Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 22 tháng 9 năm 2019 | 18:12

Nghệ An: Địa phương thứ 3 ở Quỳ Hợp xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp phòng chống tích cực dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) hạn chế thấp nhất số lượng lợn phải tiêu hủy, tuy nhiên, diễn biến của DTLCP vẫn diễn biến phức tạp và khó lường.

Mới đây, Trạm Thú y huyện Quỳ Hợp cho biết, ngày 20/9/2019 UBND huyện vừa công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Liên Hợp. Đồng thời, công bố vùng dịch uy hiếp các xã gồm Châu Quang, Châu Lộc, Châu Hồng, Châu Tiến và Yên Hợp.
 
bna_tieu_huy_lon_nhiem_dich_tai_xa_hung_trung_huyen_hung_nguyen_anh_qa1494162_1192019.jpg
Dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp tại Nghệ An
(ảnh Báo Nghệ An)
Trước đó, 2 ổ dịch xuất hiện đầu tiên được phát hiện ở xóm Duộc, tại gia đình ông Vi Văn Vừng có 2 con lợn trọng lượng 60 kg và ông Vi Văn Sư có 1 con lợn có trọng lượng 20 kg đều có biểu hiện sốt, xuất huyết ngoài da. Gia đình ông Vừng và ông Sư đã báo cho UBND xã Liên Hợp và Trạm Chăn nuôi Thú y huyện Quỳ Hợp đã lấy mẫu gửi về Chi cục Thú y vùng III xét nghiệm và đã tiến hành tiêu hủy 3 con lợn với tổng trọng lượng là 80 kg.
 
Kết quả mẫu xét nghiệm số 8759 của Chi cục Thú y vùng III khẳng định mẫu xét nghiệm lợn của hộ ông Vi Văn Vừng và ông Vi Văn Sư dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
 
Để ngăn chặn dịch bệnh, UBND huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo trong thời gian có dịch, tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc cảm nhiễm với bệnh dịch tả lợn châu Phi và sản phẩm lợn vào vùng dịch tại địa bàn xã Liên Hợp.
 
Như vậy, Liên Hợp là địa phương thứ 3 ở Quỳ Hợp xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Trước đó, trên địa bàn có thị trấn Quỳ Hợp và xã Yên Hợp có dịch và đã công bố hết dịch
 
Tại Quỳnh Lưu DTLCP tái phát nhanh, có nhà xóa sổ cả trang trại, tính đến thời điểm này, 21 xã ở Quỳnh Lưu có dịch, trong số đó nhiều xã dịch bệnh tái phát lần 2 và lần 3, với tổng trọng lượng tiêu hủy gần 80 tấn.
 
ông-ngân.jpg
Gia đình ông Ngân đang tiến hành khử trùng trại nuôi lợn
Cách đây 2 ngày (16/9), gia đình ông Vũ Văn Ngân ở xóm 13, xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu) đã phối hợp cùng với lực lượng chức năng của huyện, xã tiến hành tiêu hủy 7 con lợn nái, 19 con lợn thịt và 12 con lợn con theo mẹ của gia đình, với tổng trọng lượng là 2.159 kg, thiệt hại gần 100 triệu đồng.
 
Ông cho biết: sau khi thấy một số con lợn bị đỏ mắt, da chuyển sang màu hồng và sốt nhưng nghĩ gia súc chỉ cảm thông thường nên đã đi lấy thuốc về tiêm. Sau đó, lợn ăn bình thường nhưng 2 ngày sau thì chết. Lúc này, gia đình mới báo cho cán bộ thú y huyện, xã về lấy mẫu xét nghiệm thì kết quả là dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Toàn xã Quỳnh Lâm hiện có 600 con lợn ở 35 gia trại và một số hộ nuôi nhỏ lẻ. Trong đợt tái dịch lần 2 của xã xuất hiện vào ngày 9/9, tập trung chủ yếu ở các xóm 13, 14, 15 và đã tiêu hủy 2.561 kg lợn. Hiện, ngoài 1 gia trại bị xóa sổ tổng đàn thì 3 gia trại có lợn ốm đang được địa phương gửi mẫu đi xét nghiệm.
 
Bà Trần Thị Tân - Cán bộ thú y xã Quỳnh Lâm cho biết: Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra diện rộng, địa phương đã lập 5 chốt chặn phun tiêu độc khử trùng khi có phương tiện đi qua. Đồng thời, khoanh vùng gia trại để phân công lực lượng là công an, các thành viên trong hệ thống chính trị chốt trực 24/24 giờ để ngăn không cho các hộ buôn bán, vận chuyển lợn ra vào địa bàn. Bên cạnh đó, xã đã mua 3 tấn vôi bột và tiếp nhận 27 lít hóa chất từ Trạm Thú y huyện để cấp cho các hộ dân, tiêu diệt mầm bệnh. 
 
Hà Tĩnh có nhiều cách làm hay trong xây dựng NTM
 
Đánh giá của đoàn công tác Ban Chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) sau khi tham quan một số khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu trên địa bàn tỉnh và tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Hà Tĩnh có nhiều cách làm hay trong xây dựng NTM
 
hà-tĩnh-2.jpg
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM (ảnh Báo Hà Tĩnh)
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM ghi nhận những kết quả nổi bật của Hà Tĩnh trong xây dựng NTM.
 
Hà Tĩnh là tỉnh đặc biệt năng động sáng tạo, có nhiều chính sách, mô hình, cách làm hay trong xây dựng NTM. Hà Tĩnh có quyết tâm chính trị mạnh mẽ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư. Việc đánh giá kết quả 10 năm có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm thực tế để đề xuất nhân rộng cho giai đoạn tới, không chỉ trên địa bàn tỉnh mà nhân rộng ra toàn quốc” - Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
 
Các thành viên đoàn công tác cũng bày tỏ ấn tượng với cách làm và kết quả đạt được trong xây dựng NTM của Hà Tĩnh thời gian qua. Phản ánh rõ nét nhất và thực tế nhất chính là sự hồ hởi, phấn khởi và hài lòng ở mức độ cao của người dân.
 
Phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu của Hà Tĩnh đã tạo động lực thi đua, nâng cao năng lực cộng đồng, khơi dậy được các nguồn lực. Hà Tĩnh cũng là tỉnh đi đầu, mạnh dạn rà soát, đánh giá và thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn đối với các xã để tụt giảm chất lượng tiêu chí.
 
Hà Tĩnh cũng thực hiện chính sách hiện quả như: Hỗ trợ lãi suất, “nâng đầu đỡ cuối”, hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông... Việc xây dựng phần mềm dữ liệu số NTM Hà Tĩnh tạo thuận lợi trong công tác quản lý, theo dõi
 
Kế thừa và phát huy kinh nghiệm đạt được 10 năm qua, Hà Tĩnh phấn đấu xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025.
 
Tượng Sơn (Thạch Hà) là xã đầu tiên của Hà Tĩnh xây dựng mô hình văn hóa an toàn thực phẩm
 
Chủ tịch Hội Làm vườn và trang trại tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Tình chia sẻ, trước thực trạng thực phẩm không an toàn tràn lan, chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng mô hình văn hóa an toàn thực phẩm (ATTP) tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà.
 
Theo ông Tình, để xây dựng văn hóa ATTP sẽ là một quá trình lâu dài và cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất phải là nâng cao nhận thức, hiểu biết và thói quen về ATTP từ những người sản xuất.
 
hà-tĩnh.jpg
Ngành chức năng Hà Tĩnh giới thiệu sản phẩm rau, củ Tượng Sơn với đại diện doanh nghiệp từ Châu Âu để hướng tới xuất khẩu. (ảnh Báo Hà Tĩnh)
 
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tượng Sơn Nguyễn Ngọc Hoa trao đổi. “Trước mắt, chúng tôi sẽ tổng kết tình hình sản xuất rau, củ, quả của 3 thôn Bắc Bình, Thượng Phú và Sâm Lộc để có cơ sở đề xuất ngành chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Cùng với đó, thực hiện các bước quy hoạch để xây dựng giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, đề nghị tư vấn, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu riêng cho sản phẩm nông nghiệp của xã”
 
Hội Làm vườn hiện cũng đang hướng dẫn nông dân xã Tượng Sơn xây dựng mô hình hệ thống cùng giám sát – PGS, tự công bố chất lượng theo hướng cộng đồng dân cư giám sát chéo qua các nhóm hộ, liên nhóm hộ rồi tự công bố chất lượng.
 
Ngoài ra, còn có sự giám sát từ hội, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ... Khi đó, chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ được đảm bảo, có truy xuất nguồn gốc và người dân tự chịu trách nhiệm về sản phẩm mình làm ra. Đây được coi là một trong những điểm mẫu chốt để xây dựng mô hình văn hóa ATTP.
 
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top