Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 3 năm 2018 | 16:14

Nghệ An cần gìn giữ văn hóa cồng chiêng

Cồng chiêng là một nét văn hóa không thể thiếu được đối với người dân tộc Thái ở miền tây xứ Nghệ.

 

_nh-2.JPG
Một bộ cồng chiêng còn sót lại tại bản Bua, xã Châu Phong.

 

Không chỉ là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người... âm thanh cồng chiêng còn diễn tả niềm vui cũng như nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái. Tiếc thay, những giá trị văn hóa đó giờ đây đã và đang bị mai một dần...

Quỳ Châu là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An với phần đông là đồng bào Thái sinh sống. Khi đến xã Châu Phong, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi thế hệ trẻ tại một số thôn bản nơi đây không biết đến cồng chiêng. Ông Vi Đình Tiến, Trưởng bản Bua, nuối tiếc: “Đã gần 10 năm trở lại đây, thế hệ trẻ không biết đến văn hóa cồng chiêng nữa, giờ đây các nhà đều đã bán hết cồng chiêng đi để mua loa đài về nghe nhạc. Tôi xót xa lắm, rồi đây sẽ không ai biết đến cồng chiêng nữa”.

Tại bản Bua chỉ còn lại một bộ cồng chiêng của anh Vi Văn Huyền. Lần mò ở góc bếp, anh Huyền lôi ra một bộ cồng chiêng cũ kĩ, bám đầy tro bụi do đã lâu ngày không được sử dụng. Anh Huyền cho biết: “Cả làng còn mỗi bộ cồng chiêng nhà tôi, đây là kỷ niệm bố tôi để lại, nhiều lần khó khăn quá tôi định bán đi để đóng tiền học cho con nhưng lại gạt đi vì đó là tài sản quý mà ông bà để lại”.

Tại bản Tóng 2 (xã Châu Phong), ông Lương Văn Luật, Bí thư Chi bộ xóm phải nghĩ một hồi lâu mới nhớ ra nhà còn giữ được một bộ cồng chiêng. Hộ ông Lương Văn Thắng là gia đình duy nhất còn giữ lại cồng chiêng của bản này. Ông Thắng cho hay: “Thú thật, mấy năm nay cồng chiêng nhà tôi cũng không dùng đến, trẻ con trong làng giờ chỉ  nghe nhạc trẻ thôi. Còn chúng tôi già cả rồi, chỉ mong đến tết cổ truyền để được lôi cồng chiêng ra đánh cho đỡ nhớ”.

Piếng Điếm là bản còn giữ được nhiều cồng chiêng nhất của xã Châu Phong, với khoảng 5-6 bộ. Anh Vi Văn Linh, Trưởng bản cho biết: “Trước đây bản chúng tôi nhiều cồng chiêng lắm. Hầu hết nhà nào cũng có ít nhất 1 bộ nhưng do nhiều lý do nên hầu hết đã bán đi từ nhiều năm trước. Hiện tại còn các gia đình ông Lang Thái Loan, Lang Đình Hồng, Vi Văn Dự, Trần Văn Vỹ, Vi Thái Linh đang giữ được mỗi nhà một bộ. Tuy nhiên, hầu hết cũng đều ít sử dụng hoặc không sử dụng”.

Được biết, trước việc văn hóa cồng chiêng ngày càng bị mai một nên một số người lớn tuổi tại xã Diên Lãm (huyện Quỳ Châu) đã ra một quy ước là hạn chế bán cồng chiêng cũ. Theo đó, tất cả các hộ gia đình còn giữ được cồng chiêng phải bảo quản và đưa ra đánh trong các ngày lễ, Tết.

Ông Trần Việt Đức, Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳ Châu, cho biết: “Vào ngày lễ, Tết thì hầu hết các bản làng vẫn còn đánh cồng chiêng, tất nhiên là không được phổ biến như trước nữa. Phòng Văn hóa cũng như các xã vẫn luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có nét đẹp văn hóa cồng chiêng cho đồng bào dân tộc Thái”.

 

 

 

Sỹ Thăng
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top