Năm 2021 nhiều khó khăn đã đi qua. Năm 2022 đến với nhiều hy vọng mới. Ai cũng mong dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, cuộc sống ổn định để phát triển kinh tế.
Kinh tế nông thôn ghi lại một số kỳ vọng của bạn đọc trong năm mới 2022.
Đa dạng hóa các kênh tiêu thụ sản phẩm
Ông Bùi Văn Cường, chủ vườn na ở xã Việt Dân (TX. Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết, trước đây, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, công việc chăm sóc cây trồng, tiêu thụ nông sản của người dân nơi đây khá thuận lợi. Tuy nhiên, hai năm nay, bà con gặp rất nhiều khó khăn như khó thuê nhân công, chi phí đầu vào tăng, sản phẩm khó tiêu thụ...
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng người dân và chính quyền địa phương đã tìm nhiều biện pháp để khắc phục, vượt qua, đạt được nhiều thành quả nhất định. Sang năm mới 2022, người trồng na ở TX. Đông Triều chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát, nông sản tiêu thụ thuận lợi, đời sống được nâng cao.
Ông Đỗ Đình Thế, Chủ tịch UBND xã Việt Dân, cho biết, năm 2021, xã đã đa dạng hóa các kênh bán sản phẩm cho người dân như chợ truyền thống, các kênh khác như bán online ở các hội nhóm trên mạng xã hội, đặc biệt là thành lập sàn thương mại điện tử. Năm 2022, tiếp tục phát huy, cố gắng phát triển hình thức bán hàng này hơn nữa.
Hàng hóa xuất sang Trung Quốc sớm được lưu thông
Ông Ngô Hùng Dũng, chủ cơ sở nuôi hàu đại dương trên địa bàn TX. Quảng Yên (Quảng Ninh), cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, người nuôi thủy, hải sản gặp nhiều khó khăn,nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Sang năm mới 2022, hy vọng các cấp chính quyền, ban ngành chức năng tìm ra giải pháp giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Không riêng địa bàn TX. Quảng Yên, các địa phương khác như Cẩm Phả, Vân Đồn… hiện có hàng nghìn hecta nuôi hàu sữa và hầu đại dương. Một năm sản lượng ước tính hàng triệu tấn, thị trường tiêu thụ trong nước rất nhỏ, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi có dịch Covid-19, Trung Quốc nhập hàng ít hơn so với mọi năm nên sản phẩm dư thừa phải bán trong nước. Trong khi giá bán trong nước thấp nên người dân giảm thu nhập.
Người dân khó khăn lại càng khó khăn hơn khi Trung Quốc vừa đóng biên, không nhập bất kỳ loại hàng gì.
Mong muốn của người dân là năm 2022 hàng hóa được lưu thông thuận lợi. Các mặt hàng nông sản có đơn vị thu mua cấp đông, giúp bảo quản tốt hơn, hàng hóa được thông quan sớm nhất...
Ra mắt thêm bột rau mix nhiều vị
Với niềm đam mê cùng sự tìm tòi, sáng tạo, từ các loại rau…, chị Ngô Thị Hiền (SN 1987, trú tại xã An Thắng, huyện An Lão, TP. Hải Phòng) đã rời bỏ công việc với mức thu nhập ổn định để về quê, khởi nghiệp cùng với bột rau sấy lạnh và thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Lineup (gọi tắt là bột Rauta). Từ đây, chị Hiền cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn và tiện lợi như: bột rau má, bột rau diếp cá, bột cần tây, bột chùm ngây, bột tía tô…
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế nông thôn, chị Hiền cho biết: “Năm 2021 là năm mà bột Rauta có những chuyển biến mạnh mẽ khi các sản phẩm của công ty tham gia các cuộc thi uy tín của TP. Hải Phòng và đạt được thành tích cao như: giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông TP. Hải Phòng lần thứ 3, năm 2020 – 2021; giải Nhì cuộc thi ươm mầm khởi nghiệp Hải Phòng năm 2021; 2 sản phẩm bột Rautau má và bột cần tây được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp thành phố và được bày bán ở các của hàng thuộc hệ thống OCOP. Cũng nhờ các cuộc thi trên mà thương hiệu bột Rauta được truyền thông rộng rãi, nhiều người biết đến. Do vậy, lượng đại lý và đơn hàng bột Rauta tăng mạnh, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng”.
Bước sang năm 2022, chị Hiền mong muốn sản phẩm được làm ra từ niềm đam mê, sự cầu toàn của chị sẽ tiếp tục được thị trường đón nhận và mở rộng hơn nữa. Đồng thời, chị sẽ cho ra mắt thêm các dòng sản phẩm bột rau mix các loại hoa quả, mật ong…, tùy theo khẩu vị và thị hiếu của người tiêu dùng.
“Tôi sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng nhà xưởng sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu và mở rộng các đại lý, nhà phân phối… Tôi cũng rất mong trong quá trình thực hiện dự định trong năm mới, sẽ nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, để sản phẩm bột rau có chỗ đứng trên thị trường”, chị Hiền chia sẻ.
Kiểm soát được dịch bệnh
Tiểu thương bán hàng chả cá tại chợ Cát Bi, chị Trần Thị Ánh (địa chỉ 30/139 Nguyễn Văn Hới, phường Thành Tô, quận Hải An, TP. Hải Phòng) chia sẻ: “Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc kinh doanh các mặt hàng của tôi gặp nhiều khó khăn, cả về nguyên liệu đầu vào lẫn đầu ra của sản phẩm. Người dân đến chợ giảm sút, nhiều mặt hàng ế ẩm.
Sang năm 2022, tôi hy vọng Việt Nam kiểm soát tốt được dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, buôn bán. Đồng thời, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ tiểu thương để phục hồi kinh doanh”.
Nông dân sớm tiếp cận nguồn vốn
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Lào Cai (Lào Cai), cho biết: Năm 2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Với góc độ là lãnh đạo phụ trách công tác Hội và phong trào nông dân của thành phố, tôi nhận thấy nhân dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.
Đời sống một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng do thiếu việc làm, đặc biệt là đối với các hộ dân thiếu đất canh tác; thu nhập giảm sút do sức tiêu thụ, giá các loại nông sản đều giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh; vùng sản xuất nông sản, thực phẩm chính trên địa bàn thành phố như: Thống Nhất, Cốc San có nhiều mặt hàng cần chung tay tiêu thụ. Bên cạnh đó, giá vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp đều tăng, nhân dân lại gặp khó khăn về vốn nên việc duy trì, mở rộng quy mô sản xuất là rất khó, đặc biệt là các hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn các xã Thống Nhất, Cốc San, Nam Cường, Duyên Hải…
Trước những giải pháp đúng đắn, căn cơ trong công tác phòng chống dịch của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và ngành dọc cấp trên đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chúng tôi mong muốn và kỳ vọng năm 2022, đời sống kinh tế - xã hội sẽ được phục hồi tích cực; khó khăn, vướng mắc của nhân dân trên địa bàn trong việc tiếp cận nguồn vốn, diện tích đất để mở rộng quy mô sản xuất quy hoạch phát triển nông nghiệp… được tháo gỡ.
Các cấp có thẩm quyền sẽ quan tâm hơn nữa tới công tác hướng dẫn triển khai cơ chế hỗ trợ của tỉnh, thành phố, đồng thời có cơ chế đặc thù hỗ trợ nhân dân trên địa bàn về vốn, kỹ thuật… để đầu tư các dự án, mô hình về chăn nuôi, trồng trọt, nhất là các mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; có chỉ đạo và đề ra những giải pháp cụ thể triển khai, thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết “6 nhà” trong lĩnh vực nông nghiệp để phát triển nền nông nghiệp bền vững, theo hướng hàng hóa chất lượng cao.
Ngành Du lịch sớm phục hồi
Cơ sở của gia đình ông Trần Chí Thành, chủ điểm du lịch vườn đá Tả Phìn (Sapa, Lào Cai), kinh doanh du lịch là khu nhà vườn sinh thái rộng gần 2ha có khu vườn trồng hoa và rau củ mùa nào thức nấy, khu nuôi cá các loại: trắm, chép, cá hồi, cá tầm... phục vụ khách ăn du lịch. Mô hình dịch vụ khép kín với 20 phòng tắm lá thuốc người Dao, phòng nghỉ, nhà hàng kiểu homestay, cơ sở hàng năm đón khá nhiều du khách. Lượng khách nước ngoài chiếm 60%. Cơ sở luôn duy trì và tạo việc làm cho 10-15 người là bà con dân tộc địa phương với mức lương 5-10 triệu đồng/người/tháng. Trong 2 năm 2020-2021, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng trầm trọng đến du lịch, lượng khách nước ngoài giảm, khách nội địa duy trì 10% so với khi trước, kéo theo số lao động không có việc làm giảm 50%.
Đến nay, khu nhà vườn không có khách, không có doanh thu trong khi cơ sở vật chất xuống cấp, nợ lãi ngân hàng không có nguồn trả, nhân công lao động thất nghiệp khiến chúng tôi rất khó khăn.
Mặc dù ngân hàng đã giảm lãi suất để hỗ trợ cơ sở nhưng giảm ít, đã hết thời gian giảm nên việc vận hành, duy trì một khu tổ hợp nhà vườn như thế này vẫn cần ngân hàng hỗ trợ giảm thêm lãi suất và kéo dài thời gian hỗ trợ.
Chúng tôi mong muốn năm 2022, 100% người dân được tiêm đủ vaccine, các cơ sở du lịch mở cửa đón khách trong và ngoài nước. Giao thương được nối lại, các đường bay quốc tế được mở, dịch bệnh được kiểm soát để ngành du lịch có cơ hội phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, cơ sở mong muốn Nhà nước tiếp tục duy trì nguồn lãi suất ưu đãi từ phía các ngân hàng cho đến khi kiểm soát được dịch bệnh.
Hy vọng sẽ có nhiều nhà máy chế biến và sản phẩm từ cam
Trang trại cam của ông Trương Văn Biên, ở xã Đồng Thành (Yên Thành - Nghệ An) có diện tích 5ha, trong đó 80% trồng giống cam Xã Đoài lòng vàng, 20% là giống cam Vân Du, dự kiến vụ này sản lượng đạt gần 1.500 tấn. Trang trại đã chủ động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước; tham gia giới thiệu sản phẩm ở hội chợ tại địa phương, các hội nghị kết nối tiêu thụ. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đã ký ghi nhớ với sàn thương mại điện tử voso.vn, postmart,... để giới thiệu và bán sản phẩm cam Vinh trên sàn thương mại điện tử. Tuy vậy, vào chính vụ thu hoạch, tình hình tiêu thụ cam của trang trại vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ông Biên cho biết, kênh tiêu thụ chính của trang trại là do thương lái địa phương thu mua và tiêu thụ. Đặc biệt, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khâu tiêu thụ lại càng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, những năm gần đây, diện tích trồng cam trên địa bàn tăng mạnh, vào chính vụ thu hoạch, tình hình tiêu thụ càng thêm khó khăn và vẫn có hiện tượng “được mùa mất giá”.
Từ lâu, cam Vinh đã trở thành thương hiệu nổi tiếng được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Dù phát triển mạnh về diện tích cũng như sản lượng nhưng đầu ra cho cam Vinh vẫn phụ thuộc vào thương lái. Đến nay, Nghệ An vẫn chưa có cơ sở chế biến, tiêu thụ cam quy mô lớn.
Ông Biên mong muốn, thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền trong việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ cam Vinh. Xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm từ cam trên địa bàn tỉnh nhằm liên kết sản xuất cam nguyên liệu phục vụ chế biến; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bà con nông dân. Thực hiện kết nối với các tập đoàn kinh doanh, hệ thống siêu thị, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng trên cả nước để hương vị cam Vinh bay xa hơn, xâm nhập vào các thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển thương hiệu “cam Vinh”, và giúp cho những trang trại cam có “mùa vàng” bội thu.
Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Thương mại An Việt Dương Chí Việt chia sẻ, năm 2021 là năm đất nước, nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đơn vị chúng tôi cũng không nằm ngoài.
Mong năm mới 2022, dịch bệnh Covid-19 sớm được đẩy lùi, kinh tế phát triển ổn định… Một năm mới bình an cho gia đình, những người thân yêu và tất cả mọi người. Cảm ơn đội ngũ công nhân, người lao động đã cùng ban lãnh đạo công ty vượt qua khó khăn trong năm qua.
Kỳ vọng sang năm mới, Chính phủ sẽ có những chính sách và giải pháp hợp lý để thực hiện mục tiêu kép, vừa đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho người dân, vừa phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Có chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư…
Tôi cũng rất hy vọng một năm mới với những dự định mới, việc mở rộng sản xuất, kinh doanh của chúng tôi sẽ thành công tốt đẹp.
Ngành Nông nghiệp Thừa Thiên - Huế phấn đấu tăng trưởng trên 3%
Đó là dự báo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế về sự phát triển của ngành trong năm 2022.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự báo, năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như: biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán, xâm nhập mặn có thể sẽ diễn biến phức tạp; dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại…
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 sẽ làm gia tăng giá vật tư, đầu vào ảnh hướng đến hiệu quả kinh tế đối với sản xuất nông nghiệp; việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, để duy trì tăng trưởng, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống, trong năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đặt ra nhiều chỉ tiêu. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng phấn đấu đạt trên 3%; sản lượng lương thực có hạt trên 330 nghìn tấn (lúa 324 nghìn tấn); sản lượng thịt hơi các loại trên 31 nghìn tấn; sản lượng thủy sản trên 60 nghìn tấn; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt 93%.
Ông Đức cho biết, để thực hiện được các mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đề ra và sẽ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: cập nhật, trao đổi thông tin giữa các địa phương, các ngành và nội bộ ngành để giải quyết nhanh những vướng mắc trong thực tiễn; Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; Tiếp tục tổ chức sản xuất theo hướng liên kết trong sản xuất; Cơ cấu lại các lĩnh vực của ngành…
Giá thức ăn chăn nuôi giảm, người chăn nuôi mới có lãi
Đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ông Hoàng Ngọc Rạng ở thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu (Cam Lộ - Quảng Trị) vẫn cố gắng bám trụ với nghề và có nhiều kỳ vọng vào năm 2022.
Bất chấp dịch bệnh, mô hình nuôi trâu cột của ông Rạng có khoảng 30 con, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, trọng lượng đạt 200 – 300 kg/con, thu về 30 - 40 triệu đồng/con.
Sang năm mới, ông mong dịch bệnh Covid-19 sớm được kiểm soát, cuộc sống ổn định, giá thức ăn chăn nuôi giảm, sức mua tăng, người chăn nuôi có lãi.
Ngoài ra, ông sẵn sàng chia sẻ bí quyết chăn nuôi thành công với người dân địa phương nhằm nhân rộng mô hình.
Chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp cần quan tâm hỗ trợ kỹ thuật trong ủ thức ăn, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng và điều trị để nâng cao chất lượng chăn nuôi cho người dân.
Ông Trần Vũ Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ, đánh giá: “Đây là mô hình chăn nuôi tiêu biểu của địa phương, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, cho kết quả kinh tế khá tốt, tạo nguồn thu nhập ổn định, an toàn, ít rủi ro, đảm bảo nguồn vốn cho hộ kinh doanh chăn nuôi. Vì vậy, Hội Nông dân huyện thúc đẩy nhân rộng mô hình này trên địa bàn, nhằm tạo tính liên kết, tăng mức ổn định và thuận lợi cho hộ chăn nuôi. Vừa qua, Hội Nông dân đã đứng ra bảo lãnh tạo điều kiện vay vốn chính sách mở rộng chuồng trại và quy mô chăn nuôi”.
Kiểm soát được vật tư đầu vào
Bình Kiến là vùng trọng điểm về cây cảnh của TP. Tuy Hòa (Phú Yên). Phần lớn các hộ dân ở đây mưu sinh bằng nghề trồng mai, quất, cây cảnh... Gia đình ông Nguyên Văn Kiệt cũng không ngoại lệ.
Theo ông Kiệt, thông thường hàng năm, đến thời điểm bắt đầu năm mới dương lịch, chúng tôi gần như đã bán hết vườn cho thương lái, chỉ nhận chăm sóc giúp, chờ đến ngày họ đưa xe tải đến lấy hàng. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương lái vắng bóng, nhà vườn ế ẩm. Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng chúng tôi chỉ bán được vài chục chậu mai, quất. Đó là thương lái quen gọi điện đặt trước chứ cũng chưa đặt cọc, chốt hàng.
Dịch Covid-19 tác động quá lớn đến mọi mặt đời sống, nông dân chúng tôi càng bấp bênh hơn. Do đó, mong muốn lớn nhất của ông Kiệt trong 2022 là dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục, kinh tế phát triển, thu nhập của người dân được nâng lên. Có như vậy, mỗi khi Tết đến Xuân về, người dân mới nô nức đi chọn mua mai, quất, cây cảnh… về chưng Tết, nhà vườn chúng tôi mới có thu.
Ngoài ra, ông Kiệt mong muốn chính quyền có giải pháp kiểm soát giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đây là các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng thời gian qua, giá tăng quá cao, làm tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nông dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh không bán được hàng, khiến các nhà vườn đã khó càng thêm khó.
Mong mùa màng bội thu
“Bước sang năm mới 2022, nông dân chúng tôi không có mong ước gì hơn là có một năm mưa thuận gió hòa, không xảy ra thiên tai, dịch bệnh, mùa màng bội thu. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và sâu rộng, giúp bộ mặt nông thôn Đắk Nông ngày càng thêm khởi sắc”, ông Mai Văn Phúc ở xã Trường Xuân (Đắk Song - Đắk Nông) cho biết.
Ông Phúc cũng như bao bà con khác mong các loại nông sản sẽ “trúng mùa, được giá”, người nông dân có thu nhập ổn định, cuộc sống sung túc. Mong chính quyền địa phương sẽ có những quyết sách lớn hỗ trợ nhà nông trong việc tiêu thụ nông sản, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều vào nông nghiệp - nông thôn, nhất là lĩnh vực chế biến; hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho hộ nông dân gặp khó khăn…
Các ngành chức năng của tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ về vốn sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, tìm ra cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương, có thị trường tiêu thụ…
Đặc biệt, ông Phúc mong rằng, dịch Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi để kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch
Nhận định về hướng phát triển nền nông nghiệp trong năm 2022, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết, hiện trên địa bàn huyện Nhơn Trạch được UBND tỉnh quy hoạch vùng phát triển Tiểu vùng đô thị mới – công nghiệp – dịch vụ cảng. Được định hướng phát triển mạnh các loại hình hoa cây cảnh, cá cảnh, dịch vụ nông nghiệp, mảng xanh đô thị tại các đô thị được quy hoạch hình thành; khu vực ven đô phát triển các loại hình nông nghiệp như: rau an toàn, nấm ăn, nuôi thủy sản giống, sản xuất cây giống nông - lâm nghiệp, theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao; bảo vệ rừng phòng hộ kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.
Đồng thời, phát triển các loại hình phù hợp với nông nghiệp đô thị như trồng rau an toàn, rau thủy canh, rau trong nhà lưới, hoa cây cảnh. Phát triển các vườn cây ăn quả kiểu mẫu, kết nối tour du lịch đường sông, du lịch sinh thái với các di tích lịch sử và khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn.
Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, huyện tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thị trường tiêu thụ sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, toàn cầu để phát triển du lịch sinh thái, phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.