Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 1 năm 2017 | 5:55

Thanh Hóa: Đổ trộm chất thải khiến ngao chết hàng loạt

Kết quả phân tích mẫu chất thải mà các đối tượng cố tình đổ trộm xuống vùng bãi nuôi ngao của xã Hải Lộc có nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép, trong đó riêng chỉ số kim loại vượt 1.500 lần…

Chất thải đổ xuống khu vực bãi nuôi ngao có mùi nồng nặc, chứa phụ phẩm chế biến mực.

Trong khi người dân chưa tìm hiểu được nguyên nhân dẫn đến ngao chết bất thường thì vào khoảng 4h30 ngày 31/12/2016, một số hộ dân nuôi ngao ở xã Hải Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa) đã mật phục, bắt quả tang vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ trú ở xã Ngư Lộc, chở 14 thùng phuy loại 50L chứa chất thải chế biến mực đổ xuống khu vực nuôi ngao của bà con đang vào mùa thu hoạch.

Vào thời điểm người dân phát hiện, hai đối tượng có tổng cộng 14 thùng, trong đó đã đổ xuống khu vực nuôi ngao của bà con 11 thùng, còn lại 3 thùng bị người dân thu giữ và trình báo cơ quan chức năng xuống xử lý, lấy mẫu chất thải đưa đi giám định.

Qua đấu tranh ban đầu, vợ chồng Thành, Huệ khai nhận đang làm công nhân cho cơ sở chế biến hải sản Hoàng Thắng, thuộc xã Ngư Lộc, được thuê chở các thùng chất thải đổ ra biển với giá 200.000 đồng/chuyến từ đầu năm đến nay.

Mỗi tháng cặp vợ chồng này chở từ 7 -10 chuyến, đổ từ 10 - 15 thùng chất thải xuống biển. Khi lực lượng chức năng và người dân kiểm tra những chất thải chứa trong các thùng phuy, phát hiện chất thải trong thùng có mùi hôi thối, màu đỏ gạch, đặc quánh chứa đầy ruột, da mực và nhiều chất lạ chưa xác định được.

Kết quả phân tích mẫu tang vật do Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa) phân tích cho thấy, đã phát hiện nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng gấp nhiều lần quy chuẩn cho phép. Cụ thể, hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra (BOD5) cao hơn từ 1.520 - 1.980 lần; hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ (COD) vượt từ 633,5 - 816,2 lần; axit NH4+ vượt từ 102,7 - 128,52 lần. Đặc biệt, hàm lượng chất Cadimi (kim loại nặng), vốn là một kim loại chuyển tiếp tương đối hiếm, mẫu cao nhất (thùng số 2) vượt đến 1.500 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và Phòng Nuôi trồng thủy sản tiến hành lấy mẫu ngao sống gửi đi xét nghiệm, để kiểm tra mức độ đảm bảo VSATTP.

Ông Cao Thanh Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, cho biết: "Đây mới chỉ là kết quả phân tích mẫu chất thải ban đầu, cần phải chờ thêm các phân tích và mẫu xét nghiệm từ cơ quan Trung ương mới có thể khẳng định được nguyên nhân chính xác khiến ngao chết hàng loạt".

Cũng theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa,  hiện tượng ngao chết hàng loạt đã xuất hiện từ ngày 19/12/2016, đến ngày 21/12 bắt đầu lan rộng ra hầu hết các diện tích của bà con nuôi ngao trong huyện. Đến ngày 6/1/2017, tại xã Hải Lộc có 201/230ha ngao chết, tỷ lệ chết khoảng 70%; tại Đa Lộc có 200/350ha ngao chết, trong đó 120ha tỷ lệ chết từ 30-70%,  80ha còn lại tỷ lệ chết trên 70%.

Điều đáng nói, tình trạng ngao chết bất thường hàng loạt nói trên vẫn đang tiếp diễn với quy mô lớn, điều này khiến cho các hộ nuôi càng thêm thấp thỏm, âu lo. Dọc trên khắp các bãi nuôi ngao của bà con đâu đâu cũng thấy xác ngao chết nằm chất đống, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Những năm trước, vào những tháng cuối năm, các hộ nuôi ngao tất bật bước vào vụ thu hoạch, nhưng năm nay phải thuê công nhân đi thu dọn xác ngao chết. Anh Phạm Văn Ba,  người dân nuôi ngao buồn bã cho biết. “Nhà tôi nuôi trên 4ha, chi phí đầu tư tiền giống  ban đầu mất khoảng 3,7 tỷ đồng, đến bây giờ thì mất trắng".

Trên địa bàn xã Hải Lộc có tổng số 248 hộ nuôi ngao, năm nay ngao chết trắng, chắc chắn nhiều gia đình sẽ không có tết.

Xuân Sơn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top