Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 8 năm 2022 | 15:45

Loa phường trong thời đại 4.0: Duy trì “kênh” thông tin cũ bằng cách làm mới

Trong chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, loa phường đã làm tốt nhiệm vụ báo động phòng không nhân dân.

Những ngày Hà Nội “căng mình chống dịch”, loa phường là kênh thông tin nhanh chóng, kịp thời để người dân phòng tránh, không để lây lan dịch bệnh.

Mặc dù công nghệ thông tin phát triển, nhưng công tác thông tin cơ sở không thể thiếu những chiếc “loa phường”, song cần duy trì “kênh” thông tin cũ bằng cách làm mới.

Bạn của nhà nông

Theo Kế hoạch số 200/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội, thành phố phấn đấu đến năm 2025: 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

Trước đó, năm 2017, lãnh đạo thành phố Hà Nội từng phát biểu: “Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh” và đề nghị rà soát lại để quyết định hệ thống truyền thanh cơ sở này tồn tại hay không tồn tại? Thế là người bảo bỏ, kẻ bảo không, dư luận xã hội lại được một phen dậy sóng.

 

z3615973778742_45f793135743e5b857613911cfe3a66b.jpg
Hệ thống loa truyền thanh tại thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội.

 

Tôi về thăm một làng cổ nằm cạnh con sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay). Đó là làng Đông Ngàn, xã Đông Hội (Đông Anh), chỉ cách quận nội thành Long Biên cầu Đông Trù, để tìm hiểu về những chiếc loa vẫn đang hoạt động đều đặn ở đây.

Bà Đặng Thị Từ, 84 tuổi, ở thôn Đông Ngàn, nói: “Chiều nào chúng tôi cũng ra đây ngồi, trừ những ngày mưa gió, để nghe loa truyền thanh của xã, vừa để có thông tin về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, vừa để trò chuyện cảnh già với nhau”.

Còn chị Nguyễn Thị Tố Như ở xóm Bảng, thôn Đông Ngàn, cho biết: Loa truyền thanh của xã không chỉ truyền đạt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của thành phố, huyện mà còn giúp nông dân nắm bắt thời vụ gieo cấy, thời gian đưa nước vào đồng và nhiều thông tin khác liên quan đến công việc sản xuất của nhà nông.

Tôi hỏi chị nghĩ sao khi nhiều người muốn bỏ chiếc loa truyền thanh này, nhất là ở những quận nội thành Hà Nội. “Ở đâu bỏ thì chúng tôi không biết, nhưng ở ngoại thành, loa truyền thanh vẫn là phương tiện tuyên truyền hữu hiệu. Loa truyền thanh như là bạn của nhà nông chúng tôi”, chị Như khẳng định.

Như lời chị Như nói thì không phải ở nơi nào, người dân cũng có ý kiến nên bỏ loại phương tiện truyền thanh công cộng này. Bởi với người dân các huyện ngoại thành, đây là kênh thông tin hữu ích.

Ưu thế của những chiếc loa phường

Nói gì thì nói, loa phường vẫn có một vị trí quan trọng trong cuộc sống của người dân Thủ đô, mặc dù đâu đó vẫn còn có những ý kiến không tán thành việc duy trì hệ thống loa truyền thanh này.

Ông Nguyễn Văn Quý ở quận Long Biên cho biết, loa phường đặt trước cửa nhà của tôi, mỗi khi phường thực hiện chương trình là cả gia đình như bị tra tấn. “Đến giờ truyền thanh, âm thanh quá lớn làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của gia đình. Nếu như hệ thống loa truyền thanh này đặt trước cửa nhà các vị, liệu các vị có chịu được không?”, ông Quý nói.

Còn bà Nguyễn Thị Hòa ở quận Hai Bà Trưng thì chia sẻ: Loa truyền thanh phường nhiều lúc phát quá nhiều, nội dung có  lúc lên đến 20-30 phút, có lúc chỉ có một thông tin ngắn.

“Thời kỳ 4.0 rồi, các phương tiện truyền thông bây giờ hiện đại, nhiều khi chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là người dân biết hết được thông tin”, bà Hòa nói.

Khi được hỏi về vai trò của loa phường, một cựu chiến binh, cán bộ quân đội nghỉ hưu của phường Gia Thụy (quận Long Biên) thẳng thắn chia sẻ: “Đài truyền thanh phường là tiếng nói của Đảng và Nhà nước ở địa phương. Cụ thể là của Đảng ủy, UBND phường, nhằm thông tin những vấn đề quan trọng và thiết thực mà các phương tiện truyền thông khác không đáp ứng được. Thí dụ như tình hình dịch bệnh, công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại địa bàn phường, các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính… Rồi thì chuyện mở hội làng, chuyện ngừng cấp nước, sửa chữa điện, đều liên quan trực tiếp đến từng hộ dân. Tại sao lại phải bỏ loa phường?”.

Cựu chiến binh này nói: “Trong thời điểm Hà Nội căng mình phòng, chống dịch bệnh, nhờ có hệ thống loa truyền thanh của phường mà người dân biết được địa bàn của mình có hay không có ca dương tính Covid-19, lịch di chuyển điểm đi, điểm đến của ca dương tính để chủ động phòng tránh, không tiếp xúc gần, tránh lây lan dịch bệnh. Phải nói thẳng rằng, ưu thế của loa truyền thanh phường đôi khi còn hơn hẳn những phương tiện công nghệ thông tin hiện đại khác, bởi thông tin được lan truyền nhanh nhất, ngay lập tức khi có vấn đề lên loa truyền thanh là người dân biết được ngay”.

Duy trì “kênh” thông tin cũ bằng cách làm mới

Để loa phường là phương tiện cung cấp thông tin hữu ích trong  thời đại công nghệ 4.0, rất cần  có sự thay đổi về nội dung, thời lượng và thời gian truyền thanh sao cho phù hợp. Thậm chí loa phường phải cùng tham gia vào việc công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến việc quy hoạch sử dụng đất đai, dự án, hay tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông Nguyễn Ngọc Thư, cán bộ nghỉ hưu ở ngõ 548 Nguyễn Văn Cừ (phường Gia Thụy) cho biết: Loa phường vẫn chưa hết sứ mệnh của mình, nhưng trong giai đoạn khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, đặc biệt công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, loa phường phải thay đổi nội dung, thời gian và lắp đặt hệ thống loa sao cho phù hợp, không làm ảnh hưởng đến những hộ dân ở gần cụm loa, nhưng cũng phải đủ để cho các hộ gia đình đều nghe thấy được.

“Muốn loa phường không bị tẩy chay, nội dung truyền thanh  phải thiết thực, liên quan trực tiếp đến từng người dân, nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai”, ông Thư nói.

Nói về vai trò của loa phường ở các quận nội thành, ông Nguyễn Văn Hùng ở phường Long Biên (quận Long Biên) kiến nghị: Loa phường nên thay đổi nội dung truyền thanh, đặc biệt chú trọng vào những nội dung liên quan thiết thực đến cuộc sống của nhân dân trên địa bàn. Nhất là việc quy hoạch đất, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất để thực hiện các dự án,việc bình chọn hộ nghèo, các công trình xây dựng trên địa bàn được phép hay không để nhân dân giám sát… Thậm chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, loa phường cần phải đưa những nội dung phản ánh của người dân về cán bộ, công chức, viên chức địa phương có hành vi nhũng nhiễu, việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân…

Ông Nguyễn Tất Vũ, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh, cho biết, hoạt động phát thanh đã cải tiến nhiều theo hướng tinh gọn. Trước đây, việc chuyển tiếp mỗi chùm tin thường có nhạc, song giờ đã bỏ, thông tin được chắt lọc đúng trọng tâm.

"Việc duy trì hệ thống phát thanh là cần thiết, do nhiều thông tin chỉ có qua phát thanh như ngày giờ lĩnh chế độ phụ cấp. Hay lúc dịch bệnh, loa phát thông báo những người vi phạm trong phòng chống dịch để răn đe", ông Vũ nhận xét.

Theo đại diện Đài Phát thanh huyện Thanh Trì, vị trí lắp đặt loa cần được khảo sát, đảm bảo khoảng cách, không ảnh hưởng đến cơ sở thờ tự, trường học và bệnh viện. Việc duy trì loa truyền thanh được người dân ủng hộ. Hai năm Covid-19 vừa qua, cũng như khi xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, đài phát thanh phát huy vai trò thông tin, tuyên truyền cho người dân.

Lấy ý kiến của nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà thay lời kết: “Loa phường vẫn là phương tiện để giúp chúng ta tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các nhiệm vụ khác của thành phố. Tuy nhiên, hệ thống loa phường phải được sắp xếp lại cho phù hợp. Loa phường phải được đặt vào điều kiện, hoàn cảnh phát triển chung của xã hội. Loa phường vẫn được coi là “kênh” phục vụ công tác tuyên truyền.

Trong thời chiến, “loa phường truyền tin thắng trận”, ngày nay hãy để loa phường truyền thông tin thời cuộc, tin đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lan tỏa những hành động tốt, việc làm tốt trong xã hội.

 

Giải thích việc TP. Hà Nội vẫn dùng loa phường trong thời đại công nghệ 4.0, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Mai Hương cho rằng, đây vẫn là loại hình truyền thông hữu dụng ở cấp cơ sở. Thành phố sẽ cố gắng nâng cao chất lượng truyền tải thông tin để loa phường thân thiện, gần gũi với dân.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top