Hiện nay, khu vực miền núi phía Bắc đang có mưa lớn gây sạt lở đất, ngập lụt tại các khu vực trũng thấp ven sông. 3 tỉnh Đông Bắc bộ là Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh sáng nay nhiều nơi bị ngập sâu trong nước do trận mưa lớn kéo dài từ đêm 9/5.
Chủ động sơ tán người dân
Theo dự báo, từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 10 - 11/5, Bắc bộ tiếp tục có mưa lớn từ 30-60mm/24h, có nơi trên 100mm/24h; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai gửi công văn tới Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc.
Theo đó, Ban Chỉ đạo đề nghị theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Đồng thời, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại.
Cùng với đó, trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Lạng Sơn có 1 người chết, hơn 1.500ha hoa màu bị ngập
Tỉnh Lạng Sơn do ảnh hưởng của nam rãnh thấp kết hợp hội tụ gió trên cao nên 2 ngày qua có mưa rào nhiều nơi, mưa to có nơi mưa rất to và dông, như Bắc Sơn 216,0mm, TP Lạng Sơn 116,0mm, Mẫu Sơn 67,0mm, Thất Khê 58,0mm, Đình Lập 23,0mm, Hữu Lũng 20,0mm.
Theo báo cáo nhanh của Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành phố, tính đến thời điểm 10 giờ 00 ngày 10/5/2022, tỉnh Lạng Sơn có 1 người chết tại thôn Khau Bao, xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn (Triệu Thị Lan, sinh năm 1982) do sạt lở đất vào nhà. Mưa lớn cũng gây thiệt hại về nhà cửa, làm sập, đổ 08 nhà, 169 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất vào và bị ngập, trên 43 hộ bị nước ngập vào nhà, chiều cao ngập từ 10-50cm; di dời 27 hộ.
Diện tích lúa và hoa màu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bị ngập cục bộ 1.507,0 ha; Diện tích thủy sản bị cuốn trôi khoảng 3,0 ha.Gia súc có 06 con bị trôi (ngựa 01 con; lợn 05 con).
Trận mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường ngập úng cục bộ, ách tắc như huyện Cao Lộc, Tràng Định, Văn Lãng, Bắc Sơn, Chi Lăng... (đường tỉnh 234; 234b; 239; 229: đường huyện: 24, 28, 80A, Quốc lộ 1A; 11 cầu dân sinh bị ngập; 05 điểm bị chia cắt, cô lập).
Về công nghiệp có 13 cột điện bị đổ, gãy. Hiện, UBND các huyện, thành phố đang tiến hành kiểm tra, rà soát về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Để khắc phục những thiệt hại trên, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn và các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tại các địa bàn chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát phương án phòng chống thiên tai, nhất là phương châm "4 tại chỗ". Tăng cường cảnh báo, thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để nhân dân biết và chủ động phòng tránh.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh kịp thời chuyển các bản tin cảnh báo thời tiết, đồng thời đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác trực ban 24/24h. Đôn đốc các đơn vị tiến hành tổng hợp thiệt hại.
Đồng thời, giao Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tại các địa bàn ngập úng cục bộ, các điểm xung yếu trên địa bàn, tiến hành tổng hợp thiệt hại.
Bắc Giang, Quảng Ninh nhiều nơi ngập sâu
Do mưa lớn kéo dài liên tục từ đêm 9/5, kết hợp với lũ lớn từ Lạng Sơn đổ về nên nhiều xã vùng cao của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bị ngập nặng. Ước tính có hơn trăm ngôi nhà bị ngập.
Hàng trăm ha vải thiều và hoa màu cũng bị ngập úng. Nhiều cột điện hạ thế bị lũ làm gãy khiến một số thôn tại các xã: Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Vân, Sa Lý bị mất điện. Nước chảy siết làm nhiều tuyến đường huyện, tỉnh, liên xã bị ngập cục bộ, các phương tiện giao thông không thể qua lại.
Để ứng phó với mưa lũ, lãnh đạo UBND huyện, Công an huyện Lục Ngạn đã cử hàng chục cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường hỗ trợ di chuyển người và tài sản lên vị trí an toàn. Chính quyền các địa phương đã khuyến cáo nhân dân không lội qua sông, suối khi nước đang chảy xiết. Nếu gặp nước lũ ngập vào nhà cần nhanh chóng ngắt cầu giao điện để tránh bị điện giật, chập cháy; nếu nước dâng quá cao nhanh chóng tìm cách di chuyển lên vị trí an toàn.
Trong tình trạng tương tự, từ đêm 9/5 đến trưa ngày 10/5 địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng có mưa lớn trên diện rộng, gây ngập lụt nhiều khu vực ở Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn.
Trước tình hình mưa lũ trên địa bàn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường chỉ đạo các địa phương chủ động, triển khai ngay các phương án phòng chống lụt bão.
Tăng cường quản lý tốt các khu vực sông suối. Rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để bảo đảm an toàn; chuẩn bị lực lượng phương tiện, trang thiết bị phòng lụt bão theo phương châm "bốn tại chỗ" để ứng phó với bão lũ, ngập lụt trên diện rộng khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi.
Hiện, Quảng Ninh chưa có thống kê về thiệt hại do mưa lớn gây ra.
|
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.