Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 5 tháng 2 năm 2022 | 18:24

Liên tục gây ô nhiễm, Công ty CP Xi măng Tân Quang bị phạt 3,3 tỉ đồng

Công ty CP Xi măng Tân Quang - VVMI (xã Tràng Đà, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) bị xử phạt hơn 3,3 tỉ đồng về hành vi xả thải bụi, khí vượt quy chuẩn kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường.

Mức phạt cao kỷ lục

Công ty CP Xi măng Tân Quang đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật tại các vị trí ống khói lò nung và nghiền nguyên liệu, ống khói làm nguội clanke và ống khói nghiền xi.

Tổng số tiền phạt cho các hành vi trên là 3,3 tỉ đồng. Mức phạt trên được áp dụng cận kịch khung theo Nghị định 155/NĐ-CP Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Theo quy định tại điểm b, khoản 7, Điều 15 Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Công ty CP Xi măng Tân Quang có thể bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 12 tháng.

11111111.jpg
Mức phạt Công ty CP Xi măng Tân Quang được áp dụng gần kịch khung theo Nghị định 155/NĐ-CP Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường.

 

Về biện pháp khắc phục hậu quả, Công ty CP Xi măng Tân Quang buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khác phục xong hậu quả vi phạm.

Công ty này cũng buộc phải cải tạo công trình xử lý khí thải bảo vệ môi trường theo quy định, buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Thời gian khắc phục trong 30 ngày.

Đây được đánh giá là mức phạt tiền cao hiếm thấy đối với một doanh nghiệp tại tỉnh Tuyên Quang từ trước đến nay.

Nhiều vi phạm

Cuối năm 2018, khi tiến hành thanh tra tại Công ty CP Xi măng Tân Quang, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm như chưa đầu tư hạng mục hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện. Mức tiêu hao nhiệt năng và điện năng đều cao hơn so với quy định của quy hoạch 1488. 

Đặc biệt, tại thời điểm thanh tra, Công ty CP Xi măng Tân Quang chưa cung cấp được giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm và văn bản tiếp nhận công bố hợp quy sản phẩm của Sở Xây dựng.

xi-mang-tan-quang-o.jpg
Cuối năm 2015, Công ty CP Xi măng Tân Quang bị tố để bùn và nước thải mỏ sét tràn vào nhà, ruộng lúa, ao hồ của người dân. (ảnh chụp tháng 11/2015).

 

Tháng 10/2016, hệ thống làm mát két dầu trạm dầu nguyên liệu của Công ty này bị thủng đã dẫn tới sự cố rò rỉ dầu ra sông Lô khiến một lượng lớn cá nuôi lồng của người dân xóm 11 (xã Tràng Đà, TP.Tuyên Quang) bị chết.

Cuối năm 2015, hàng chục hộ dân của các xóm 5, 6 xã Tràng Đà liên tiếp phản ảnh về việc Mỏ sét của Công ty CP Xi măng Tân Quang tràn bùn đỏ xuống ao và ruộng của người dân, gây thiệt hại kinh tế và ô nhiễm môi trường.

Hiệu quả từ công khai thông tin xử lý ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng

Chánh văn phòng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hồ Kiên Trung cho biết, đường dây nóng trở thành kênh thông tin hữu ích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phản ánh các hành vi gây ô nhiễm môi trường, giúp cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nắm bắt, phát hiện kịp thời các vấn đề, điểm nóng về môi trường phát sinh để xác minh, xử lý vụ việc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Hệ thống đường dây nóng đã được thiết lập, vận hành từ Trung ương đến toàn bộ 63 Sở Tài nguyên và Môi trường, dần được mở rộng đến cấp huyện, cấp xã ở một số địa phương. Hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin được phản ánh qua đường dây nóng về ô nhiễm môi trường ngày càng được nâng cao, thể hiện ở tỷ lệ các vụ việc được xác minh, xử lý tăng dần theo thời gian.

Bên cạnh đó, hoạt động của đường dây nóng cũng đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là các cơ sở, hộ gia đình sản xuất được phản ánh qua đường dây nóng. Các vấn đề nóng về ô nhiễm môi trường có chiều hướng giảm dần; ý thức, trách nhiệm và xử lý vấn đề môi trường từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân được tăng lên đáng kể; đặc biệt lòng tin của người dân đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong việc giải quyết các bức xúc, ô nhiễm môi trường sống được tăng lên đáng kể trong những năm qua.

Kết quả cập nhật từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2021, hệ thống đường dây nóng của Tổng cục Môi trường và 63 Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 4.149 thông tin phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường. Thông tin chủ yếu tập trung vào các vụ việc xả chất thải của các tổ chức, cá nhân, trong đó 41% về khí thải, 34% về nước thải, 14% chất thải rắn, 6% tiếng ồn, 5% liên quan đến các điểm bị ô nhiễm chưa được xử lý dứt điểm như các bãi rác, khu vực tập kết rác gần khu dân cư, các vị trí tại các hệ thống sông, kênh, rạch có ô nhiễm môi trường hoặc các điểm gây ô nhiễm môi trường tại các địa phương.

145246-binh-duong-ket-qua-xac-minh-van-de-o-nhiem-moi-truong-nuoc-tai-suoi-cay-sao.jpg
Hiện trường nước suối Cây Sao (Bình Dương) chuyển đột ngột sang màu xanh do Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ và Thương mại Đan Như Phát xả thải. Ảnh: TTXVN



Trong số 98% thông tin đã được xác minh, 93% vụ việc đã được xử lý, các vụ việc còn lại đang được các địa phương tiếp tục xử lý theo thẩm quyền. Các vụ việc được phản ánh chủ yếu thuộc thẩm quyền xử lý của UBND cấp huyện (65%).

Riêng năm 2021, Tổng cục Môi trường tiếp nhận 450 vụ việc phản ánh qua đường dây nóng, 100% thông tin, vụ việc đều được chuyển đến đường dây nóng của địa phương để xác minh và xử lý theo thẩm quyền.

Trong tháng 8, tại Thanh Hóa, công dân xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, phản ánh cơ sở tái chế dầu nhớt thải tại khu vực khe Bú xây dựng nhà xưởng trái phép, hoạt động sản xuất có xả khói thải gây ô nhiễm môi trường không khí, xả nước thải ra khe suối, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân xung quanh.

Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Như Xuân phối hợp với UBND xã Xuân Hòa, Trại giam Thanh Lâm (Phân trại số 3) thuộc Cục C10, Bộ Công an, xác minh vụ việc, cho thấy phản ánh của người dân là đúng.

Thời gian tới, Tổng cục Môi trường tiếp tục kiện toàn, mở rộng phạm vi hoạt động của đường dây nóng của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua việc thống nhất thiết lập một đầu số điện thoại di động và email dùng riêng cho đường dây nóng, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của cơ quan để đảm bảo việc tiếp nhận thông tin ổn định, thông suốt 24/7, tạo điều kiện thuận lợi cho người cung cấp thông tin cũng như việc chuyển thông tin từ Trung ương đến địa phương thông qua sử dụng tổng đài ảo hoặc dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi.


Đường dây nóng (điện thoại và email đường dây nóng) được mở rộng tối thiểu đến cấp huyện, giao Phòng Tài nguyên và Môi trường quản lý, vận hành và căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, có thể thiết lập đường dây nóng đến cấp xã. Việc này đảm bảo công tác tiếp nhận, xác minh thông tin được kịp thời, hiệu quả, tránh việc chuyển thông tin đề nghị xác minh qua nhiều cấp và thực hiện bằng văn bản gây mất thời gian.

Phương thức cung cấp và tiếp nhận thông tin cũng được mở rộng thêm qua phần mềm được cài đặt trên các thiết bị di động, qua trang thông tin điện tử… giúp người dân có thể cung cấp thông tin, chứng cứ vi phạm bằng hình ảnh trực tiếp một cách thuận tiện, dễ dàng. Cán bộ trực đường dây nóng có thể tiếp nhận đầy đủ, kịp thời thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường, giúp nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng.


Chánh văn phòng Tổng cục Môi trường Hồ Kiên Trung nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường qua xây dựng, vận hành Hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường theo hướng thống nhất từ trung ương đến địa phương (cấp huyện).

Hệ thống thông tin được cài đặt, ứng dụng trên máy tính, trang thông tin điện tử và thiết bị di động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin và giúp cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận, chuyển thông tin, xác minh và xử lý, báo cáo kết quả nhanh chóng, thống nhất và hiệu quả.

 

 

 

P.V (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top