Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 3 năm 2018 | 14:52

Người cựu chiến binh mê trồng hoa

Ở vùng đất ven sông thấp trũng, mùa hè thì nắng như nung, mùa đông thường ngập lụt nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm “dấn thân” với cây hoa để làm giàu.

ducviet_1247.JPG
Hoa chậu Tết trồng trên giàn của vợ chồng anh sỹ.

 

Đó là vợ chồng anh Nguyễn Văn Sỹ và chị Phan Thị Duyên ở thôn Xuân Lộc, xã Hải Chánh (Hải Lăng - Quảng Trị).

Trồng hoa bán quanh năm

Theo chân các cán bộ xã Hải Chánh, chúng tôi tìm về gia đình anh Sỹ để tham quan mô hình trồng hoa khá quy mô và “lạ” của anh Sỹ- chị Duyên nằm gần cuối  thôn Xuân Lộc. Quy mô là bởi mỗi năm gia đình anh chị trồng đến 50.000-60.000 cây hoa ngay giữa vùng đất được xem là khắc nghiệt. Lạ là bởi, để trồng được hoa chậu, vợ chồng anh đã phải bắc giàn bằng tre cao hơn cả mét so với mặt đất để đặt chậu hoa… chống úng.

 Tranh thủ nghỉ tay, anh Sỹ kể: mình là bộ đội từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang, tham gia chiến trường và trực tiếp chiến đấu từ năm 1982, đến năm 1986 mới xuất ngũ. Anh đã phải lưu lạc tận miền Nam làm đủ thứ nghề để nuôi vợ con nhưng cuộc sống vẫn mãi khốn khó. Đến năm 2010 anh trở về quê quyết chí lập nghiệp. Khoảng từ năm 2011, anh đến với nghề trồng hoa sau nhiều lần tìm hiểu qua một số bạn bè cũng như nắm bắt nhu cầu thị trường.

Những lần đầu, hoa trồng ra cũng bị sâu bệnh chết khiến anh nản chí. Nhưng rồi vợ chồng anh vẫn quyết tâm theo nghề. Anh bỏ công sức, tiền bạc đi tham quan, học hỏi kỹ thuật, cách điều trị bệnh trên hoa, kinh nghiệm thực tế từ các mô hình trồng hoa ở làng Phú Mậu (Thừa Thiên - Huế), Đà Lạt (Lâm Đồng), đồng thời chịu khó nghiên cứu các nguồn tài liệu dạy trồng, chăm sóc hoa. Chỉ một thời gian ngắn sau, anh đã làm chủ được nghề trồng hoa. Từ đó anh mạnh dạn mở rộng mô hình trồng hoa trên tổng diện tích khoảng 2.000m2. “Vợ chồng tôi trồng hoa theo kiểu cuốn chiếu. Cứ hết lứa này là có lứa khác bán chứ không để đất nghỉ, cứ như vậy quanh năm. Thường dịp trồng nhiều nhất là rằm tháng Tư (khoảng 13.000 cây), rằm tháng Bảy (15.000 cây), dịp Tết thì tăng lên 30.000 cây. Chỉ tính riêng tiền bán hoa quanh năm, gia đình tôi cũng có thu nhập từ 70-80 triệu đồng”, anh Sỹ vui vẻ bày tỏ.

Ngoài niềm đam mê trồng hoa, vợ chồng anh cũng là gương gia đình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở địa phương khi tạo dựng được mô hình trang trại tổng hợp khá bền vững với thu nhập ổn định. Hiện, vợ chồng anh là chủ nhân của 5 sào chè xanh, 4 sào cỏ nuôi 3 con bò nhốt, 6 lợn nái sinh sản, hàng trăm gà thả vườn, hàng chục gốc cam, bưởi… Bước đầu, từ mô hình trang trại tổng hợp đã cho gia đình anh nguồn thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.        

Trồng hoa Tết… trên giàn

Lâu nay, người ta chỉ thấy trồng bầu bí, mướp… trên giàn chứ có ai thấy trồng hoa trên giàn bao giờ! Nhưng vợ chồng anh Sỹ đã trồng hoa như thế. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan khu hoa chậu rộng hơn 1 sào ngay sát nhà, chị Duyên vừa leo lên giàn cao hơn cả mét để kiểm tra hoa. Còn anh Sỹ vừa khoát tay ngang vườn hoa trồng trên giàn với số lượng hơn 400 chậu giải thích: “Vụ hoa Tết Mậu Tuất 2018 này là vụ đầu tiên vợ chồng tôi trồng hoa chậu bán vì thấy ở đây nhu cầu lớn nhưng mọi năm hoa các nơi nhập về với giá cao quá. Nhưng trồng hoa chậu vụ Tết không hề dễ ăn bởi thường bị ảnh hưởng của lũ lụt, mưa rét. Bởi vậy vợ chồng tôi mới bắc giàn bằng tre, gỗ cao để phòng chống úng cho hoa, hơi đa công và vất vả nhưng yên tâm hơn nhiều”.

Anh Sỹ bảo rằng, cũng nhờ bén duyên với cây hoa mà gia đình anh thoát nghèo khó, vươn lên làm giàu và có điều kiện nuôi nấng con cái ăn học đàng hoàng như bây giờ. Vợ chồng anh trân quý, biết ơn cây hoa cũng là như vậy.

Chị Duyên tự tin cho biết: “Ở vùng này, gia đình tôi trồng hoa nhiều là vậy nhưng mấy năm nay chưa từng bị ứ lại bởi thị trường đầu ra vẫn rất ổn”. Đánh giá về mô hình của vợ chồng anh Sỹ, chị Tống Thị Lệ Uyên, cán bộ khuyến nông xã Hải Chánh cho biết: “Ở đây ai cũng khâm phục ý chí vươn lên làm giàu của vợ chồng anh Sỹ. Đặc biệt là anh chị đã thành công với mô hình trồng hoa ở vùng đất khó khăn này. Thời gian qua, địa phương cũng luôn hỗ trợ hết sức để gia đình anh Sỹ cũng như nhiều gia đình khác có điều kiện để làm ăn thuận lợi. Từ mô hình của vợ chồng anh, mong rằng thời gian tới địa phương sẽ có thêm nhiều gia đình vươn lên với những mô hình táo bạo và triển vọng tương tự”.

 

 

 

Hiếu Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top