Đầu năm 2014, Báo Đời sống & Tiêu dùng cùng nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng phản ánh sự hoạt động của hàng chục lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường ở xã Cẩm Đình. Ngay sau đó, chính quyền huyện Phúc Thọ đã vào cuộc kiểm tra và yêu cầu các phòng ban chuyên môn tháo dỡ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm, thay thế bằng lò gạch không khói công nghệ cao.
Cuối tháng 2/2014, xác nhận với báo chí, đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ và lãnh đạo xã Cẩm Đình đều khẳng định, toàn bộ lò gạch nằm trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã được chuyển đổi sang công nghệ xử lý khói thủ công đúng quy định của cơ quan chức năng, không còn tồn tại lò gạch thủ công gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, người dân quanh khu vực lại tiếp tục gửi phản ánh lên các cơ quan báo chí về sự hoạt động trở lại của các lò gạch khiến môi trường bị ô nhiễm, đời sống người dân tiếp tục bị ảnh hưởng.
Ghi nhận thực tế tại khu vực bãi nổi xã Cẩm Đình đầu tháng 11/2014, các lò gạch ở xã này vẫn tiếp tục hoạt động, những cột khói lò gạch không những giảm đi mà còn ngang nhiên thổi lên bầu không khí, cả một vùng mịt mù trong khói bụi....
Mặc dù lãnh đạo Công ty Nguyễn Hưng khẳng định lò gạch đang ngừng sản xuất nhưng bên trong công nhân vẫn hối hả làm việc
Theo những người dân nơi đây, khi báo chí và cơ quan chức năng vào cuộc thì các lò gạch có ngừng hoạt động, nhưng chỉ một thời gian sau thì tiếp tục hoạt động trở lại. “Họ nói là lò gạch công nghệ cao, không khói nhưng hàng ngày, chúng tôi vẫn chứng kiến những cột khói cao bốc lên từ các lò gạch, như vậy môi trường vẫn bị ô nhiễm” – một người dân bức xúc.
Với mục đích xác minh tận gốc sự việc, nhóm phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Công ty Nguyễn Hưng, đơn vị được UBND huyện Phúc Thọ cho thuê 40ha đất thực hiện mô hình V-A-C và sản xuất gạch ở xã Cẩm Đình. Muốn vào trực tiếp nơi các lò gạch "công nghệ cao" nhưng không nhận được sự hợp tác của vị này khi nói rằng lò gạch không hoạt động và “không có lệnh thì không ai được vào”.
Tuy nhiên, tại thời điểm trên, bên trong lò gạch của công ty này quản lý, hàng chục công nhân vẫn thực hiện công việc, những cột khói từ công ty này vẫn bốc cao. Bên ngoài phần đất do công ty này quản lý, rải rác các lò gạch thủ công vẫn còn dấu vết của sự hoạt động.
Các tuyến đường chính ở khu vực này cũng chìm trong khói, bụi và liên tục bị “hành hạ” bởi hàng trăm xe chở gạch trọng tải lớn hoạt động. Nơi đây vẫn sầm uất và mù mịt như một đại công trường…. Thực tế trên hoàn toàn trái với những cam kết xóa bỏ lò gạch gây ô nhiễm mà nhà chức trách Phúc Thọ đã khẳng định. Phải chăng chính quyền huyện Phúc Thọ làm ngơ trước thực trạng này?
Địa bàn giáp ranh phức tạp
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực các lò gạch hoạt động là địa bàn giáp ranh giữa hai huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Nơi đây không chỉ là “điểm nóng” của các lò gạch mà còn phức tạp bởi nạn khai thác đất cát có dấu hiệu bảo kê ở sông Hồng; hoạt động của các bến đò “chui”, vi phạm các quy định an toàn đối với sinh mạng của hành khách.
Một lò gạch thủ công ở xã Cẩm Đình Trước tình trạng trên, nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng phản ánh và làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND và đại diện các phòng ban huyện Phúc Thọ. Tại các cuộc làm việc, lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ đều khẳng định sẽ vào cuộc xử lý dứt điểm những vấn đề người dân phản ánh, báo chí nêu.
Thế nhưng, thực tế hiện tại đã chứng minh những lời khẳng định của lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ là lời “hứa suông” khi lò gạch gây ô nhiễm vẫn hoạt động; bến đò Vân Phúc, Vân Nam vẫn hoạt động và thường xuyên vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn vẫn ngang nhiên đem mạng người ra “đùa với hà bá”; trên sông các cây xăng tự phát vẫn ngang nhiên hoạt động; đặc biệt, tình trạng khai thác cát ở khu vực trên vẫn không bị ngăn chặn.
Mới đây, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, hơn 200 cảnh sát thuộc Tổng cục Cảnh sát về xử lý hành chính, trật tự xã hội, Cục Cảnh sát đường thủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và lực lượng địa phương đã bao vây, triệt phá hoạt động khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng của địa bàn này.
Theo đó, hơn 30 đối tượng liên quan đến các hành vi khai thác cát trái phép và hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản đã bị bắt giữ. Cùng ngày, cơ quan công an đã khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng. Nhiều sổ sách, hung khí và các tang vật liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật đã bị thu giữ. Theo đánh giá của cơ quan công an, ổ nhóm tội phạm khai thác cát trái phép vừa bị triệt phá đã hoạt động từ nhiều năm nay.
Mặt khác, cơ quan chức năng cho biết, hoạt động khai thác cát lậu trên diễn ra trong thời gian dài, có sự "bảo kê" và lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa huyện Phúc Thọ và huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Hoạt động khai thác núp bóng dưới vỏ bọc của Công ty cổ phần thương mại Vân Phúc (giấy phép hoạt động là nạo vét, cứu cạn…). Trước đây công ty này có tên gọi khác nhưng sau nhiều lần bị báo chí phản ánh đã đổi tên nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng xử lý nhưng điều khiến dư luận không khỏi băn khoăn là trách nhiệm quản lý địa bàn của các cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ đến đâu trong việc để xảy ra những vụ việc “nóng” tại địa bàn?
ĐS&TD