Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 8 năm 2016 | 2:21

Ngân hàng gia hạn vay gói 30.000 tỷ đồng

Từ ngày 1/8/2016, Thông tư số 25/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 29/7, chính thức có hiệu lực với nhiều nội dung mới liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản sẽ được gia hạn đến cuối năm 2016.

Nhiều quy định mới

Theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), đây là thông tư được người tiêu dùng và các ngân hàng thương mại quan tâm, chờ đợi, do tính chất quan trọng của chính sách tín dụng này đối với người tiêu dùng. Thông tư lần này tập trung vào một số vấn đề như đối tượng gia hạn, quy định xử lý các khoản giải ngân... Cụ thể như:

Về đối tượng gia hạn: Đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình, thời gian giải ngân của các ngân hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN để cho vay hỗ trợ nhà ở được thực hiện tối đa đến hết ngày 31/12/2016 áp dụng đối với các khoản vay mà ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với khách hàng trước ngày 31/03/2016 và đã được ngân hàng báo cáo NHNN tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10/5/2016.

Đối với quy định về việc xử lý đối với khoản giải ngân của các hợp đồng tín dụng ký trước ngày 31/3/2016 giữa ngân hàng với nhóm khách hàng cá nhân trong thời gian từ ngày 01/6/2016 đến ngày Thông tư có hiệu lực:

1. Các khoản giải ngân của ngân hàng trong thời gian từ ngày 01/06/2016 đến ngày Thông tư này có hiệu lực được NHNN tái cấp vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Thuộc các hợp đồng tín dụng ký trước ngày 31/3/2016 với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình;

b) Thuộc các hợp đồng tín dụng đã được ngân hàng tổng hợp và báo cáo NHNN tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10/5/2016.

2. Đối với các khoản giải ngân đủ điều kiện tại mục 1, ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở do NHNN công bố hàng năm kể từ thời điểm giải ngân, nhưng không quá thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 11/2013/TT-NHNN.

3. Trong trường hợp ngân hàng đã thu nợ lãi lớn hơn mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở, ngân hàng thực hiện hoàn trả phần chênh lệch nợ lãi giữa mức lãi suất thực tế đã thu và mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong thời hạn không quá 02 (hai) tháng kể từ ngày Thông từ này có hiệu lực thi hành hoặc bù trừ cho khách hàng chậm nhất vào 02 (hai) kỳ thu lãi gần nhất sau khi được NHNN tái cấp vốn.

Vẫn còn bất cập

Theo đánh giá của HoREA, Thông tư số 25/2016/TT-NHNN vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là thời hạn giải ngân. Theo HoREA, quy định tại Khoản 2.a, Điều 1 và Khoản 2.b, Điều 1 chưa thỏa đáng vì trên thực tế sẽ có nhiều trường hợp khách hàng nhận nhà sau thời điểm 31/12/2016 sẽ không được tiếp tục hưởng lãi suất vay ưu đãi (NHNN đã quyết định áp dụng lãi suất cho vay 5%/năm trong năm 2016) mà khách hàng phải vay khoản tiền còn lại trong hợp đồng với lãi suất vay thỏa thuận theo chính sách cho vay của từng ngân hàng. Nhiều khách hàng không đủ điều kiện và khả năng tài chính sẽ không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng mua nhà, chưa nói có thể bị phạt vi phạm hợp đồng, hoặc phải sang nhượng lại cho người khác, trở lại trắng tay. Do vậy, HoREA đề nghị NHNN cho cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước ngày 31/03/2016 và đã được giải ngân dang dở được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng, kể cả các trường hợp nhận nhà sau ngày 31/12/2016. Bởi lẽ, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ cũng đã dự liệu dành từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng để thực hiện gói tín dụng ưu đãi này; và trên thực tế theo thông báo của NHNN thì cho đến ngày 10/05/2016, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỷ đồng, vẫn còn nằm trong giới hạn nêu trên. Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 23/NQ-CP cho phép tiếp tục triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho đến khi giải ngân hết.

Cũng theo HoREA, NHNN đã công bố lãi suất gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là 5%/năm áp dụng cho năm 2016, có nghĩa là người mua nhà ở thương mại và cả người mua nhà ở xã hội đều phải chịu lãi suất này. Quy định lãi suất 5%/năm đối với người mua nhà ở thương mại rất thỏa đáng, nhưng đối với người mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng ưu đãi thì chưa thật thỏa đáng. Bởi lẽ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1013/QĐ-TTg ngày 06/06/2016 quy định lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm áp dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến hết ngày 31/12/2016. Do vậy, Hiệp hội đề nghị NHNN ban hành quyết định về lãi suất cho vay nhà ở xã hội cũng là 4,8%/năm, áp dụng đến hết ngày 31/12/2016 cho các trường hợp mua nhà ở xã hội trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để bảo đảm sự thống nhất của pháp luật.

Liên quan đến trường hợp các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, HoREA kiến nghị NHNN chấp thuận cho giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/03/2016 đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại đã chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội mà chủ đầu tư dự án đó đang xây dựng dở dang, và đã bán cho khách hàng mà người mua nhà đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng trước ngày 31/03/2016, để hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành công trình bàn giao nhà cho khách hàng.

Minh Tuấn - Thái An

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top