Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 8 năm 2024 | 10:40

Thanh Hóa: Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn phân bón kém chất lượng

Trước tình trạng sản xuất và kinh doanh phân bón kém chất lượng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng, tỉnh Thanh Hoá đã tăng cường công tác kiểm tra, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh và ngăn chặn kịp thời.

Phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở vi phạm

Thanh Hoá có khoảng 440.000 ha cây nông nghiệp được gieo trồng hàng năm, 120.000 ha rừng sản xuất, lượng phân bón các loại được đưa vào sử dụng trên địa bàn ước khoảng 550 nghìn tấn/năm, trong đó lượng phân bón vô cơ là chủ yếu, chiếm trên 90% (494 nghìn tấn/năm), chỉ có 9% lượng phân bón hữu cơ và 1 % các loại phân khác được sử dụng.

Đa số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con nông dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị sản xuất phân bón phớt lờ các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, tung ra thị trường lượng lớn phân bón không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng, quyền lợi của người tiêu dùng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, qua công tác thanh, kiểm tra, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón kém chất lượng.

Các ngành chức năng phối hợp kiểm tra, đã phát hiện nhiều cửa hàng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đầu tháng 2/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 170 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Công nghệ cao Sao Đỏ (Vạn Thắng, Nông Cống) về hành vi vi phạm hành chính sản xuất phân bón trung lượng HT CALMAG Zn, mã số phân bón 11434 khi không có giấy phép đủ điều kiện sản xuất phân bón và hành vi không thực hiện thử nghiệm đánh giá chất lượng của từng lô phân bón thành phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường đối với 5 lô hàng kiểm tra, khối lượng 64,5 tấn.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã tiến hành thanh tra 17/18 đơn vị sản xuất phân bón trên địa bàn. Với tổng số mẫu là 40 mẫu, trong đó có 33 mẫu phân bón vô cơ hỗn hợp và 7 mẫu phân bón hữu cơ của 16/17 đơn vị. Qua kết quả phân tích, đoàn kiểm tra xác định có 11 mẫu phân bón của 9 đơn vị sản xuất vi phạm về chất lượng và đã tiến hành xử phạt hành chính 8 đơn vị, với số tiền 110 triệu đồng, buộc tái chế hoặc chuyển mục đích sử dụng khối lượng phân bón đã sản xuất vi phạm chất lượng.

Mới đây, Đoàn Thanh tra liên ngành (gồm: Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa; Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa) tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh phân bón trên địa bàn các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa và phát hiện 3 hộ kinh doanh buôn bán phân bón vi phạm về nhãn hàng hóa và chất lượng, đoàn đã ra quyết định xử phạt gần 163 triệu đồng; buộc tiêu hủy hơn 10 tấn phân bón đang tồn kho là hàng giả về chất lượng tại 2 hộ kinh doanh ở xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa) và xã Đông Hòa (Đông Sơn).

Ngoài ra, Đoàn Thanh tra đã bàn giao hồ sơ, chuyển một vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thọ Xuân để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lô hàng phân bón có trọng lượng 40,475 tấn là hàng giả về chất lượng tại hộ kinh doanh ở thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân.

Trung tuần tháng 7/2024, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (địa chỉ 274B, đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) số tiền hơn 1,3 tỉ đồng về hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón không đảm bảo chất lượng.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Qua kết quả thanh, kiểm tra vừa qua có thể nhận thấy, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn biến  phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Để ngăn chặn kịp thời phân bón giả, kém chất lượng, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh; nâng cao kiến thức cho người sử dụng phân bón; đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hoá cho biết: Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng trên địa bàn thời gian qua đến từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Một phần do công nghệ sản xuất chưa đảm bảo nên trong quá trình sản xuất không đạt theo quy chuẩn về hàm lượng có trong sản phẩm… Bên cạnh đó, vẫn có những đơn vị cố tình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng kém chất lượng nhằm trục lợi bất chính.

Cục Quản lý thị trường Thanh Hoá tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trước những nguyên nhân trên, với chức năng nhiệm vụ được giao, Chi cục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, các quy định của Nhà nước về điều kiện sản xuất, kinh doanh và việc sử dụng phân bón (phân vô cơ và hữu cơ) thông qua các lớp tập huấn; tăng cường năng lực nghiên cứu và đầu tư công nghệ sản xuất các loại phân bón mới, tiến bộ mới, nhất là phân bón hữu cơ sử dụng phụ phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt làm nguyên liệu sản xuất phân bón nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phân bón, củng cố, nâng cao năng lực chuyên môn của chính quyền các cấp đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước cũng như hỗ trợ tối đa người dân trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng phân bón phù hợp cho từng loại đất, từng cây trồng.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành; tăng cường phối hợp, tổ chức triển khai hiệu quả giữa các cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, buôn bán phân bón, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.

Theo ông Lữ Minh Thư, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thanh Hoá, từ đầu năm 2024,  Cục đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hành vật tư nông nghiệp được phân công quản lý; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; đưa tin các hành vi vi phạm trong kinh doanh vật tư nông nghiệp…

“Với sự đa dạng phong phú về chủng loại phân bón, cùng với thủ đoạn tinh vi của các đối tượng kinh doanh, sản xuất như hiện nay, khiến người dân “lúng túng” trong việc lựa chọn sản phẩm. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền, phải đa dạng hình thức, đặc biệt các cấp chính quyền, các khối đoàn thể cùng vào cuộc, phối hợp, chung tay để người nông dân nâng cao kiến thức về sản phẩm mình sử dụng, trở thành “nhà nông thông thái”, từ đó người dân sớm nhận diện được các sản phẩm giả, kém chất lượng, phản ánh kịp thời đến các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý theo quy định”, ông Thư nói.

Theo ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội Nông dân Thanh Hoá, để nâng cao nhận thức cho người nông dân, thời gian qua, Hội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường chức năng giám sát, tuyên truyền thông qua ứng dụng, trang tin điện tử của Hội; mở các lớp tập huấn giúp nông dân bước đầu nhận diện các sản phẩm phân bón thật, giả.

“Tham gia chương trình phân bón trả chậm, nông dân có thể tiếp cận được những dòng phân bón phù hợp với từng loại đất, từng cây trồng do các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất. Những loại phân bón này cũng được các đơn vị sản xuất cam kết về chất lượng, chịu trách nhiệm về rủi ro do chất lượng phân bón gây ra”, ông Quân cho biết thêm.

Lê Thức
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ môi trường để phát triển chăn nuôi bền vững

    Bảo vệ môi trường để phát triển chăn nuôi bền vững

    Hoạt động chăn nuôi đang tác động không nhỏ đến môi trường sống. Thực tế cho thấy, để chăn nuôi phát triển bền vững thì vấn đề xử lý môi trường cần được thực hiện tốt.

  • Khi chính quyền quan tâm, người dân Sóc Trăng đồng thuận trước dự án lớn

    Khi chính quyền quan tâm, người dân Sóc Trăng đồng thuận trước dự án lớn

    Sau khi Công ty CP Bê tông Cửu Long tổ chức Lễ khởi công khai thác cát cung cấp cho Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, nhiều người dân đã phản ứng, thậm chí tập trung đông người xung quanh khu vực mỏ cát MS01 trên sông Hậu (thuộc xã Phong Nẫm và xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), cản trở việc khai thác cát cũng như hoạt động của lực lượng chức năng.

  • Cảnh giác với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả

    Cảnh giác với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả

    Thời gian qua, việc hàng loạt các công ty, doanh nghiệp bị xử phạt về sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, không đạt chuẩn, đã khiến cho bà con nông dân hết sức lo lắng khi đã và đang sử dụng những sản phẩm vật tư nông nghiệp kém chất lượng...

  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top