Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 6 năm 2019 | 17:18

“5 không, 4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Không nên hoang mang, quay lưng với thịt lợn. Đối với các hộ nuôi, các cơ sở đang chăn nuôi lợn, cần thực hiện nghiêm ngặt biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đảm bảo yếu tố cách ly, thường xuyên khử trùng tiêu độc để hạn chế sự lây nhiễm.

Ninh Bình: “5 không, 4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

2.jpg
Ảnh minh họa.
 

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan rộng, làm giảm nhanh đàn lợn trên địa bàn toàn tỉnh.

Để góp phần khống chế dịch bệnh hiệu quả, mọi người cần thực hiện tốt 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường;  không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh chỉ xảy ra và gây bệnh trên loài lợn, khi tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng các sản phẩm từ thịt lợn không gây hại cho sức khoẻ con người, vì vậy mọi người có thể yên tâm sử dụng nguồn lợn sạch, lợn khoẻ từ các cơ sở chăn nuôi, được phép giết mổ an toàn.

Cần chủ động nguồn nước độc lập để sử dụng cho chăn nuôi, xử lý nguồn nước bằng Chlorin trước khi sử dụng cho lợn uống, rửa chuồng nuôi. Tuyệt đối không lấy nước từ sông ngòi, kênh mương để sử dụng trực tiếp trong chăn nuôi.

Cả hệ thống chính trị đang tập trung mọi nguồn lực để khống chế và dập dịch, vì vậy người dân tuyệt đối không chủ động mua lợn để nuôi mới, tăng đàn, tái đàn khi chưa được sự cho phép của cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý ở địa phương.

Khi có dịch xảy ra trên địa bàn, mọi người dân cần chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương thực hiện tốt “4 tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, huy động nhân lực, vật lực và phương tiện tại chỗ) để tổ chức khống chế và dập tắt ổ dịch, góp phần chủ động, giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và môi trường do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

 

Hà Nam: Phát triển bò sinh sản, bò thịt: Hướng tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi

1.jpg
Trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản của gia đình anh Phạm Văn Thành, xã Nhân Đạo (Lý Nhân).

 

Ngành chăn nuôi của tỉnh Hà Nam đang gặp nhiều khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp. Để tháo gỡ khó khăn, ngành nông nghiệp đã tham mưu với UBND tỉnh một số giải pháp thúc đẩy chăn nuôi phát triển, trong đó, nuôi bò thịt, bò sinh sản được lựa chọn là một trong những hướng đi chính.

Khu chuồng trại chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản của anh Phạm Văn Thành, xã Nhân Đạo (Lý Nhân) mới được mở rộng thêm gấp 2 lần. Đây là hộ đầu tiên đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi tại khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung của xã Nhân Đạo có tổng diện tích 9,18 ha. Anh Thành chia sẻ: Phát triển nuôi bò thịt, bò sinh sản hiệu quả hơn so với nhiều đối tượng vật nuôi khác, kể cả con lợn vốn được nhiều hộ nông dân lựa chọn.

Anh Thành đầu tư chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản được 3 năm. Diện tích xây dựng chuồng trại và trồng cỏ nuôi bò của anh rộng 5ha. Ngoài ra, anh thuê thêm khoảng 2ha của người dân để trồng cỏ và ngô bảo đảm lượng thức ăn xanh cho bò. Đàn bò thịt, bò sinh sản trong chuồng luôn duy trì từ 70 – 80 con. Trong đó, riêng bò sinh sản 50 con, cung cấp con giống cho nuôi bò thịt và gần như tháng nào anh Thành cũng có bò thịt xuất bán ra thị trường. Theo anh Thành, qua thời gian nuôi cho thấy, bò thịt hầu như sạch bệnh khi được tiêm đầy đủ các loại vắc - xin. Về đầu ra và giá bò thịt khá ổn định, nguồn cung nhiều khi không đủ cầu. Anh dự kiến sẽ mở rộng đàn bò và thay thế dần sang nuôi bò 3B cho trọng lượng, tỷ lệ thịt và giá bán cao hơn.

Ông Nguyễn Thành Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết: Do lợi thế có vùng bãi ven sông Hồng, huyện xác định bò thịt, bò sinh sản là một trong những đối tượng vật nuôi chủ lực. Giai đoạn tới, đàn bò tiếp tục được đẩy mạnh phát triển bù đắp phần thiệt hại của đàn lợn do tác động từ dịch tả lợn châu Phi.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi do tác động từ dịch tả lợn châu Phi, ngành nông nghiệp chủ trương phát triển bò thịt, bò sinh sản là một trong những hướng đi chính, song song với bò sữa, gia cầm… Trong đó, năm 2019 phấn đấu tổng đàn bò thịt, bò sinh sản đạt 32.000 con; năm 2020 đạt 36.000 con (số bò trong các khu chăn nuôi tập trung 4.000 con). Để đạt được mục tiêu đề ra, năm 2019 sẽ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng 6 khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tại các huyện: Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm, mỗi nơi một khu, riêng huyện Bình Lục 2 khu.

Theo ông Đinh Huy Bách, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam): Thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ để người dân mạnh dạn phát triển nhanh đàn bò. Đặc biệt, có biện pháp đồng bộ cải tạo chất lượng đàn bò thịt, bò sinh sản để nâng cao giá trị, trong đó ngành nông nghiệp sẽ triển khai nhanh chương trình Sind hóa đàn bò vàng để nâng cao tầm vóc và lai tạo bò ngoại (3B, Zêbu) cho chất lượng và tỷ lệ thịt cao…

Thanh Hóa: Nhân rộng mô hình nuôi chim bồ câu Pháp 

31.jpg
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp tại xã Dân Quyền (Triệu Sơn). 

 

 Những năm gần đây, mô hình nuôi chim bồ cầu Pháp đã được nhiều hộ dân ở xã Dân Quyền (Triệu Sơn) đưa vào sản xuất và được nhân rộng trên địa bàn. Một số hộ đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau nhiều năm xa quê hương, anh Khương Sĩ Định, thôn 5, xã Dân Quyền trở về, quyết định mang số vốn ít ỏi của mình đầu tư phát triển kinh tế. Qua tìm hiểu, anh ấn tượng với mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Từ đó, anh Định đã tự tìm tòi kiến thức, kỹ thuật nuôi giống bồ câu này trên sách, internet và đi tham quan những mô hình thành công ở một số tỉnh phía Nam.

Hiện nay, đàn chim phát triển và sinh sản tốt. Vào thăm khu chuồng nuôi chim bồ câu Pháp của anh, chúng tôi ấn tượng khi thấy hàng trăm cặp chim được nuôi trong lồng xếp thành nhiều dãy dài, chia thành hai khu vực ngăn cách bồ câu non và bồ câu trưởng thành.

Nhẹ nhàng sắp xếp chim non vào tổ, anh Định chia sẻ: “Giống chim bồ câu Pháp vốn là loài dễ nuôi nhưng ban đầu phải đầu tư chuồng trại kỹ lưỡng, cần nhiều ánh sáng, thoáng mát và phải vệ sinh hằng ngày. Bên trong mỗi ô đặt một ổ đẻ lót bằng rơm khô. Ngoài ra, còn có máng ăn, máng uống nước, lúc nào cũng sạch sẽ và được thay rửa thường xuyên, tránh bị phân chim làm ô nhiễm. So với giống chim bồ câu thường, phương pháp nuôi nhốt bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc chăm sóc cũng đơn giản và không tốn nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ cần tận dụng thời gian rảnh vào buổi sáng và tối để cho chim ăn.

Chia sẻ về quá trình đầu tư nuôi chim bồ câu Pháp, anh Định cho biết: “Để trứng đạt tỷ lệ nở cao, người nuôi nên ấp trứng chim bằng máy và cho chim mẹ ấp trứng giả, sau khi chim con nở mới đưa vào cho bố mẹ nuôi”.

Với kỹ thuật nuôi được nghiên cứu và áp dụng khoa học - kỹ thuật, nên đàn chim của gia đình anh có khả năng sinh sản rất đều và cao, chim thịt nuôi trong vòng 25-29 ngày xuất bán với giá 120 nghìn đồng/1 đôi, còn nếu bán giống sẽ nuôi khoảng 2 tháng có giá 180-250 nghìn đồng/1 đôi.

Hiện nay, mỗi tháng trang trại của anh cung cấp cho thương lái hơn 1.000 con, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 35 triệu đồng/tháng. Nhận thấy, nhu cầu tiêu dùng chim bồ câu Pháp trên thị trường cao, thời gian tới, anh dự định tăng số lượng chim bố mẹ từ 1.500-2.500 đôi để nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Xuân Quy, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Quyền, cho biết: “Từ thực tế, có thể thấy rằng, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân. Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 100 hộ nuôi. Trong đó, có 10 hộ nuôi theo hướng công nghiệp với số lượng khoảng 1.000 đôi. Thời gian tới, để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình, UBND xã sẽ hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cũng như định hướng thị trường cho người dân để phát triển mô hình. Đồng thời, thực hiện Đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, dựa trên phân tích về hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng, UBND xã sẽ nghiên cứu và lựa chọn chim bồ câu Pháp trở thành một trong số sản phẩm OCOP. Từ đó, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến phát triển kinh tế bền vững. 

Bắc Ninh: Làm giàu từ nuôi nhím thương phẩm


41.jpg

Mô hình nuôi nhím thương phẩm. (Ảnh: IT) 

 

Những năm qua, phong trào thi đua Cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi do các cấp hội phát động nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo hội viên là CCB thị xã Từ Sơn. Ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nào cũng có những gương điển hình tiêu biểu. Trong đó CCB Nguyễn Ngọc Tuấn, phường Đồng Nguyên mạnh dạn vươn lên làm giàu bằng một mô hình có rất ít người theo đuổi, đó chính là nuôi nhím thương phẩm.

Ở Từ Sơn, ngành chăn nuôi khá phát triển nhưng nuôi nhím là một trong những mô hình mới mẻ ít người đầu tư. Đây là loại động vật hoang dã nhưng đã được nuôi nhốt và thuần hóa nhiều năm, có sức đề kháng cao, dễ thích nghi với môi trường, ít bệnh tật. Thịt nhím là một trong những loại thực phẩm quý, thơm ngon, bổ dưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được thị trường ưa chuộng nên đầu ra cho sản phẩm khá thuận lợi. Hơn nữa việc xây chuồng trại đơn giản, không tốn diện tích, không ảnh hưởng nhiều đến vệ sinh môi trường, vốn ban đầu bỏ ra thấp nên đầu tư nuôi nhím là hướng đi phù hợp với điều kiện của gia đình ông.

Nhờ chăn nuôi hiệu quả, từ những con nhím ban đầu được áp dụng chăn nuôi với mục tiêu vừa thử nghiệm vừa thăm dò thị trường, đến nay trại chăn nuôi của ông đã có 200 con với tổng trị giá 500 triệu đồng. Trong đó có 40 cặp nhím sinh sản, mỗi năm cho khoảng 150-160 nhím con giống. Với số nhím con này nuôi thành nhím thịt, sau 10 tháng đạt trọng lượng trung bình 10kg/con. Như vậy mỗi năm ông xuất ra thị trường khoảng 1,5-1,8 tấn thịt thương phẩm. Giá bán trên thị trường hiện nay là 250 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Từ nguồn thu này, ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua ô tô và các vật dụng sinh hoạt đắt tiền khác. Các con ông đều được đi du học nước ngoài. Cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn.

Với hướng đi mới trong chăn nuôi và hiệu quả kinh tế nổi bật, bản thân ông đã được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Trong đó có Bằng khen của Trung ương Hội làm vườn Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào phát triển VAC giai đoạn 2010-2015. Giấy khen của Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn năm 2016 và Chứng nhận đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp thị xã của Hội CCB năm 2017…

 

 

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top