Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều cơ sở phải dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Do lơ là nên các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Tăng cường kiểm tra chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt
Theo chỉ huy CAH Gia Lâm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ như: sự cố hệ thống điện; sơ xuất, bất cẩn sử dụng lửa, nhiệt…
Bên cạnh đó, lực lượng thường trực sẵn sàng chữa cháy chủ quan, lơ là, phương tiện chữa cháy tại chỗ không bảo dưỡng định kỳ; công tác tuyên truyền và tổ chức thực tập các phương án chữa cháy định kỳ, công tác tự kiểm tra PCCC không thực hiện thường xuyên...
Từ thực trạng này dẫn đến khi có cháy, nổ xảy ra dễ gây ra cháy lớn và thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.
Xác định nhiệm vụ phòng ngừa cháy, nổ, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt để bảo đảm an toàn PCCC trong thời gian dừng, hoặc tạm dừng hoạt động do Covid-19, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Gia Lâm đã yêu cầu người đứng đầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ cần thực hiện tốt những nội dung:
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện an toàn PCCC tại đơn vị mình quản lý.
Thường xuyên tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC, cũng như các biện pháp PCCC cơ bản cho cán bộ, công chức và người lao động; thường xuyên tổ chức công tác tự kiểm tra về công tác PCCC để kịp thời khắc phục những thiếu sót về PCCC.
Tăng cường kiểm tra chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt có thể gây cháy, nổ.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng hệ thống điện, không phát sinh thêm các thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế, đảm bảo không để chập điện, quá tải gây cháy điện trở tiếp xúc; hết giờ làm việc phải ngắt điện từng khu vực;
Cần bố trí sắp xếp hàng hóa ở trong kho bảo đảm khoảng cách PCCC theo quy định, cũng như lối và đường thoát nạn; thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện chữa cháy tại chỗ bảo đảm về số lượng, chất lượng và bảo dưỡng định kỳ theo đúng quy định;
Tăng cường công tác tuần tra, canh gác bảo vệ cơ quan, nhất là vào ban đêm, cũng như ngoài giờ làm việc, các ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.
Đặc biệt, khi xảy ra cháy, nổ phải kịp thời phát hiện và báo động cho mọi người xung quanh biết.
Nhanh chóng tìm mọi cách ngắt nguồn điện nơi xảy ra cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ được trang bị để dập tắt đám cháy, ngăn chặn chống cháy lan.
Khẩn trương cứu người bị nạn và di chuyển tài sản theo phương án, tình huống đã dự kiến. Đồng thời, bằng mọi cách nhanh nhất thông báo tới người quản lý trực tiếp biết, gọi điện thoại báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114, hoặc ứng dụng HELP 114, đến tham gia chữa cháy.
Cùng với đó, trong nhiệm vụ thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, các cơ sở cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để góp phần ổn định sản xuất, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Giảm nguy cơ cháy tại các kho, bãi chứa hàng hóa tại quận Long Biên
Do nhiều nhà máy tạm ngưng hoạt động trong thời gian dài vì dịch bệnh Covid-19, nên lượng hàng hóa tồn nhiều tại các kho, bãi, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác năm 2021, Công an quận Long Biên đã phối hợp với UBND các phường khảo sát, kiểm tra việc đảm bảo an toàn PCCC trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và tiếp tục diễn biến phức tạp.
Qua công tác khảo sát, kiểm tra, nhắc nhở, đơn vị chức năng nhận thấy các cơ sở đều rất khó khăn trong việc duy trì hoạt động do các nguồn chi phí nhập hàng, vận tải đều rất eo hẹp, hàng tồn không xuất được, lượng hàng chất trong kho lớn.
Được nhắc nhở, các doanh nghiệp càng ý thức hơn về sự cấp thiết và quan trọng của công tác PCCC tại cơ sở của mình.
Một số doanh nghiệp có số hàng tồn lớn, sắp xếp chưa khoa học, đã được các thành viên của đoàn kiểm tra yêu cầu phải thường xuyên duy trì người trông coi nhằm phát hiện kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn PCCC, Công an quận Long Biên đã khuyến cáo các cơ sở kho, bãi hàng hóa thực hiện tốt việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; ngắt các nguồn điện không cần thiết khi không sử dụng; định kỳ kiểm tra các phương tiện phòng cháy, chữa cháy được trang bị tại cơ sở nhằm xử lý kịp thời khi có cháy nổ xảy ra, không để hậu quả nghiêm trọng.
Không chủ quan phòng cháy rừng mùa hanh khô
Thời tiết diễn biến thất thường cùng với sự bất cẩn từ cộng đồng chính là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy rừng ở Hà Nội thời gian qua. Hiện, đang là mùa hanh khô với nguy cơ cháy rừng cao, đòi hỏi các địa phương, lực lượng chức năng và người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng.
Từng tham gia hầu hết các cuộc chữa cháy rừng, ông Ngô Xuân Thanh - Đội cơ động PCCC rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ Hà Nội tỏ ra lo ngại về năng lực cũng như tâm lý chủ quan trong công tác PCCC rừng của người dân địa phương. "Mùa hanh khô, dù đã được cảnh báo khả năng xảy cháy thường xuyên theo các cấp độ nhưng nhiều người, nhất là khách du lịch vẫn mang nguồn lửa hay đốt lửa gần các khu rừng. Nếu không được phát hiện, dập tắt sớm, việc cháy lan rộng khó tránh khỏi" – ông Thanh nói.
Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra 12 vụ cháy rừng, gây thiệt hại tổng diện tích 26,3ha. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ cháy rừng giảm 1 vụ, nhưng số điểm cháy tăng 4 và diện tích rừng bị cháy cũng tăng 11,47ha. Điều đáng lưu ý là cơ quan chức năng chỉ xác định được nguyên nhân của 3 vụ, còn lại chưa xác định được nguyên nhân vì sao rừng bị cháy.
Ðể giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ, PCCC rừng mùa khô năm 2021 - 2022. Thực hiện chỉ đạo của TP các địa phương có rừng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp PCCC rừng.
Theo đó các địa phương có rừng đã kiện toàn ban chỉ huy và tổ xung kích PCCC rừng tại xã có rừng; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong PCCC rừng; hướng dẫn, quản lý chặt chẽ việc đốt dọn thực bì làm nương theo quy hoạch... Bên cạnh đó, các huyện cũng lập và triển khai phương án phối hợp PCCC rừng với lực lượng chuyên trách, tập trung hướng dẫn chủ rừng thực hiện chữa cháy ở cơ sở theo phương châm "4 tại chỗ".
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hầu hết vụ cháy rừng đều xảy ra vào thời điểm nắng nóng hoặc hanh khô kéo dài, gió thổi mạnh, dù phát hiện kịp thời nhưng công tác chữa cháy vẫn gặp nhiều khó khăn, các phương tiện chữa cháy chuyên dụng khó tiếp cận hiện trường nên việc PCCC theo phương châm “4 tại chỗ" là rất quan trọng.
Theo ông Tạ Văn Tường, chính lực lượng tại chỗ sẽ kịp thời phát hiện cháy và chủ động chữa cháy khi lửa chưa lan rộng, nên hiệu quả chữa cháy sẽ cao. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là nguồn kinh phí cho công tác PCCC rừng còn hạn hẹp nên dụng cụ, trang thiết bị cho lực lượng tại chỗ còn thiếu, đa số là dụng cụ thô sơ như: Cuốc, xẻng, bình bơm nước cỡ nhỏ… Đáng lo ngại, vẫn tồn tại trường hợp cố tình lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm gia tăng nguy cơ cháy. Trong khi đó, phần lớn các vụ cháy rừng thời gian qua chưa được xử lý đến nơi đến chốn và không tìm ra được đối tượng gây cháy.
Để công tác PCCC rừng hiệu quả, nhất là trong mùa hanh khô, TP Hà Nội đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở với nhiệm vụ PCCC rừng. Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã có rừng, chủ rừng, lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sống trong và gần rừng cùng khách du lịch nâng cao ý thức về PCCC rừng; phân công các lực lượng thường trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó khi có sự cố.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.