Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 7 năm 2016 | 2:22

Nghịch lý nhà tái định cư

Nhiều dự án căn hộ tái định cư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết được được phần nào thực trạng về nhà ở của các hộ dân thuộc diện phải di dời, giải tỏa. Tuy nhiên, hiện còn nhiều dự án nhà tái định cư tồn tại những bất cập, nghịch lý.

Người dân “chê” nhà tái định cư

Nhiều chung cư dành cho người dân tái định cư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang xuất hiện nghịch lý, người dân chê nhà mặc dù bản thân họ không có chỗ ở phải đi thuê nhà. Cụ thể, tại dự án chung cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh). Với số vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, gần 2.000 căn hộ và hơn 500 đất nền dành cho những hộ dân bị di dời khi TP. Hồ Chí Minh cải tạo kênh Lò Gốm. Mặc dù dự án đã được hoàn thành từ năm 2010, nhưng đến nay số lượng người dân nhận nhà và dọn về ở rất ít. Được biết, đây là giai đoạn I của dự án, được Sở Xây dựng giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh xây dựng và quản lý. Dự án có 22 lô chung cư, với tổng số 940 căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 300 hộ vào ở.

Không chỉ chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B bị dân “chê”, mà tại chung cư tái định cư Tân Hưng, đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TP. Hồ Chí Minh cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Dự án có vị trí đắc địa khi chỉ cách chợ Bến Thành 3km. Được khánh thành từ năm 2006, nhưng tới nay chỉ có gần trăm hộ dân sinh sống, còn nhiều căn hộ không có người ở.

Tại chung cư 481 Bến Ba Đình, quận 8, cảnh tượng vắng vẻ bao trùm. Khu chung cư này khá khang trang, gồm 2 khối nhà cao 15 tầng, với tổng số 350 căn hộ, diện tích từ 59 - 97 m2 hầu như còn trống xuốt 5 năm nay. Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho rằng nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập hiện nay. Cụ thể, việc các dự án trọng điểm, công ích thực hiện chậm, giãn tiến độ hoặc ngưng triển khai nên quỹ nhà tái định cư chưa bố trí hết. Các hộ dân thay đổi phương thức bồi thường từ nhận nhà tái định cư sang nhận tiền để chủ động lựa chọn nhà ở ngoài thị trường phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính. Ngoài ra, còn nhiều hộ dân chưa đồng ý hoặc khiếu nại về giá và chính sách bồi thường, chưa dứt khoát trong việc lựa chọn giữa nhận nhà tái định cư hoặc nhận tiền tự lo nơi ở mới nên quỹ nhà tái định cư vẫn phải để dành cho đến khi hoàn tất công tác bồi thường, giải quyết khiếu nại hoặc cưỡng chế nếu có.  

Cũng theo ông Danh, việc nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư chậm đưa vào sử dụng cũng dẫn đến những bất cập như mau xuống cấp, tốn kinh phí để quét dọn, vệ sinh và bảo trì căn hộ. Ngoài ra, công tác dự báo nhu cầu tái định cư của các quận huyện từng thời điểm chưa thật sát.

Còn nhiều bất cập

Trong buổi làm việc giữa Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh và Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) với Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, Bí thư Thăng đã đặt câu hỏi: “Vì sao nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư lại bị dân chê?”. Đồng thời yêu cầu các cơ quan như Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh và Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cần rà soát, cũng như lấy ý kiến người dân để khắc phục tình trạng này, bởi vấn đề này đang làm lãng phí rất lớn đối với ngân sách thành phố.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, lý do dân chê nhà tái định cư là vì chính quyền thành phố áp đặt cho họ phải ở khu vực đó, chứ không phải xuất phát từ mong muốn của những người dân được di dời về nơi ở đó. “Những khu tái định cư hiện nay được cho là không tạo điều kiện cho người dân tái định cư có thể sinh sống, thí dụ như người dân quận 1, nhưng lại đưa về tái định cư ở huyện Bình Chánh, do vậy người dân không về ở”, ông Châu cho biết.

Cũng theo ông Châu, cần phải có một cuộc khảo sát xã hội rộng rãi với những người dân tái định cư để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Việc tạo công ăn việc làm tại chỗ để người dân tái định cư có thể sinh sống. Đồng thời, việc kết nối giao thông công cộng và đầy đủ các tiện ích giữa khu tái định cư với các quận trung tâm để người dân có thể đi lại, học tập, làm việc là vấn đề quan trọng.

Theo quan điểm của ông Bùi Văn Hiếu, Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, lý do người dân chê nhà tái định cư vì người dân vẫn chưa quen với việc ở chung cư. Người dân lao động buôn bán ở trung tâm thành phố, nên việc chuyển họ về sống tại quận vùng ven không có điểm buôn bán, mỗi tháng lại phải chi trả nhiều khoản như phí bảo trì chung cư, tiền giữ xe, tiền đổ rác… khiến họ không muốn ở chung cư.

Ghi nhận một số hộ dân tại dự án tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) cho rằng, khu tái định cư này toàn nhà là nhà, nhìn đâu cũng thấy những khối bê tông khổng lồ mà thiếu vắng bóng cây xanh, sân chơi cho trẻ em nhỏ hẹp. Ngoài ra, những con đường nội khu vẫn chưa được đầu tư mở rộng so với tầm vóc và quy mô của dự án nên người dân gặp nhiều khó khăn trong đi lại. Theo các chuyên gia đô thị, đã đến lúc TP. Hồ Chí Minh cần nghiêm túc xem xét lại hình thức nhà ở này, thậm chí nên xóa bỏ, thay vào đó là nhà ở thương mại như thông thường. Nghĩa là thay vì ứng hàng ngàn tỷ đồng vốn để xây những dự án tái định cư xa trung tâm, cơ sở hạ tầng thấp, thành phố nên đối xử như khu đô thị thương mại đúng nghĩa, hoặc sẽ mua lại căn hộ tại những dự án có vị trí gần trung tâm, hoàn thiện về hạ tầng để bố trí tạm cư, tái định cư.

Trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh dành quỹ đất lớn cho việc xây dựng nhà tái định cư. Theo kế hoạch của UBND TP. Hồ Chí Minh, từ nay tới năm 2020 sẽ xây dựng các dự án tái định cư mới cho hơn 20.000 hộ dân trong diện giải tỏa.

Minh Tuấn- Lại Hùng

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top