Tại các đô thị lớn của Việt Nam, bộ phận người lao động có thu nhập thấp và nhu cầu về nhà ở luôn ở mức cao. Câu chuyện nhà ở xã hội (NƠXH) được coi là giải pháp tối ưu cho bộ phận người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc tiếp cận NƠXH vẫn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn cung sản phẩm, giá bán, thủ tục xét duyệt, khiến mơ ước về một chốn an cư vẫn nằm xa tầm với.
Nhu cầu cao, nguồn cung ít
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện nay có khoảng trên 80.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu về NƠXH. Tuy nhiên, số lượng dự án NƠXH trên địa bàn quá ít so với nhu cầu thực tế. Cụ thể, theo thông tin từ Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hiện UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư 51dự án NƠXH với tổng số hơn 48.000 căn hộ. Trong đó, 12 dự án đã hoàn thành với gần 4.000 căn hộ, bao gồm 6 dự án sử dụng vốn ngân sách và 6 dự án ngoài ngân sách.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính hết tháng 11/2016, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án NƠXH tại các đô thị và khu công nghiệp với hơn 71.000 căn hộ. Số lượng căn hộ này mới chỉ giải quyết được 28% so với chỉ tiêu về số lượng NƠXH tại các đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 đã đề ra tại chiến lược phát triển nhà quốc gia với tổng số khoảng 250.000 căn hộ. Còn theo báo cáo của các địa phương đến năm 2020 cần phải có 1 triệu căn hộ, tương ứng với khoảng 50 triệu m2 sàn để đáp ứng nhu cầu về nhà ở. Thời điểm hiện tại, cả nước đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 NƠXH tại khu vực đô thị, khu công nghiệp góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động đang sinh sống làm việc tại các đô thị, khu công nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp vẫn “nằm ngoài cuộc chơi” trong việc đầu tư, triển khai xây dựng các dự án NƠXH
Với 179 dự án NƠXH trên địa bàn cả nước, tại TP. Hà Nội có 36 dự án NƠXH đã hoàn thành với hơn 1,3 triệu m2 sàn. Hiện thành phố đã bố trí, giải quyết chỗ ở cho gần 12.000 hộ, năm 2016 đã giải quyết chỗ ở cho 1.600 hộ và hơn 45.000 chỗ ở cho công nhân. Theo kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020, TP. Hà Nội cần thêm khoảng 3,5 triệu m2 sàn xây dựng NƠXH. Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, các dự án bình dân và NƠXH gần như không khởi công mới, chủ yếu vẫn từ các dự án đã được triển khai trong giai đoạn trước, nhất là rất thiếu nguồn cung nhà thương mại cho thuê giá rẻ hoặc thuê mua.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tại một cuộc họp đã từng nêu vấn đề, hiện nay nhu cầu về NƠXH rất lớn, hơn 80% người dân có nhu cầu về nhà ở đều có nhu cầu về NƠXH, chỉ 20% có nhu cầu về nhà ở cao hơn.
Nhiều doanh nghiệp vẫn “nằm ngoài cuộc chơi”
Thời điểm hiện tại, nhà nước đã có rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm phát triển NƠXH nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà hoặc “né” làm NƠXH. Có vô vàn lý do nhưng chủ yếu là biên độ lợi nhuận thấp, thủ tục xét duyệt dự án còn rườm rà, phức tạp… khiến nhiều doanh nghiệp vẫn “nằm ngoài cuộc chơi”.
Cụ thể, việc triển khai các dự án NƠXH vẫn còn nhiều bất cập từ việc quy hoạch, bố trí quỹ đất để triển khai các dự án NƠXH. Theo quy định hiện hành, các dự án phát triển đô thị phải dành 20% tổng diện tích đất ở để bố trí NƠXH. Tuy nhiên, đối với các dự án đã triển khai trước đây không bố trí quỹ đất hoặc quỹ đất 20% đã được địa phương đầu tư xây dựng cho các mục đích khác, dẫn đến quỹ đất sạch để triển khai xây dựng NƠXH ngày càng hạn hẹp, nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, việc quy định “cứng” lợi nhuận không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư dự án, vô hình trung đã không khuyến khích, tạo động lực để các chủ đầu tư áp dụng khoa học công nghệ và giải pháp tiết kiệm trong xây dựng để giảm giá thành. Câu chuyện chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa có quy định cụ thể. Các chi phí này có thể được nhà nước hỗ trợ, một phần hoặc không hỗ trợ tùy dự án, từng địa phương dẫn đến, giá bán NƠXH phải gánh thêm.
Cùng vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, nên nới lỏng một số quy định để hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư NƠXH. Cụ thể, về trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển NƠXH. Cần cho phép doanh nghiệp được thực hiện một trong ba phương thức để thực hiện nghĩa vụ này là xây dựng nhà ở xã hội tại dự án, hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ NƠXH có giá trị tương đương tại vị trí khác hoặc thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể.
Lại Hùng
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.