Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 1 năm 2019 | 15:20

Một thời để nhớ của những người lính tình nguyện

Vào những ngày đầu năm 2019, chúng tôi có dịp được gặp, được nghe hai nhân chứng sống, đã góp phần điểm tô cho trang sử bi tráng, oai hùng và đầy gian lao, thử thách trên đất nước Campuchia.

ng-lê-công-tuấn-chiến-sỹ-đại-đội-2-tiểu-đoàn-83-chia-sẻ-kỷ-niệm-những-ngày-trên-đất-bạn.JPG
Ông Lê Công Tuấn.

40 năm trôi qua kể từ ngày Quân tình nguyện Việt Nam cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt (7/1/1979), vào những ngày đầu năm 2019, chúng tôi có dịp được gặp, được nghe hai nhân chứng sống, đã góp phần điểm tô cho trang sử bi tráng, oai hùng và đầy gian lao, thử thách trên đất nước Campuchia.

Sẵn sàng lên đường nhập ngũ 

Ông Lê Công Tuấn (sinh năm 1960) là con trai còn lại duy nhất của một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Cẩm Thanh (TP.Hội An - Quảng Nam).

Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước, tháng 11/1976, gia đình ông Tuấn đăng ký đi xây dựng kinh tế mới ở thôn 2, xã Hòa Phong (Krông Bông - Đắk Lắk). Khi  xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, ông luôn trăn trở: Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, những thế hệ cha anh đi trước dù chưa được ngơi nghỉ, vậy mà khi Tổ quốc cần, họ vẫn tiếp tục tái ngũ. Vì thế, mặc dù vẫn còn thời gian được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, nhưng tháng 9/1978, nhận được lệnh gọi của Ban chỉ huy quân sự huyện, ông sẵn sàng lên đường… Sau thời gian huấn luyện quân sự, ông được bổ sung vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 83 Đắk Lắk, tham gia giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chính quyền Pôn Pốt.

Ông Tuấn nhớ lại: Để chuẩn bị cho việc toàn chiến trường đồng loạt tấn công quân Pôn Pốt theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ngày 25/12/1978, đơn vị của tôi vượt sông Sêrêpôk sang đất bạn. Đến nơi, khi đã ổn định, đúng vào lúc 7 giờ tối ngày 31/12/1978, đơn vị gồm 2 đại đội C2 và C3, thuộc Tiểu đoàn 83 được lệnh hành quân đến điểm E, tỉnh Mundulkiri ém quân chờ nổ súng. Do trời tối lại phải di chuyển trong rừng nên đến 2 giờ sáng 01/01/1979, trinh sát của ta mới xác định đúng vị trí đóng quân của chúng. Sau đó, toàn đơn vị để lại quân tư trang tại chỗ và áp sát cách mục tiêu 20 mét. Do phần lớn chiến sỹ trong đơn vị mới tham chiến lần đầu lại chưa thông thạo địa hình  nên nhiều người vào quá sâu, chỉ còn cách địch khoảng 5 mét… Để bảo đảm an toàn, bí mật, dù trời mùa đông giá lạnh, lại bị muỗi cắn, thậm chí có người còn bị quân Pôn Pốt tiểu tiện lên đầu, nhưng vẫn phải nằm im chịu đựng.

Lực lượng của Pôn Pốt đóng quân tại điểm E có trên 1 tiểu đoàn với hỏa lực mạnh gồm B40, B41, cối 81 và cối 82 cùng hệ thống công sự kiên cố… Đúng 5 giờ sáng 01/01/1979, lệnh khai hỏa được truyền đi, ta chủ động nổ súng tấn công, quân Pôn Pốt chống trả quyết liệt, nhưng chỉ trong 2 giờ giao tranh, ta chiếm lĩnh được cứ điểm, quân Pôn Pốt số bị tiêu diệt, số tháo chạy thoát thân…

Trong trận này, có một kỷ niệm mà mãi mãi ông không bao giờ quên, đó là hình ảnh liệt sỹ Nguyễn Đãi, người đồng hương và cùng nhập ngũ chung một ngày. Trong lúc chiến đấu với quân Pôn Pốt, ông Đãi bị trúng đạn B40 của địch, ông vội xông tới đỡ đồng đội lên, nhưng ông Đãi  ngước mắt nhìn ông chưa kịp nói lời trăn trối đã hy sinh ngay trên cánh tay của ông. Dù thương xót cho người đồng đội mới hơn 3 tháng tuổi quân nay ra đi mãi mãi không về, ông chỉ kịp vuốt mắt rồi đặt đồng đội nằm xuống, tiếp tục cùng đơn vị chiến đấu.

Là chiến sỹ gan dạ, 6 tháng sau ông Tuấn được cấp trên cử giữ chức A trưởng. Ông đã cùng đồng đội tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, tiêu biểu là trận đánh năm 1980 ở Cô Nhéc, bản thân ông tiêu diệt được 3 tên Pôn Pốt, sau đó ông được đơn vị bình bầu đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Tiểu đoàn, được tặng thưởng Huy hiệu Dũng sỹ giữ nước và được phong hàm Thượng sỹ, chức vụ Trung đội phó. Năm 1982, ông xuất ngũ với hàm Thiếu úy Sỹ quan dự bị động viên…

Hai lần chết hụt

Cũng là người lính quân tình nguyện, tháng 9/1982, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Đỗ Văn Lát nhập ngũ vào Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 94, Sư 307, QK5; hiện nay ông là Thôn trưởng Thôn 1, xã Hòa Phong.

 

ng-đỗ-văn-lát-chiến-sỹ-tiểu-đoàn-5-trung-đoàn-94-sư-307.JPG
Ông Đỗ Văn Lát.

Ông chia sẻ: Sau 3 tháng miệt mài nơi thao trường An Sơn - Bình Định, đơn vị ông được điều động sang nước bạn theo đường sông Mê Kông, qua Viêng Chăn (Lào), sau đó  băng rừng qua Prết-vi-hia (Campuchia). Đến nơi đóng quân, ông được đơn vị cử đi học nghiệp vụ kế toán và phân công làm ở bộ phận  hậu cần. Tuy không trực tiếp chiến đấu ở phía trước, nhưng nhiệm vụ của bộ phận hậu cần cũng hiểm nguy không kém, thường xuyên đi ở phía sau hỗ trợ cho tuyến trước vận chuyển đạn dược, tải thương, chuyển những đồng đội hy sinh về phía sau chôn cất…   

Tháng 3/1984, ông được trực tiếp tham gia cùng với đồng đội trong Trung đoàn 94, đánh vào điểm cao 547 (một căn cứ của quân Pôn Pốt, tổ chức phòng ngự chặt chẽ nằm về phía Tây chùa Prết-vi-hia). Sau 1 ngày 1 đêm chiến đấu, ta đã đã làm chủ trận địa, tiêu diệt hàng chục tên địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược…, gây cho chúng nhiều tổn thất. Riêng đối bản thân ông, đã hai lần chết hụt, lần thứ nhất trên đường hành quân đến điểm cao 547, quân Pôn Pốt đã bắn đạn pháo chỉ cách đoàn quân khoảng 10 mét, 1 chiến sỹ đi trước và 1 chiến sỹ đi sau ông hy sinh, ông đi giữa may mắn chỉ bị sức ép nên vẫn tiếp tục hành quân. Lần thứ hai ông ra suối lấy nước về uống, nhưng địch đã rải chất độc xuống nước từ trước, nên khi uống xong, ông bị ngộ độc. Giữa lúc “thập tử nhất sinh”, ông may mắn được các y, bác sỹ dùng thuốc xổ để cứu và điều kỳ diệu đã đến với ông. Lúc này, ở gia đình, nhận được tin báo của đồng đội, ông đã hy sinh, về sau khi biết tin ông còn sống, mọi người vỡ òa trong niềm hạnh phúc…

Đại tá Trần Hoa, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lăk, nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn 83, nhận xét: Nếu như trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp lớp  thanh niên, sinh viên miền Bắc sẵn sàng xếp bút nghiên “Xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước”, đã trở thành huyền thoại,  thì trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, những thế hệ thanh niên Đắk Lắk nhập ngũ từ năm 1978 đến năm 1989 cũng đã để lại nhiều dấu ấn… Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ không toan tính thiệt hơn, hăng hái lên đường làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn, giúp đồng bào của bạn thoát khỏi họa diệt chủng, có nhiều người sau này trở thành cán bộ cấp cao trong quân đội và cũng có những người ra đi mãi mãi không về. Vì tình hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia, họ đã vượt qua mọi gian lao, khó khăn, thiếu thốn, chiến đấu và chiến thắng, xứng danh người lính Cụ Hồ…

 

 

 

Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top