử”.
Theo truyền thuyết, Chử Đồng Tử quê ở làng Chử Xá (nay thuộc Văn Đức - huyện Gia Lâm - Hà Nội ). Chàng trai nghèo họ Chử là kết quả của cuộc nhân duyên giữa ông Chử Cù Vân và bà Bùi Thị Gia. Vợ mất sớm, ông Chử Cù Vân ở vậy một mình nuôi con. Không may một lần bị hỏa hoạn, hai cha con chỉ còn duy nhất một cái khố, mỗi khi có việc ra ngoài hai cha con phải thay nhau dùng. Chẳng bao lâu ông Chử Cù Vân bị bệnh nặng, trước khi qua đời, ông dặn Chử Đồng Tử: “Cha chết đi, con giữ lại cái khố mà che thân, cho thiên hạ khỏi chê cười”. Không đành lòng để cha chết trần, chàng vẫn chôn cha cùng với cái khố. Không có quần áo che thân, hằng ngày chàng ngâm mình dưới nước bắt cua, bắt cá để kiếm sống qua ngày.
Thuở ấy, Hùng Vương thứ 18 có người con gái nhan sắc tuyệt trần tên là Tiên Dung. Vào một ngày đẹp trời, thuyền của công chúa Tiên Dung dạo chơi dọc sông Hồng. Lúc đó, Chử Đồng Tử đang ngâm mình bắt cá dưới sông, nhìn thấy từ xa đoàn thuyền dong buồm đi tới, sợ quá chàng liền chạy lên bờ nhằm khóm lau vùi mình xuống cát. Ngắm phong cảnh hữu tình, công chúa Tiên Dung cho dừng thuyền và sai tì nữ lên bờ quay màn tắm bên một khóm lau, chẳng ngờ lại đúng nơi chàng họ Chử giấu mình. Nước dội cát trôi, phút chốc nàng thấy hiện ra thân hình một chàng trai trẻ cũng không quần áo. Trước người con gái có thân thể như ngọc như ngà, Chử Đồng Tử sợ hãi định chạy trốn, ngẫm là chuyện trời định, Tiên Dung bình tĩnh nói: “Ta và chàng tình cờ gặp nhau ở đây, đều mình trần như thế này, âu cũng là nhân duyên do trời sắp đặt”. Liền đó, Tiên Dung truyền mang quần áo cho Chử Đồng Tử và cùng chàng làm lễ kết duyên ngay trên thuyền.
Vua Hùng nghe tin con gái lấy kẻ nghèo hèn thì đùng đùng nổi giận không nhận là con nữa. Tiên Dung thấy vậy không dám về, ở lại cùng Chử Đồng Tử sống một cuộc sống bình dị mà hạnh phúc. Họ mưu sinh bằng nghề chài lưới và trao đổi hàng hóa trên sông. Nơi ấy trở thành nơi đô hội, thuyền bè buôn bán tấp nập. Cảm mến tình cảm vợ chồng Chử Đồng Tử, Tiên Ông đã truyền phép thần cho Chử Đồng Tử.
Họ cùng nhau đi khắp vùng Khoái Châu dùng chiếc gậy thần để cứu sống những người chết do bị nạn dịch, đói khổ… Trên đường đi cứu nhân độ thế, Tiên Dung tình cờ gặp nàng Tây Sa vốn là công chúa Tây Cung giáng trần, bèn kết nghĩa chị em, rồi se duyên cho Chử Đồng Tử cùng nhau giúp đời. Nàng Tây Sa rất giỏi bùa chú, dùng chiếc gậy thần và cái nón tiên xây dựng cung điện bằng châu ngọc và kho tàng đầy đủ của cải, màn gấm chiếu hoa. Khi nhà vua lâm bệnh nặng, Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã bí mật cho nàng Tây Sa về chữa cho vua cha. Gặp thuốc tiên, nhà vua khỏi bệnh, liền phong cho nàng Tây Sa là “công chúa của nước phật”.
Có kẻ nịnh thần về kinh đô tâu với vua rằng: Vợ chồng công chúa Tiên Dung dùng phép lạ dựng thành quách, muốn lập riêng bờ cõi. Ngỡ con mình làm phản, vua Hùng sai quan quân đến dẹp. Vợ chồng Chử Đồng Tử không dám cưỡng lại mệnh cha, chờ chịu tội. Nửa đêm hôm ấy một trận cuồng phong nổi lên, cả lâu đài thành quách của vợ chồng Chử Đồng Tử cùng bay lên trời, để lại một đầm nước rộng mênh mông, người đời sau gọi đầm ấy là đầm Nhất Dạ (đầm Dạ Trạch).
Sau khi Chử Đồng Tử và Tiên Dung hóa về trời, vua Hùng đã đến chỗ con gái ở. Hối hận và thương con, nhà vua đã ban tước Chử Công cho Chử Đồng Tử và cho lập đền thờ. Cảm động trước mối tình bất tử, đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được nhân dân thờ phụng nhiều nơi trên địa bàn đồng bằng và trung du Bắc Bộ, chủ yếu là các làng ven sông Hồng, nhưng đền thờ chính, nổi tiếng nhất là đền Đa Hòa, thuộc xã Bình Minh (Khoái Châu - Hưng Yên). Trải qua bao dâu bể, năm 1894, ngôi đền được tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, người làng Phú Thị, xã Mễ Sở góp công sức xây dựng lại. Toàn thể khu đền được xây dựng trên khu đất cao và bằng phẳng, rộng 18.720m2 có cảnh quan rất đẹp, mặt quay hướng chính Tây nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên, gồm 18 nóc nhà lớn, nhỏ lợp mái ngói với các bờ nóc, đầu đao được vát cong tựa như những mũi thuyền, tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Nơi đây gồm 2 khu: khu ngoài không có tường bao rộng chừng 7.200m2, nổi bật là ngôi nhà bia hai tầng tám mái nằm dưới bóng đa cổ thụ có cửa trổ ra bốn hướng. Từ đây một lối đi lát gạch rộng 8m dẫn tới Ngọ Môn, hai bên lối đi có nhà chuông và nhà khánh. Hiện nay, đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật, trong đó có tượng Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân. Nơi đây hằng năm diễn ra lễ hội kéo dài trong ba ngày, từ ngày 10-12/2 âm lịch.
Lễ hội làm sống lại câu chuyện tình yêu đầy cơ duyên, mang tính chất thiên định của chàng trai nghèo họ Chử và Tiên Dung công chúa. Mở màn lễ hội là các làng thuộc xã Mễ Sở tổ chức đội hình rước kiệu thánh từ đình làng về đền Đa Hòa. Đi đầu đoàn rước là con rồng dài trên 20m được khoảng 30 thanh niên khỏe mạnh thay nhau múa theo điệu trống thúc liên hồi khiến cuộc rước thật tưng bừng, sôi động. Tiếp theo sau là hai hàng các bà, các chị, các cô trang phục đủ sắc màu rực rỡ, tay cầm cờ hội, trống chiêng cùng ngựa hồng, ngựa bạch, gươm trường bát bửu, phường đồng văn, đội múa sinh tiền, đội múa nón, đội nhạc lễ. Tiếp đến là nghi thức rước nước từ sông Hồng về lễ thánh. Sau khi lấy nước ở sông Hồng về, các kiệu trở về đền hóa lễ thánh. Đi đầu là hai bô lão cùng hai nam, hai nữ dâng nước vào đền. Theo tục lệ, nước được dùng để cúng phải là nước lấy ở giữa sông Hồng. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng. Dâng nước là hình thức tâm linh cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu.
Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa đặc sắc mang đậm nét văn hóa của nền văn minh lúa nước sông Hồng.
Đưa kiệu Thánh ra đền chính.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung hàng năm đều được tổ chức nhưng với quy mô tổng thì 3 năm một lần. Năm 2016 là năm diễn ra lễ hội hàng tổng (tổng Mễ xưa có 9 làng) nên không khí lễ hội càng đông vui, náo nhiệt.
Nam nữ giả múa bóng trong lễ hội.
Lễ hội Chử Đồng Tử mang giá trị nhân văn sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng Đồng bằng sông Hồng, trung du Bắc Bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm trước. Đây không chỉ là huyền thoại về tình yêu mà còn là bài ca về lòng hiếu thảo, về đạo đức làm người, là minh chứng của nền văn minh lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Chử Đồng Tử dành cho tất cả mọi lứa tuổi. Những người đã có gia đình đến cầu một năm bình an, thuận buồm xuôi gió, nhà cửa êm đẹp. Còn với nam thanh nữ tú họ cùng nhau đến đây cầu cho tình yêu luôn bền lâu, nồng ấm.
Nguyễn Thị Thu
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.