Tại huyện Ứng Hòa đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, điển hình là trồng rau trong nhà lưới ở thôn Vĩnh Thượng (xã Sơn Công).
Triển khai thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, Ứng Hòa đã tích cực khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, điển hình là trồng rau trong nhà lưới ở thôn Vĩnh Thượng (xã Sơn Công). Đây cũng là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện.
Sản xuất gắn với tiêu thụ
Năm 2016, được sự hỗ trợ của huyện Ứng Hòa, HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng triển khai thí điểm trồng 5ha rau an toàn (RAT). Nhờ áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sử dụng phân bón sinh học nên rau sinh trưởng, phát triển tốt, giảm sâu bệnh, cho giá trị kinh tế cao hơn trồng rau thông thường 40 triệu đồng/ha. Nhận thấy hiệu quả, HTX đã mở rộng diện tích sản xuất lên 27ha và được Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất RAT.
Là một trong số hộ tham gia vào mô hình sản xuất RAT, bà Trần Thị Tuyến, ở thôn Vĩnh Thượng, chia sẻ: "Trồng RAT tuy khó hơn trồng rau thông thường nhưng chất lượng rau được đảm bảo, giá bán cũng cao hơn. Gia đình tôi có 2 sào trồng hành và dưa chuột, trừ chi phí, trung bình mỗi vụ tôi thu lãi trên dưới 4 triệu đồng". Không chỉ có hộ bà Tuyến, nhiều hộ dân ở Vĩnh Thượng cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng RAT để nâng cao thu nhập.
Cùng với phát triển vùng chuyên canh RAT gắn với tiêu thụ sản phẩm, HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng còn mạnh dạn xây dựng mô hình trồng rau trong nhà kính 5.000m2, với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng (trong đó huyện hỗ trợ 70%, xã viên đóng góp 30%). Mô hình được thiết kế hiện đại, đồng bộ với giàn tưới nước, phun sương tự động, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học, không sử dụng thuốc BVTV.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết, HTX đã hình thành nhóm sản xuất với 4 hộ cùng hợp tác, phân khu trồng thử nghiệm giống dưa chuột Israel, dưa lưới F1 Kim hoàng hậu và trồng các loại rau cải, cà chua. Hiện, các sản phẩm rau, quả trong nhà kính đã cho thu hoạch và được HTX nông sản An Việt thu mua với giá cả ổn định. Trung bình mỗi ngày, HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng xuất bán ra thị trường Hà Nội và các trường mầm non trên địa bàn huyện 10 tấn rau các loại.
Nhân rộng mô hình
Thực tế thấy, trồng rau nhà kính có nhiều ưu điểm vượt trội như tránh được tác động của thời tiết, hạn chế dịch bệnh, chủ động được chế độ dinh dưỡng cho cây nên đạt năng suất, chất lượng cao gấp nhiều lần so với trồng rau theo phương thức truyền thống. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao còn giúp nông dân trồng được các loại rau, quả trái vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Mô hình trồng RAT đã làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, giúp họ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân đến chăm sóc, quản lý dịch hại”, ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Chí Viễn, Phó chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, cho hay, nhằm nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tiêu thụ rau an toàn, huyện đang tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu, gắn tem mác, mã số, mã vạch cho sản phẩm RAT Vĩnh Thượng. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai chính sách khuyến khích, hỗ trợ các xã, HTX phát triển, nhân rộng mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.