Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 6 năm 2024 | 10:35

Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc VAT 0% hay 5% với mặt hàng phân bón

Tại thảo luận, các đại biểu đề nghị sửa Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng áp dụng thuế VAT 0% đối với mặt hàng phân bón, đồng thời đề nghị hoàn thuế VAT đầu vào cho các DN sản xuất phân bón trong nước.

Thảo luận ở hội trường chiều 24/6 về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT - sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón và đề nghị sửa theo hướng áp dụng thuế VAT 0% đối với mặt hàng này, nhằm giảm bớt khó khăn cho người nông dân. Đồng thời đề nghị dự án Luật khấu trừ thuế suất VAT đầu vào cho các DN sản xuất phân bón trong nước.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) phân tích, qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên nhiều nước đều thiết kế chính sách theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Ở Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu tăng thuế VAT riêng đối với mặt hàng phân bón sẽ tăng thu ngân sách khoảng 6.200 tỷ đồng, chưa nói tới các mặt hàng máy móc, thiết bị nông nghiệp.

“Nguồn thu này phải chăng là nguồn thu từ nông nghiệp và nông dân? Muốn khuyến khích thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phải giảm thuế VAT, tăng thuế VAT sẽ làm tăng giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Khi tăng giá đầu vào sẽ làm tăng giá sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, làm tăng chi phí của người nông dân”, đại biểu Hương thẳng thắn.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) không đồng tình với lập luận của cơ quan soạn thảo khi cho rằng, các DN sản xuất phân bón gặp bất lợi Vì không được kê khai khấu trừ thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất phân bón. Khoản này được tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng và lợi nhuận giảm, gây bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang)

Đại biểu Tú cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước là rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ về việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Bởi phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời là 1 trong 9 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

“Giá thành phân bón liên quan trực tiếp đến chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, thuế VAT là thuế gián thu giá trị gia tăng đến người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất VAT 5% đối với người nông dân là người trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp sẽ chịu tác động lớn”, đại biểu Nguyễn Danh Tú lưu ý. 

Ý kiến của cơ quan soạn thảo cho rằng, do không đánh thuế VAT từ năm 2015 nên giá phân bón ngày càng tăng cao, vì thế phải đánh thuế để giảm giá phân bón xuống cũng được đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) nhận xét là không thuyết phục. Đại biểu Cường dẫn đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, ngay từ tháng 1/2015, khi thuế phân bón còn 0% lập tức giá phân bón giảm xuống 500.000 đồng/tấn và tiếp tục giảm đến năm 2018 giá mới tăng do nhà máy điện đạm Phú Mỹ không hoạt động. Những năm gần đây giá phân bón tăng chủ yếu là do xung đột giữa Nga và Ukraine.

Vì thế, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định, không thể có lý do gì để nói rằng nếu tăng thuế VAT phân bón sẽ có khả năng giảm giá, chỉ có thể thấy ngay hậu quả bất lợi đối với bà con nông dân.

“Nếu áp thuế VAT phân bón 5% ngân sách sẽ thu được khoảng 5,7 nghìn tỷ đồng, bù trừ cho các DN sản xuất phân bón không được khấu trừ VAT khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng, ngân sách còn khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng rõ ràng tiền này là lấy từ nông dân vì bà con phải trả tiền nhiều hơn. Điều này cho thấy sự bất hợp lý ở chỗ, VAT chuyển từ chỗ không được khấu trừ đầu vào của doanh nghiệp sang không được khấu trừ đầu vào của nông dân. Luật không thể bắt nông dân cũng như DN phân bón phải chịu như vậy, nên áp dụng thuế VAT cho phân bón là 0% và các DN sản xuất phân bón được hoàn thuế VAT đầu vào”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị.

Kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nên chọn cái "được" cho nông dân, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) lập luận, nếu luật vẫn giữ thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón, nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng. Còn nếu như dự thảo luật áp dụng thuế VAT 0% đối với mặt hàng phân bón, khoảng 2.000 tỷ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu ngân sách nhà nước, nguồn này sẽ hỗ trợ lại cho DN và nông dân. Như vậy nông dân sẽ được giảm đáng kể về chi phí đầu vào.

“Trước sự lựa chọn giữa cái "được" và cái "mất", việc đưa phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế VAT 0% là Chính phủ đã hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng cho nông dân và DN. Đây được xem như một trong những hành động của Chính phủ trong hành động cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho DN, góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, ổn định thị trường phân bón trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao”, đại biểu Tô Ái Vang nêu ý kiến.

 

Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top