Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 5 năm 2018 | 13:29

Lệnh đã cấm nhưng xưởng tái chế nhựa vẫn ngang nhiên hoạt động

Dù đã cấm hoạt động vì không có giấy phép, không có báo cáo tác động môi trường, nhưng xưởng tái chế nhựa thải ở thôn Trung Phong, xã Quảng Phong (Quảng Xương, Thanh Hóa) vẫn ngang nhiên hoạt động gây bức xúc cho người dân.

Sử dụng đất sai mục đích

Theo phản ánh của người dân thôn Trung Phong, năm 2012, ông Nguyễn Văn Sỹ, trú tại xã Quảng Bình về địa phương thuê khu đất trống của xã để mở trang trại chăn nuôi tổng hợp với diện tích là 10.645m2.

Thay vì ông mở trang trại chăn nuôi thì ông Nguyễn Văn Sỹ lại mở xưởng sản xuất nước sạch để kinh doanh. Tuy nhiên, do kinh doanh thua lỗ nên đến tháng 12/2017, ông Sỹ cho san lấp mặt bằng xây dựng xưởng tái chế nhựa từ phế liệu.

1-1.jpg
Xưởng tái chế nhựa thải thường xuyên khóa cửa trong tình trạng ngoại bất nhập

Từ khi xưởng tái chế đi vào hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con nhân dân gần đấy. Đặc biệt là khu trường mầm non và công sở của UBND xã Quảng Phong.

Ông Nguyễn Trọng N. người dân địa phương bức xúc cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ khi chính quyền kêu gọi các công ty về địa phương để sản xuất, góp phần làm giàu cho quê hương. Nhưng không vì thế mà xem thường cuộc sống của người dân chúng tôi được. Hàng ngày, chúng tôi phải chịu mùi hôi thối của rác, mùi khét của nhựa và tiếng ồn của nhà máy”.

Quá bức xúc, người dân đã làm đơn gửi lên chính quyền các cấp, nhờ chính quyền vào cuộc để trả lại cuộc sống yên bình cho bà con. Tuy nhiên, những lá đơn lần lượt được gửi đi nhưng vẫn không thấy hồi âm, chỉ khi cơ quan báo chí vào cuộc thì sự thật mới được phơi bày.

2-1.jpg
Dù đã có văn bản cấm hoạt động,nhưng công ty vẫn tiếp tục sản xuất 

Mặt khác, để ngăn cản nhà máy hoạt động, người dân đã tự góp tiền lập chốt ngăn chặn những xe tải chở phế liệu đi vào. Tuy nhiên, dân chặn đường này, thì nhà máy lại tìm đường khác mà vào.

Bà Lê Thị M. cho biết: “Quá bức xúc, chúng tôi đã gửi đơn lên xã, lên huyện, lên tỉnh, nhưng vẫn không thấy cơ quan nào đến giải quyết. Chỉ khi nhà báo đến đưa tin thì Bí thư huyện ủy mới xuống gặp gỡ nhân dân và cảm ơn cơ quan thông tấn báo chí đã thông tin. Vậy thử hỏi những lá đơn của chúng tôi gửi từ đầu năm 2018 đến giờ sao vẫn chưa tới được tay của các vị”.

Đồng cảm với bức xúc của người dân, ông Cao Tiến Lương, Chủ tịch xã Quảng Phong cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã cử anh em xuống kiểm tra nhưng xưởng khóa trái cửa nên không vào được. Chính quyền xã đã gửi hai công văn lên huyện xin ý kiến chỉ đạo. Công văn đầu tiên là vào ngày 29/1/2018 và công văn ngày 23/3/2018 gửi UBND huyện và các cơ quan ban ngành liên quan xem xét để có biện pháp xử lý”.

Cũng theo ông Lương, khoảng 3 tháng sau khi gửi công văn, ngày 15/5/2018, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thanh Hóa, cùng với Phòng TNMT huyện và chính quyền xã đã tiến hành đột nhập kiểm tra xưởng tái chế dầu của ông Nguyễn Văn Sỹ.

Trong kết luận làm việc của Sở TNMT nêu rõ: “Trong nhà tập kết hạt nhựa và bao bì phế thải, có dây chuyền sản xuất hạt nhựa… Về hồ sơ có liển quan đến đất của ông Sỹ, tại thời điểm kiểm tra, UBND huyện Quảng Xương và UBND xã Quảng Phong chưa cung cấp được hồ sơ về đất đai và môi trường liên quan của hộ ông Nguyễn Văn Sỹ tại xã Quảng Phong”.

3-1.jpg
Công ty nhựa vẫn hoạt động bình thường, dù đã có văn bản chỉ đạo dừng hoạt động

Trong buổi làm việc, cơ quan chức năng phát hiện trong xưởng của ông Sỹ có 4 người Trung Quốc đang làm việc trong xưởng nhưng không báo cáo và đăng ký tạm trú với xã.

Cũng trong ngày 15/5/2018, UBND huyện Quảng Xương đã ra công văn yêu cầu xưởng tái chế nhựa chấm dứt mọi hoạt động, nếu vi phạm thì UBND xã có các biện pháp dừng ngay hoạt động của cơ sở. Đồng thời, tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và tạm trú tạm vắng đối với cơ sở của ông Sỹ, thực hiện sử dụng đất đúng theo dự án, mặt bằng quy hoạch.

Phớ lờ công văn huyện, xưởng vẫn tái phạm

Công văn của huyện Quảng Xương vừa ban hành không lâu, chính quyền xã cũng đã mời ông Nguyễn Văn Sỹ lên UBND ký cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, nét chữ ký của ông sỹ chưa kịp khô thì ông lại mang về hai máy mới và cho xưởng hoạt động.

Ông Cao Tiến Lương CT xã cho biết: “Sáng ngày 23/5, chính quyền xã nhận được thông báo của người dân về việc xưởng tái chế vẫn tiếp tục hoạt động. Chúng tôi đã gửi điện báo cáo lên UBND huyện và các phòng ban ngành để có biện pháp xử lý.

Quá trình kiểm tra phát hiện, các cơ sở máy móc vẫn hoạt động, riêng ông Nguyễn Văn Sỹ, trong buổi làm việc lại cho rằng chính bản thân ông cũng không liên quan đến việc này, vì đất này ông đã cho người khác thuê lại. Cũng tại buổi kiểm tra, cơ quan còn phát hiện thêm 1 phụ nữ người Trung Quốc.

4.jpg
Cận cảnh một góc đang tái chế nhựa của nhà máy  

“Khi các cơ quan ban ngày tiến hành kiểm tra xưởng của ông Sỹ, thì ông này không có ý hợp tác, và có ý thách thức, gây khó khăn trong khi làm việc. Ông Sỹ còn nói số đất này ông đã cho người khác thêu nên chiều ông sẽ đề nghị điện lực huyện tiến hành cắt điện. Về việc tạm trú tạm vắng, ông Sỹ còn đề nghị công an nếu thấy người lạ xuất hiện cứ việc bắt giữ”.

Cũng trong ngày 23/5, Phòng TNMT huyện Quảng Xương ra công văn số 604/NBDND-TNMT đề nghị ông Nguyễn Văn Sỹ dừng ngay mọi hoạt động kinh doanh gây ô nhiễm môi trường tại đất đã thuê, tổ chức tháo gỡ các công trình xây dựng trái phép khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép trước ngày 28/5.

Một xưởng tái chế nhựa trái phép nhưng đến nay đã có tới hàng chục công văn yêu cầu tạm dừng. Nhưng xưởng vẫn tái phạm. Thử hỏi vì sao một chủ xưởng lại xem thường phát luật và xem thường tính mạng, sức khỏe của người dân như vậy. Liệu có cơ quan nào chống lưng hay bảo kê hay không?

Đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý triệt để, để mang lại cuộc sống ổn định cho người dân.

 

 

 

Hà Khải - Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top