KTNT - Sáng 22/8, tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Chủ trì hội nghị là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cùng các ông Châu Văn Minh (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Võ Tuấn Nhân (Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Tham dự hội nghị còn có đại diện của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế và các nhà khoa học trong cũng như ngoài nước, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của Bộ TN&MT và các sở, ngành của tỉnh Quảng Trị…
Chất lượng môi trường biển đã được điều tra, đánh giá
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Với sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các bộ ngành, các nhà khoa học và lãnh đạo của các địa phương, ngày 28 tháng 6 năm 2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã phải thừa nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường.
“Công ty đã công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, đồng thời cam kết thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương 500 triệu USD; cam kết khắc phục và không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh
Người đứng đầu Bộ TN&MT trân trọng cảm ơn nghĩa cử của nhân dân cả nước nói chung và người dân Quảng Trị nói riêng đã rất bền bỉ, bình tĩnh, luôn một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hướng xử lý của Chính phủ; đồng thời đã đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng, có trách nhiệm và các giải pháp khắc phục sự cố. Nhận thức rõ trách nhiệm chính trị trước nhân dân đối với yêu cầu cấp bách sớm khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp ngư dân tiếp tục bám biển, bảo đảm sinh kế, an toàn của người dân, phải nhanh chóng điều tra, đánh giá, công bố diễn biến, hiện trạng, chất lượng môi trường biển trong và sau khi xảy ra sự cố.
Bộ trưởng cho biết: Bộ TN&MT đã huy động một đội ngũ lớn chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đơn vị khoa học công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ - ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội và các địa phương liên quan triển khai Chương trình quan trắc chất lượng môi trường biển, đồng thời tổ chức đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển tại 4 tỉnh miền Trung với một khối lượng công việc rất lớn. Việc triển khai được dựa trên các phương pháp đánh giá hiện đại có tính khoa học cao, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm độ tin cậy.
“Kết quả quan trắc, khảo sát, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển đã được Hội đồng do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực: môi trường biển, thủy văn, địa hóa, hóa học và đại diện các Bộ, ngành liên quan và một số chuyên gia trong nước và quốc tế cho ý kiến đánh giá, nhận xét góp ý”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Công khai chất lượng nước biển để người dân được biết
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đại diện cho các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện dự án “Điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái các hệ sinh thái do sự cố môi trường gây ra tại 4 tỉnh miền Trung” báo cáo kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích biển, các hệ sinh thái biển sau sự cố môi trường; các đại biểu tham dự Hội nghị trao đổi, thảo luận thống nhất nhận định về mức độ, phạm vi an toàn của môi trường biển, với sự tham gia của đông đảo các cơ quan truyền thông sẽ thông tin một cách rộng rãi, minh bạch, khách quan tới người dân.
“Tôi luôn nhận thức được việc công bố biển sạch là rất quan trọng và cần thiết đáp ứng mong mỏi của người dân được biết môi trường biển đã sạch chưa? Vùng biển nào sạch? Vùng biển nào chưa sạch? Nuôi trồng hải sản được chưa? Hải sản an toàn chưa? để đảm bảo hoạt động sản xuất, đánh bắt, sinh kế trở lại bình thường…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại Hội nghị này, Bộ TN&MT theo chức năng và nhiệm vụ được giao sẽ công bố báo cáo về đánh giá chất lượng môi trường biển trong và sau sự cố. “Tôi đề nghị các Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT ngay sau hội nghị này tiến hành các bước theo quy định công bố đầy đủ thông tin đáp ứng nguyện vọng chính đáng nêu trên của người dân”, Bộ trưởng nói.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, bên cạnh việc tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ khu vực miền Trung, Bộ TN&MT và các địa phương sẽ triển khai đồng bộ công tác kiểm soát các nguồn thải, giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh, kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển.
Bộ trưởng cho rằng, sự tham gia của các cấp các ngành cũng như cộng đồng dân cư trong việc giám sát các nguồn thải xả ra môi trường biển, nâng cao chất lượng môi trường cũng cần được tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển 4 tỉnh miền Trung.
“Tôi hi vọng rằng, với sự quan tâm sâu sát, sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương; sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học và đặc biệt là sự nỗ lực của chính quyền và người dân khu vực bị ảnh hưởng, sự chung sức của nhân dân cả nước, môi trường và các giá trị về kinh tế, sinh thái và nhân văn của dải ven biển miền Trung sẽ sớm được phục hồi, người dân miền Trung sẽ có cả thép, cả cá và cả một môi trường biển sạch, đẹp, an toàn…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
P.V
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.