Nghị quyết số 21 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu rõ: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.
Chất lượng dân số được quan tâm ngay từ khi còn trẻ (ảnh minh họa).
Chính sách DS-KHHGĐ không còn phù hợp
Phải thừa nhận rằng, cùng với sự đổi thay của đất nước, sự phát triển của kinh tế, xã hội, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong công tác DS - KHHGĐ. Mục tiêu “bình quân mỗi gia đình có 2 con” đã đạt được sớm hơn so với dự kiến 10 năm theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII (năm 1993) về chính sách DS - KHHGĐ.
Mô hình gia đình chỉ có 2 con đã được người dân nhận thức và thấy được lợi ích từ việc giảm sinh này. Bên cạnh đó, hệ thống các dịch vụ KHHGĐ ngày càng phát triển, các biện pháp phòng tránh thai được tuyên truyền và áp dụng tốt, tỷ lệ phụ nữ sinh con ngoài ý muốn giảm, chất lượng thai nhi khi sinh ra đảm bảo chất lượng cao, sức khỏe tốt...
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao. Với mức độ phát triển dân số như hiện nay, đến năm 2025, dân số nước ta có thể đạt 100 triệu người.
Dân số đông, chúng ta có lực lượng lao động hùng hậu, là lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài, vì giá nhân công rẻ, trình độ tay nghề chuyên môn cao, được đào tạo. Một phần lớn dân số trẻ được đào tạo và có trình độ ngang bằng với trình độ các nước trên thế giới, thậm chí cao hơn ở một số ngành công nghệ điện tử, CNTT..
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em: Ngoài thuận lợi, chúng ta phải đương đầu với khó khăn và thách thức đang đến. Đó là Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”, số người trong độ tuổi lao động hơn gấp đôi số người phụ thuộc. Điều này mang lại nhiều “dư lợi” về lao động nhưng cũng là thách thức về tạo việc làm và việc làm có năng suất, thu nhập cao. Cơ cấu dân số “vàng” sẽ chấm dứt vào khoảng đầu thập niên 40 của thế kỷ này. Vì vậy, nếu không khai thác nhanh và hiệu quả, cơ hội “vàng” sẽ bị bỏ qua.
Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng. Năm 2015, cứ 100 bé gái được sinh ra thì tương ứng có tới gần 113 bé trai. Nếu không được cải thiện, tình trạng này sẽ dẫn đến sự phát triển không bền vững về mặt xã hội.
Năm 2011, người cao tuổi ở nước ta chiếm 10%, tức là bước vào giai đoạn già hóa. Ở nhiều nước, để trở thành nước có dân số già phải mất 50 - 70 năm, thậm chí 100 năm, nhưng theo dự báo, Việt Nam chỉ khoảng 27 năm, thuộc nhóm nước già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt để thích ứng với một xã hội già hóa, chăm sóc và phát huy giá trị người cao tuổi.
Chất lượng dân số tăng lên, nhưng chưa cao. Việt Nam chưa khi nào lọt vào tốp 100 nước có chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất. Nhiều năm nay, Tổng cục DS-KHHGĐ thực hiện các dự án nâng cao chất lượng dân số, như tư vấn tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh… và đã thu được những kết quả khá tốt. Tuy nhiên, thành công vẫn chỉ mới trong khuôn khổ các dự án.
Cần thực hiện chính sách dân số mới
Do có những thay đổi căn bản về điều kiện kinh tế, xã hội, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Các điều kiện về chăm sóc sức khỏe sinh sản càng ngày càng được quan tâm và chăm sóc, tác động không nhỏ đến sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, rất cần phải có chính sách mới về dân số để bảo đảm được nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự phát triển của xã hội.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khẳng định: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển”. Đây là chủ trương lớn của Đảng, là bước ngoặt lịch sử trong chính sách dân số của nước ta, sự khác biệt với chính sách dân số từ năm 1961 đến nay, vốn tập trung vào giảm sinh.
Theo ông Hồ Chí Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, chúng ta chuyển “trọng tâm” chính sách chứ không bỏ hẳn chương trình KHHGĐ, chúng ta tập trung vận động ưu tiên sinh ít con ở vùng có mức sinh hoạt cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp. Tập trung vào nâng cao chất lượng trẻ em được sinh ra phải bảo đảm được các điều kiện sức khỏe, trí tuệ, cân nặng, chiều cao… Áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong KHHGĐ để bảo đảm con người có chất lượng tốt.
Trọng tâm của chính sách dân số từ nay sẽ chuyển sang “dân số và phát triển”. Trọng tâm đó được chỉ rõ: Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số “vàng”, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển.
Trước đây, chính sách DS-KHHGĐ chỉ tập trung giải quyết một vấn đề là mức sinh cao, thì nay, chính sách dân số mới phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Đây còn là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc; ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội và môi trường của nước ta.
Ngọc Thủy
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.