Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua cùng với thủy điện xả nước, khiến hàng ngàn hecta lúa đông xuân thời kỳ làm đòng, chuẩn bị trổ đại trà cùng hoa màu ở tỉnh Thừa Thiên- Huế bị ngập úng nặng và có nguy cơ bị mất trắng.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh, nhiều ngày qua ở Thừa Thiên- Huế xảy ra đợt mưa kéo dài, lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100-250mm, có nơi trên 300mm. Mưa lớn kéo dài, khiến các hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, A Lưới, hồ thủy lợi Tả Trạch phải điều tiết nước qua tràn và tuabin.
Ông Hoàng Chiến, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), cho biết, mưa lớn nước dâng cao đã gây ngập úng hơn gần 300ha lúa đông xuân thuộc khu vực nội đồng của Hợp tác xã. Nếu tình trạng ngập úng này kéo dài 4 – 5 ngày nữa thì diện tích nguy cơ mất trắng hoàn toàn.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền Ngô Văn Dinh, toàn huyện có hơn 3.500 ha lúa vụ đông xuân đang thời kỳ trổ bông bị lũ trái vụ nhấn chìm, trong đó 2.391ha ngập hoàn toàn, nguy cơ hư hại nặng. Huyện Quảng Điền cũng có 331/727ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ. Cùng với việc đắp đập khơi thông kênh mương, hiện Quảng Điền đã huy động tất cả các trạm bơm, máy bơm dầu hoạt động hết công suất để tiêu úng cứu lúa.
Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết, toàn huyện có 3.658 ha lúa bị ngập úng, đổ ngã; 213 ha lạc; 434 ha sắn, 384 ha đậu đỗ, dưa và 34,7 ha nuôi tôm đầm phá cũng đang bị ngập úng nặng.
Quốc lộ 49 B đoạn qua địa bàn các xã Phong Hòa, Phong Bình,… bị ngập nhiều đoạn, mức ngập sâu nhất khoảng 0,7 m. Tỉnh lộ 11B đoạn qua xã Phong Xuân bị ngập úng một số điểm, mức ngập sâu nhất 0,5 m. Tỉnh lộ 17 đoạn thị trấn Phong Điền đến xã Phong Mỹ và Tỉnh lộ 6 đoạn từ thị trấn Phong Điền đến xã Phong Hòa: nước ngập 0,5 - 0,7 m. Nhiều tuyến đường liên thôn, trục thôn các xã ngập cục bộ…; hệ thống kênh mương và đê bao tại các ô bị ngập sâu.
Còn tại thị xã Hương Thuỷ, theo thống kê sơ bộ, hơn 1.700ha lúa ở các xã, phường: Thủy Châu, Thủy Lương, Thủy Dương, Thủy Tân, Thủy Thanh, Thủy Phù chìm trong nước. Ngoài ra, 1,5km đê bao ở xã Thủy Phù, 700m đê bao ở phường Thủy Dương và 350m đê bao ở phường Thủy Phương sạt lở nghiêm trọng. Hiện, chính quyền địa phương đang cùng người dân khẩn trương gia cố các đê đập chống tràn.
Nhằm cứu lúa đổ, hạn chế thiệt hại năng suất, sản lượng, chính quyền địa phương Thừa Thiên- Huế đang huy động lực lượng, máy móc khẩn trương tháo nước các vùng đồng ruộng bị ngập sâu để cứu lúa. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã điều động hàng chục cán bộ, chiến sĩ cơ động về địa phương phối hợp với người dân tổ chức đắp đê, ngăn lũ cứu lúa sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên- Huế, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên trên địa bàn đã xảy ra mưa to và rất to trên diện rộng, gây ngập úng, chia cắt nhiều tuyến đường, ảnh hưởng nặng nề giao thông qua lại. Toàn tỉnh hiện có hơn 28.000 ha lúa đang thời kỳ trổ bông, trong đó hơn một nửa diện tích bị gãy đổ và ngập úng, hư hại. Trước đó, một trận lốc xoáy quét qua xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) làm 4 người bị thương, 27 nhà tốc mái, chìm 7 ghe thuyền.
Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên- Huế, đây là đợt mưa có lượng và cường độ lớn, lũ trái mùa. Do đó, đề nghị theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin, bản tin cảnh báo, dự báo, chủ động tránh xa khu vực có nguy cơ cao xảy ra, lũ quét, sạt lở đất, có các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.