Những vực nuôi ngao đang trong thời kỳ thu hoạch bỗng dưng chết trắng khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh khốn đốn khi con số thiệt hại lên tới1,3 tỷ đồng.
Theo phản ánh của hộ gia đình anh Nguyễn Ngọc Sơn, trú tại thôn Thạch Hải, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, vực ngao 2,6ha của gia đình anh đang trong thời kỳ thu hoạch bỗng dưng chết trắng bãi.
Theo anh Sơn, vào ngày 7/4, khi đang tiến hành thu hoạch ngao thì bất ngờ phát hiện ngao có hiện tượng chết, tuy nhiên chỉ ở mức độ vài chục con. Nhưng sau đó số lượng tăng lên rất nhanh, đến mức sạch trắng cả bãi.
“Ngao vừa đến kỳ thu hoạch, gia đình tôi mới thu hoạch được một hôm khoảng 4 tấn thì phát hiện ngao chết lác đác, sau đó đến ngày 9/4 ngao chết trắng bãi khoảng 90%, khiến gia đình tôi trắng tay trong vụ ngao này", anh Sơn cho hay.
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực nuôi ngao của gia đình anh Sơn, ngao chết khiến bãi nuôi thành màu trắng, những con ngao há hốc mồm, tách vỏ chết nổi trên lớp cát, ruột ngao đang trong quá trình phân hủy bốc mùi hôi thối. Để xử lý số lượng ngao chết và cải tạo vực nuôi cho vụ mới, gia đình anh Sơn phải thuê hàng chục người tranh thủ khi thủy triều rút để nhặt những vỏ ngao chết.
Chị Phạm Thị Dung (vợ anh Sơn) cho biết: “Nhà tôi có 2,6ha, đang thu hoạch thì ngao chết, thiệt hại khoảng 80-90 tấn. Với giá bán hiện tại vào khoảng 15.000đồng/kg, năm nay coi như nhà tôi mất 1,3 tỷ đồng”.
Cũng theo chị Dung, để đầu tư nuôi được vực ngao 2,6ha, gia đình đã vay mượn hơn 750 triệu đồng ngân hàng và vốn của bà con họ hàng. Nay ngao chết trắng bãi, số nợ cũ không những không trả được mà số vốn để đầu tư nuôi mới cũng không biết kiếm ở đâu.
Anh Sơn cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu nuôi ngao từ năm 2015 đến nay, nhiều khi ngao cũng có hiện tượng chết rải rác chứ chưa bao giờ chết trắng như thế này. Chắc do nguồn nước của sông Lý không đảm bảo trước, hoặc có thể bị ô nhiễm nên mới dẫn đến tình trạng chết trắng bãi như thế này”.
Được biết, xã Quảng Thạch chỉ gia đình anh Sơn làm nghề nuôi ngao. Từ khi nuôi đến lúc thu hoạch khoảng 15 tháng. Hiện nay do ngao chết trắng bãi nên mỗi ngày gia đình anh phải thuê 10-30 người, trả công 200 nghìn đồng/người để thu dọn vỏ ngao đem đổ để dọn bãi cải tạo để nuôi lứa mới.
Ông Đoàn Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch, cho biết: “Sau khi nhận được báo cáo của gia đình anh Sơn về sự việc, xã đã xuống kiểm tra, đồng thời làm văn bản báo cáo huyện và Phòng nông nghiệp, thú y huyện xuống kiểm tra, lấy mẫu và báo cáo tỉnh. Ngày 9/4, đoàn kiểm tra của tỉnh đã xuống địa phương để lấy mẫu nước, mẫu ngao đem đi xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết quả ban đầu”.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.