Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 7 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 7 năm 2024 | 15:17

Bảo vệ, phát triển vùng đất lúa theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, hiện đại

Chủ trì cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa, sáng 10/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự thảo Nghị định cần thể chế hóa đầy đủ Điều 182 của Luật Đất đai về đất lúa; có tính khả thi, thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn đời sống của bà con nông dân vùng đất lúa, bảo vệ và phát triển hạ tầng vùng đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ đặc thù, khác biệt cho vùng trồng lúa năng suất, chất lượng cao - Ảnh: VGP/MK

Bổ sung tiêu chí xác định vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao

Về phạm vi điều chỉnh của Nghị định, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT bổ sung các chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp; trách nhiệm của nhà đầu tư khi chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.

"Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ thực hiện trên diện tích đất trồng lúa được phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi", Phó Thủ tướng lưu ý.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng và các ý kiến đóng góp tại 2 cuộc họp ngày 18/6 và 1/7, cơ quan soạn thảo đã rà soát, bổ sung quy định về tiêu chí xác định vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT bổ sung tiêu chí về diện tích vùng sản xuất; hệ thống thuỷ lợi bảo đảm chủ động tưới tiêu; liên doanh, liên kết sản xuất tập trung, quy mô lớn; ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính…

Làm rõ nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa

Dự thảo Nghị định đã phân cấp cho địa phương trong xây dựng kế hoạch, quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế.

"Chúng ta phải có không gian để các địa phương chịu trách nhiệm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa trên cơ sở bàn bạc, đồng thuận của người dân", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trao đổi.

Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các nguyên tắc định hướng cho địa phương thực hiện thống nhất việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa; có căn cứ nghiên cứu khoa học đối với quy định chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm mà không làm mất đi điều kiện để trồng lúa trở lại.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung tiêu chí làm căn cứ cho địa phương khoanh định, công bố và báo cáo vùng chuyên trồng lúa, vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao, vùng trồng lúa có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Đồng thời đưa ra một số quy định mang tính nguyên tắc bảo đảm điều kiện có thể trồng lúa trở lại để địa phương quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, đặc biệt là cây lâu năm. Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TN&MT trong hoạt động kiểm tra, giám sát.

Bảo vệ, phát triển vùng đất lúa theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, hiện đại- Ảnh 2.
 

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT trình bày những điểm tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa - Ảnh: VGP/MK

Quản lý chặt chẽ công trình xây trên đất trồng lúa

Bộ NN&PTNT đã bổ sung khái niệm công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là lán, trại, kho để phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động, chỉ được xây dựng 1 tầng, không được xây dựng tầng hầm. 

Việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thực hiện theo pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Phó Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất lúa phải được quản lý chặt chẽ như dự án xây dựng (mục đích sử dụng, thiết kế kỹ thuật) được cấp thẩm quyền phê duyệt, áp dụng cho các trường hợp liên doanh, liên kết sản xuất tập trung quy mô lớn, sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại; đồng thời phục vụ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ tiếp thị, giới thiệu nông sản, du lịch nông nghiệp…

Địa phương được phân cấp xem xét, quyết định xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất lúa, phù hợp với thực tiễn và hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng "thửa ruộng nào cũng có lán, trại, kho".

Gói cơ chế, chính sách riêng cho vùng đất lúa có năng suất, chất lượng cao

Liên quan đến chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, Bộ NN&PTNT phân ra 2 nhóm: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ các địa phương sản xuất lúa, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu lớn nhất của chính sách đầu tư, hỗ trợ là nhằm chuyển đổi cả nền nông nghiệp sang nông nghiệp xanh, bền vững, đời sống của nông dân ngày càng nâng cao... theo nguyên tắc chỉ khi người sử dụng đất trồng lúa đạt được các tiêu chí đặt ra về năng suất, chất lượng, quy mô, diện tích sản xuất, giảm phát thải….

Đại diện Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ trình tự, thủ tục hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng (doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã) canh tác tại vùng lúa có năng suất, chất lượng cao; đánh giá tác động của chính sách chi ngân sách Nhà nước hỗ trợ địa phương sản xuất lúa.

Bảo vệ, phát triển vùng đất lúa theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, hiện đại- Ảnh 3.
 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu bổ sung tiêu chí làm căn cứ cho địa phương khoanh định vùng chuyên trồng lúa, vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao, vùng trồng lúa có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi - Ảnh: VGP/MK

Phó Thủ tướng nêu rõ, lần đầu tiên chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đất trồng lúa năng suất, chất lượng cao đã được luật hoá. Bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ chung cho đất trồng lúa, dự thảo Nghị định có những "gói cơ chế, chính sách" đặc thù, khác biệt cho vùng lúa có năng suất, chất lượng cao như: Cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, giống, vật tư nông nghiệp, chế biến, tiếp cận thị trường… theo hướng tăng cường liên kết sản xuất tập trung quy mô lớn, sử dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại, giảm phát thải khí nhà kính…

Mục tiêu là gia tăng hiệu quả, giá trị của hoạt động sản xuất tại vùng lúa có năng suất, chất lượng cao trên một đơn vị đất đai.

"Nhà nước sẽ đầu tư trực tiếp vào những công trình hạ tầng, hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm bảo đảm ổn định lâu dài cho các vùng chuyên trồng lúa, vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao. 

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân… để triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, gia tăng giá trị, hiệu quả canh tác, bảo đảm an ninh lương thực", Phó Thủ tướng nói và lưu ý cần xác định tiêu chí đầu tư, nhóm đối tượng được hỗ trợ theo hướng khuyến khích liên doanh, liên kết sản xuất tập trung quy mô lớn.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về định hướng sử dụng nguồn tiền thu được từ việc chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất, tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, tập trung đầu tư cho vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp rà soát kỹ dự thảo Nghị định, trong đó có các điều khoản thi hành, điều khoản chuyển tiếp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành nói chung, với các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 nói riêng; quy định đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Luật Đất đai 2024 và theo đúng phạm vi thẩm quyền của Chính phủ.

Minh Khôi/Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Xử phạt Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt gây ô nhiễm dòng nước Khe Sào

    Xử phạt Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt gây ô nhiễm dòng nước Khe Sào

    Xả nước thải vượt quá quy chuẩn ra môi trường tại dòng nước Khe Sào chảy trên địa bàn huyện Như Xuân và huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An), Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt vừa bị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường, với số tiền xử phạt hơn 120 triệu đồng.

  • Ngăn chặn tôm hùm đất nhập lậu để bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp

    Ngăn chặn tôm hùm đất nhập lậu để bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp

    Tôm hùm đất là loại sinh vật bị cấm bán tại thị trường Việt Nam do tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôm hùm đất được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, bất chấp việc các cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán loài sinh vật ngoại lai này.

  • Khánh Hòa: Hàng trăm nhà yến nằm trong vùng không được phép nuôi

    Khánh Hòa: Hàng trăm nhà yến nằm trong vùng không được phép nuôi

    UBND Khánh Hòa đang rốt ráo yêu cầu các cơ sở chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi ký cam kết ngừng hoạt động hoặc di dời cơ sở chăn nuôi trước ngày 1/1/2025 theo quy định tại Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh này.

Top