Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 4 năm 2016 | 8:30

Mekong Invest chưa khắc phục sai phạm, ngang nhiên tiếp tục thi công: Phường Láng Hạ “bật đèn xanh”?

KTNT - Tại Biên bản xử phạt vi phạm hành chính số 26/QĐ-XPVPHC ngày 25/3/2016 xảy ra tại dự án Khu hỗn hợp nhà ở thấp tầng và nhà trẻ (số 25 phố Vũ Ngọc Phan) do  Công ty Đầu tư TNHH RITM Mekong (đơn vị thành viên của Mekong Invest) làm chủ đầu tư, UBND phường Láng Hạ (Đống Đa - Hà Nội) ngoài nội dung phạt tiền còn yêu cầu nhà thầu phải xây dựng bể lắng, cầu rửa xe, khắc phục triệt để tác động môi trường xung quanh... Thế nhưng, giữa lúc các yêu cầu chính này chưa được chủ đầu tư chấp hành thì chính quyền phường Láng Hạ lại “bật đèn xanh” cho dự án được tiếp tục thi công trở lại.

>> Bị “tuýt còi” do mắc sai phạm, dự án 25 Vũ Ngọc Phan vẫn ngang nhiên thi công

Lối vào dự án Khu hỗn hợp nhà ở thấp tầng và nhà trẻ (số 25 phố Vũ Ngọc Phan).

Dự án vừa triển khai, dân đã bức xúc

Gần đây, Báo Kinh tế nông thôn nhận thông tin người dân tổ dân phố số 59 – phường Láng Hạ phản ánh những bức xúc do chịu tác động từ dự án Khu hỗn hợp nhà ở thấp tầng và nhà trẻ (số 25 đường Vũ Ngọc Phan) gây ra. “Từ khi triển khai thi công xây dựng, dự án trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân tổ dân phố số 59 và khu vực lân cận như làm vỡ đường ống nước sinh hoạt, tắc đường ống nước thải, gây tiếng ồn lớn, làm nứt, vỡ một số tường bao, bể nước sinh hoạt, nền sân nhà của một số hộ gia đình”, nội dung phản ánh cho biết.

Theo hồ sơ phóng viên thu thập được, dự án Khu hỗn hợp nhà ở thấp tầng và nhà trẻ được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 160044/GP-XD- UBND ngày 20/1/2016 và chấp thuận chủ trương đầu tư dự án số 1607/QĐ-UBND ngày 15/4/2015.

Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 1/2016. Dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2016, trên khu đất rộng 6.099m2, nằm tại số 25 đường Vũ Ngọc Phan.

Các hạng mục được thi công:  01 khu nhà ở thấp tầng (cao từ 4 - 5 tầng), gồm  01 vườn trẻ cao 3 tầng  (diện tích 795m2); 01 tầng hầm diện tích 5.181,5m2; 16 căn biệt thự song lập (9,6 m x 16,5 m) và 9 căn nhà phố liền kề (7 m x16 m); tổng mức đầu tư dự án khoảng 350 tỷ đồng.

Đến ngày 13/1/2016, chủ đầu tư dự án ký hợp đồng thi công số 05/2016/HĐTC/RMK-CD với Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng nền móng Chương Dương (Công ty Chương Dương) để thi công các hạng mục: tường dẫn và tường vây; vận chuyển và xử lý phế thải xây dựng.

Sau đó, Công ty Chương Dương tiếp tục ký hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư và PTHT Anh Thắng vận chuyển phế thải xây dựng và xử lý tại bãi đổ Vân Nội (Đông Anh).

Mâu thuẫn bắt đầu phát sinh khi phần giáp ranh khu nhà tập thể tổ dân phố số 59, phường Láng Hạ và khu đất dự án trên có khoảng không rộng 3m vốn là đường ống thoát nước của cả khu dân cư .

Chính vì vậy, việc thi công công trình đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống thoát nước của cả khu dân cư, đường ống thường xuyên bị tràn ngập nước. “Các xe tải vận chuyển phế thải làm rơi vãi vật liệu xây dựng, phế thải xuống phần lớn đoạn đường Vũ Ngọc Phan, gây mất vệ sinh môi trường và mất an toàn giao thông, đã có nhiều trường hợp người đi đường bị ngã do đường trơn trượt, phải vào viện”, ông Tân, tổ dân phố số 59, bức xúc kể.

Trước bức xúc của người dân, ngày 18/3/2016, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP.Hà Nội) đã xuống lập biên bản xác thực hiện trạng và yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt ngay các hành vi vi phạm để khắc phục hậu quả.

Cùng ngày hôm đó, Đội Thanh tra xây dựng quận Đống Đa cũng tiến hành lập Biên bản xử phạt vi phạm hành chính số 26/BB-VPHC đối với Công ty Mekong và Biên bản số 27/BB-VPHC đối với Công ty Chương Dương; yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu thi công ngừng mọi hoạt động thi công công trình, vệ sinh vỉa hè, lòng đường khu vực xung quanh...

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Chương Dương.

Ngang nhiên thi công trở lại khi chưa khắc phục sai phạm

Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền đã vào cuộc kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà thầu dự án là Công ty Chương Dương. Tổng số tiền phạt là 40 triệu đồng. Đặc biệt, tại Biên bản xử phạt vi phạm hành chính số 26/QĐ-XPVPHC ngày 25/3/2016, UBND phường Láng Hạ ngoài nội dung phạt tiền còn “yêu cầu nhà thầu phải xây dựng bể lắng, cầu rửa xe, ngừng việc xả nước thải xây dựng vào hệ thống thoát nước chung…”, khắc phục triệt để tác động môi trường xung quanh...

Thế nhưng, giữa lúc các yêu cầu này chưa được chủ đầu tư chấp hành thì chính quyền phường Láng Hạ lại “bật đèn xanh” cho dự án tiếp tục thi công trở lại. 

Theo quan sát, tại khu đất triển khai xây dựng dự án, chủ đầu tư và nhà thầu dự án vẫn chưa đả động gì đến việc khắc phục ô nhiễm môi trường như rửa đường, tiến hành xây bể lắng và làm cầu rửa xe như nội dung biên bản xử phạt vi phạm trên. Các xe tải bám đầy đất đá ra vào khiến tuyến phố Vũ Ngọc Phan thường xuyên bị “đầm lầy hóa”.

“Đất đá vẫn rơi vãi khắp mặt đường. Nhiều xe máy qua lại đã bị vấp ngã gây chấn thương. Tiếng ồn máy móc khoan cắt khiến con cháu tôi không tài nào học bài được”, một người dân sống ở phố Vũ Ngọc Phan bức xúc.

Ông Bạch Quang Trung, Phó chủ tịch UBND phường Láng Hạ, trong buổi làm việc với phóng viên.

Tuy nhiên, khi trả lời báo chí, ông Bạch Quang Trung, Phó chủ tịch UBND phường Láng Hạ, lại khẳng định rằng, đến thời điểm hiện tại, phía chủ đầu tư đã khắc phục xong các sai phạm nên được phép tiếp tục thi công. “Trước yêu cầu của chính quyền, chủ đầu tư đã tiến hành thiết kế một đường ống nhựa tạm dẫn nước để đảm bảo nước cho toàn bộ khu tập thể. Cho đến thời điểm hiện tại, người dân không còn ý kiến gì nữa”.

Tại sao một dự án lớn nằm giữa trung tâm thành phố, dù đã bị “tuýt còi” nhưng vẫn ngang nhiên thi công? UBND phường Láng Hạ buông lỏng quản lý hay chủ đầu tư được thế lực nào đó đứng sau “bảo kê” nên mới lộng hành như vậy?

Thiết nghĩ, UBND quận Đống Đa, UBND TP. Hà Nội cần sớm vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm sai phạm, tránh để sự bức xúc của người dân leo thang.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

 

Ngày 4/1/2016, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có  Công văn số 06/UBND-XDGT  gửi các đơn vị liên quan của thành phố, yêu cầu tăng cường công tác quản lý TTXD đô thị, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trên địa bàn. Yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng; cung cấp giấy phép xây dựng và hồ sơ cho Thanh tra xây dựng theo dõi, kịp thời phát hiện vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Thanh tra xây dựng kiểm tra thường xuyên tất cả các công trình xây dựng, không phân biệt nguồn vốn, chủ đầu tư; có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả công trình vi phạm; thống kê các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, có kế hoạch và phương hướng xử lý dứt điểm.

Công văn cũng nêu rõ: Sẽ xử lý trách nhiệm chủ tịch xã, phường, thị trấn, đội trưởng Thanh tra xây dựng địa bàn để xảy ra nhiều công trình vi phạm, buông lỏng quản lý, có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho chủ đầu tư vi phạm.

                                                                                                                            Lê Duy

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top