Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2014-2018 tăng bình quân 8,0%/năm, năm 2018 tăng 8,77%
Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, với mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp…
Sau 5 năm thực hiện nghị quyết, Nghệ An đã làm được những gì? Giải pháp nào để hoàn thành các mục tiêu chưa đạt?
Nhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo tại Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020 vừa được tỉnh Nghệ An tổ chức, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2014-2018 tăng bình quân 8,0%/năm, năm 2018 tăng 8,77% (mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2020 tăng 9-10%). GRDP đầu người tăng khá: Năm 3013 đạt 24,17 triệu đồng, năm 2017 đạt 37 triệu đồng, gấp 1,57 lần so với năm 2013. Thu ngân sách trên địa bàn tăng đều hàng năm: năm 2013, tổng thu ngân sách là 8.065,3 tỷ đồng, năm 2017 là 12.959 tỷ đồng, dự kiến năm 2018 là 13.141,6 tỷ đồng, tăng 1,65 lần so với năm 2013. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế đã dịch chuyển đúng hướng: Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 27,76% (năm 2013) lên 31,39% (năm 2017) và năm 2018 dự kiến đạt 33,35%; khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 25,03% (năm 2013) xuống 21,79% (năm 2017), khu vực dịch vụ năm 2013 chiếm tỷ trọng là 47,21%, năm 2017 là 46,82%.
Sau 5 năm, môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của Nghệ An trong những năm qua liên tục tăng hạng: năm 2013 xếp thứ 46, đến năm 2017 vươn lên xếp thứ 21 của cả nước, đứng đầu trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, là vị trí cao nhất từ trước đến nay.
Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An đạt khá, tính đến 15/11/2018, đã thành lập mới 1.683 doanh nghiệp, tăng 5,25% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 14 -15%/năm. Giai đoạn 2014 -2018, tỉnh đã thu hút được 541 dự án, tổng số vốn đầu tư 179.743 tỷ đồng.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, năm 2018, Nghệ An có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của toàn tỉnh lên 211 xã, chiếm 48,96% tổng số xã; số tiêu chí bình quân các xã đạt 14,6 tiêu chí/xã; có 3 đơn vị cấp huyện (thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa và huyện Nam Đàn) đạt chuẩn và hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Một trong những nội dung của Nghị quyết 26 NQ-TW là xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm về tài chính,thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hoá, thể thao, giáo dục - đào tạo. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, phê duyệt thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ chính trị. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của thành phố Vinh đạt 8,63%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 76,79 triệu đồng, cao gấp 2,25 lần so với mức bình quân của cả tỉnh.
Trong 5 năm qua, tỉnh Nghệ An đã phối hợp với tỉnh Thanh Hoá tiếp tục triển khai quy hoạch vùng Nam Thanh Hoá - Bắc Nghệ An; phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh lập quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh thành những vùng kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị…
Phấn đấu đạt các mục tiêu còn lại
Tổng thu ngân sách và bình quân thu nhập đầu người là hai mục tiêu Nghệ An chưa đạt. Nếu đối chiếu với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII thì cả mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân cũng khó đạt bởi tốc độ tăng trưởng bình quân (GRDP) hàng năm đại hội đề ra là 11%, nhưng bình quân 2016 - 2018 chỉ đạt 8%/năm.
Về GRDP bình quân đầu người, cả Nghị quyết 26 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đều đề ra mục tiêu đến năm 2020 bằng bình quân cả nước là 70-75 triệu đồng, tuy nhiên, năm 2018 chỉ đạt 38 triệu đồng, dự kiến năm 2020 đạt 46 - 47 triệu đồng.
Thu ngân sách, mục tiêu đến năm 2020 đạt 25.000-30.000 tỷ đồng nhưng đến năm 2018 chỉ đạt 13.141,6 tỷ đồng, dự kiến năm 2020 đạt 18.000-20.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân các mục tiêu quan trọng trên chưa đạt là do chưa thu hút được các dự án lớn, mà nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng, dù có những bước phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; một số mục tiêu như thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách chưa sát với thực tế.
Đề cập đến các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu trên, tại diễn đàn Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị hay các phiên họp UBND tỉnh đánh giá về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, nhiều lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành và chuyên gia đều thống nhất cao về các giải pháp: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án lớn; tăng năng suất lao động; xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm như: Khu kinh tế Đông Nam, thành phố Vinh và vùng phụ cận, khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi… Đề xuất chính phủ sớm hiện thực hoá 3 vấn đề quốc tế đã định hình cho Nghệ An là Cửa khẩu quốc tế, Sân bay quốc tế, Cảng biển quốc tế để thu hút đầu tư; đồng thời công nhận Khu kinh tế Đông Nam là khu kinh tế trọng điểm.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.