Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 8 năm 2021 | 15:16

Lời cảnh tỉnh sau vụ cháy cửa hàng tạp hóa tại Bình Dương khiến 5 người tử vong

Sau những vụ hoả hoạn xảy ra, nhiều cảnh tỉnh, khuyến cáo được đưa ra, nhưng việc phòng cháy chữa cháy tại gia đình, cửa hàng... vẫn chưa được coi trọng.

Cháy nhà ở kết hợp kinh doanh

Khoảng 22 giờ ngày 18/8, người dân xung quanh nhà ông Lê Đình A. (kinh doanh tạp hóa, trú tại khu phố Thắng Lợi 2, phường Dĩ An, TP. Dĩ An, Bình Dương) phát hiện đám cháy nên đã cùng nhau ứng cứu, dập lửa và báo cho cơ quan chức năng.

Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ của Công an thành phố Dĩ An đã có mặt tại hiện trường để dập lửa. Trong căn nhà 2 tầng rộng khoảng 120m2 có năm người (ông Lê Đình A., vợ, hai người con và một người cháu) bị mắc kẹt bên trong đám cháy. Do gia đình kinh doanh tạp hóa, nhiều đồ dễ cháy nên ngọn lửa bùng phát dữ dội.

z2694475790491842428e4e11e73fb9ea9ebe93ca35f7c-1-1629334910121445315016.jpg
Hiện trường vụ cháy khiến 5 người tử vong.

 

Lực lượng chức năng đã phá cửa, đưa năm người ra ngoài sơ cứu và đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An. Các nạn nhân gồm: ông Lê Đình A. (sinh năm 1977), bà Hồ Thị L. (sinh năm 1978), con gái ông A. và bà L. là Lê Thị Hải Y. (sinh năm 2003), con trai Lê Gia B. (sinh năm 2006), cháu gái Nguyễn Thị N. (sinh năm 2001).

Theo nguồn tin ban đầu, cả năm nạn nhân sau đó đều đã không qua khỏi. Ba người tử vong sau khi vừa được đưa tới Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An, hai nạn nhân còn lại được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cũng đã tử vong lúc 4 giờ ngày 19/8.

Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ cháy. Được biết, căn nhà bị cháy mới được xây xong cách đây vài tháng.

 

Nhức nhối với “nhà không lối thoát”

Không chỉ riêng vụ cháy vừa xảy ra tại Bình Dương, nhìn lại những vụ cháy nhà gây thiệt hại lớn về người, có thể thấy đại đa số đều rơi vào khu vực đô thị với kiểu "nhà ống", không có lối thoát hiểm.

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, mặc dù biết nhà không có lối thoát hiểm là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều người thiệt mạng khi xảy ra cháy, song do đất ở đô thị đắt đỏ, chật hẹp, chi phí xây dựng tốn kém nên đa số người dân không thể mua đất rộng để làm nhà có khoảng rỗng xung quanh, đành làm “nhà ống”. Các tầng trên cũng tận dụng đua ra cho rộng và chỉ mở cửa sổ; hoặc bịt kín ban công bằng khung rào sắt chắc chắn để làm nơi phơi quần áo và chống trộm đột nhập (người dân thường gọi là “chuồng cọp”). Thực tế cũng có một số nhà để cửa thoát hiểm trên tầng thượng nhưng cửa được làm bằng sắt kiên cố, khóa rất cẩn thận và cất kỹ chìa, hiếm khi mở ra, nên khi xảy ra cháy thì không tìm thấy chìa khóa hoặc là không thể mở được vì khóa đã han gỉ. Bên cạnh đó, nhiều ngôi nhà còn gắn biển quảng cáo bán hàng chắn hết đường thoát hiểm...

cccn1.jpg
Khu vực xảy ra vụ cháy khiến 4 người tử vong ngôi nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội)  ngày 4/4/2021 

 

Vụ cháy tại nhà số 311 Tôn Đức Thắng (Hà Nội) ngày 4/4/2021, lực lượng chữa cháy đã chứng kiến cảnh vô cùng xót xa khi cả 4 người trong gia đình cùng ở trên tầng tum với thi thể biến dạng. Nếu có cửa thoát hiểm thì chắc không có cảnh tang thương đó.

Hầu hết những ngôi nhà mặt đường này đều bày kín hàng hóa, chủ yếu là hàng dễ cháy. Trong khi nhiều ngôi nhà rất chật, lâu ngày không tu sửa nên nguy cơ bén lửa từ đun nấu, chập điện, sơ suất khi thắp hương... rất cao. Dù hiện nay hầu như cửa hàng nào cũng đã trang bị bình cứu hỏa, nhưng không phải ai cũng biết sử dụng. Nếu đám cháy bùng phát vào ban đêm, khi cửa hàng đã đóng cửa thì khả năng chữa cháy tại chỗ càng hạn chế. Chưa kể, những ngôi nhà “kiêm” cửa hàng thường để “ban thờ thần tài” cạnh cửa ra vào. Việc thắp hương, đốt nến sát với hàng hóa khiến nguy cơ hỏa hoạn cao và nếu cháy xảy ra thì lửa cũng chắn luôn lối thoát của người trong nhà...

Thực tế, dọc các tuyến phố ở đô thị trên khắp địa bàn cả nước, chúng ta đều thấy nhiều nhà ở có cửa hàng tại tầng trệt, nhiều nhà còn để hàng chật cả tầng hai và cầu thang. Nguy hiểm nhất là những cửa hàng bán đồ dễ cháy như: Quần áo, đồ may mặc, tạp hóa, đồ chơi trẻ em, giày dép, túi ví da, sách báo...

Ngay những ngôi nhà không kết hợp sản xuất, kinh doanh, chỉ dành để ở thì nhiều chủ nhân cũng ít quan tâm đến việc phòng cháy. Lâu nay, ở đa số “nhà ống”, tất cả xe máy, xe đạp, ô, mũ, áo mưa, áo chống nắng... thường để ngay trước cửa nhà hoặc cho vào phòng ngoài của tầng trệt, sát với bếp nấu. Toàn bộ tầng trệt thường được bố trí làm nơi để xe và nhà kho nên tại đây chất đầy vật dụng, cùng với hệ thống điện đã cũ, chuột trú ngụ cắn phá rất dễ gây chập cháy. Đa số vụ cháy nhà đã khởi phát từ tầng trệt vì lý do này. Thế nhưng nhiều gia đình vẫn ít kiểm tra và dọn dẹp ở tầng trệt.

Điều đáng nói,  nguyên nhân gây cháy đã được các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, nhất là sau khi xảy ra những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chưa được nhiều gia đình chú trọng thực hiện. Một số cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC nói với chúng tôi, đó là tình trạng “nuôi giặc lửa trong nhà”, bởi những ngôi nhà ấy có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào.

 

Cách thoát thân khi xảy ra hỏa hoạn ở nhà ống

Tại các đô thị lớn “đất chật người đông”, vì diện tích đất nhỏ hẹp và nằm trong khu dân cư đông đúc nên hầu hết những căn nhà đều được thiết kế dạng nhà ống khép kín. 

Thời gian gần đây, nỗi lo hoả hoạn tại những căn nhà ống trong đô thị lại được báo động khi liên tiếp xảy ra các vụ hoả hoạn thương tâm. 

Theo kỹ sư Nguyễn Bảo Vinh, hoả hoạn xảy ra ở nhà phố, nhất là dạng nhà ống, đều có thể gây thiệt hại rất lớn về người. Hầu hết nhà phố hoặc nhà ống thường không có hệ thống báo cháy, kết cấu có ba mặt giáp với nhà bên cạnh. Trong khi đó, cửa ra vào chính ở mặt tiền và ban công thường bị che chắn kiên cố để hạn chế trộm cắp. Nguyên nhân gây ra các vụ cháy tại các căn nhà ống đô thị hầu hết do ý thức chủ quan của người dân, nhất là do sử dụng thiết bị điện không an toàn. Nhằm đề phòng sự cố cháy nổ có thể xảy ra, kỹ sư Nguyễn Bảo Vinh cho rằng, khi xây dựng nhà ống, người dân cần thiết kế lối thoát hiểm sao cho người ở trong nhà dễ thoát ra ngoài.

Chìa khoá mở lối thoát hiểm này nên để ở nơi mọi thành viên trong nhà đều biết. Bên cạnh đó, người dân cần tự trang bị những phương tiện chữa cháy cần thiết. Thậm chí, gia chủ có thể trang bị sẵn một chiếc búa để có thể đập phá khung sắt trong trường hợp khẩn cấp. “Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy gần nơi đun nấu. Không nên sử dụng tấm nhựa hoặc mút xốp để ốp tường.

Để hạn chế xảy ra sự cố về điện, gia chủ phải thường xuyên kiểm tra hệ thống dây dẫn và thiết bị điện trong nhà, các thiết bị tiêu thụ điện không nên để gần chất liệu dễ cháy như màn, rèm”, kỹ sư Nguyễn Bảo Vinh khuyến cáo. Theo một cán bộ Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn Cứu hộ, với dạng nhà ống, khi phát hiện cháy, điều trước tiên chủ nhà cần làm là bình tĩnh, suy xét và báo động cho tất cả người trong nhà cùng thoát ra ngoài. Nếu cửa ra bị lửa khói bao trùm thì cần tìm lối thoát khác như ban công, cửa sổ qua nhà bên cạnh, thang dây thoát xuống mặt đất, trổ lối thoát lên mái… “Tuyệt đối không ẩn nấp trong phòng hoặc nhà vệ sinh.

Trường hợp không còn cách nào khác buộc phải băng qua lửa hãy dùng chăn ướt quấn quanh người và thoát ra ngoài. Nếu có khói dày đặc hãy dùng khăn ướt bịt mũi và miệng, cúi sát người xuống sàn rồi men theo tường để tìm đường thoát ra ngoài”, cán bộ này hướng dẫn.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top