Tôi vẫn thường chia sẻ với bạn bè và đồng nghiệp rằng, cứ yêu đi, cứ đam mê dấn thân và hết mình với nghề đi, ắt hẳn có một ngày duyên nghề sẽ đến, nghề sẽ ban tặng những “quả ngọt” cho những nỗ lực của chúng ta.
Yêu nghề chính là yêu mình
Và “quả ngọt” ở đây với tôi không chỉ là sự tôn vinh trên những diễn đàn, những giải thưởng trong các cuộc thi nghiệp vụ, mà hơn hết đó là sự phản hồi, niềm vui của bạn đọc, sự ủng hộ của Ban biên tập, đồng nghiệp, lan tỏa những giá trị nhân văn và hoàn thành trách nhiệm với xã hội.
Mơ ước trở thành cô giáo nhưng lại học báo với tôi đó là một cơ duyên nhưng để cơ duyên thành cơ hội, được dấn thân, đó thực sự là một bước đi dài mà tự thân phải nỗ lực không ngừng. Trong nghề, cái ranh giới giữa sự nghiêm túc với cẩu thả, trách nhiệm với thoái thác khá rõ ràng, nó thể hiện trong từng câu chữ. Bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra sự tâm huyết, chỉn chu, sự trăn trở, cầu thị của một phóng viên.
Tám năm trong nghề, đã có những lúc tôi dễ dãi với sản phẩm của mình, viết chỉ để hoàn thành nhiệm vụ. Sau những lần như thế, tôi cảm thấy trăn trở và nghĩ mình cần phải thay đổi.
Khi một tác phẩm mình đào sâu suy nghĩ, trăn trở với từng câu chữ, cái mình được là vô giá, đó là sự tin tưởng của nhân vật, sự phản hồi tích cực từ công chúng, sự ghi nhận từ các sân chơi nghiệp vụ… nhưng hơn hết là có thêm sự trải nghiệm, trưởng thành và trân quý những khó khăn, vất vả, sự mài giũa chính bản thân mình.
Với tôi, yêu nghề chính là yêu bản thân mình và làm nghề chính là làm giàu cho tâm hồn mình. Những năm tháng lăn xả, sống hết mình với đam mê đã dạy cho tôi những bài học về tinh thần trách nhiệm, dám đứng mũi chịu sào và ít nhiều cả tinh thần biết sợ để giữ bản lĩnh nghề nghiệp và để không cho phép mình dừng lại trong việc học hỏi.
Nhân lên những giá trị nhân văn
Không thể nhớ hết những kỷ niệm vui, buồn trong những lần tác nghiệp ở vùng nông thôn, sau những chuyến đi, ngoài trách nhiệm thông tin, sự kiện, tôi đã gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, khi trở về tôi rất trăn trở và đã mạnh dạn làm nhiệm vụ kết nối các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức cùng chung tay giúp đỡ họ.
Tôi luôn tâm niệm, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, mình phải cố gắng làm lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn, để cuộc sống thêm phần thú vị và ý nghĩa hơn. Mỗi một hoạt động từ thiện không phải vì bất cứ thứ gì, đó chỉ đơn giản là sự đồng cảm của người làm báo với những hoàn cảnh khốn khó. Và chính những công việc đó cũng phần nào giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nghề báo, có cái nhìn thiện cảm hơn với nghề báo.
Mỗi lần đăng tải thông tin về những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tôi lại nhận được nhiều lời động viên cũng như sự hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp và kể cả những người không quen biết. Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách cứ thế lan tỏa từ người này sang người kia. Trong hơn 4 năm, tôi đã kết nối các nhà hảo tâm được hàng trăm triệu đồng giúp người dân vùng lũ, đỡ đầu cho 7 hoàn cảnh gia đình khó khăn bây giờ đã ổn định cuộc sống.
Cách đây ít lâu, trong đêm tôi nhận được thông tin về một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Thạch Kênh (Thạch Hà). Em Từ Dương Thái (26 tuổi) không may gặp tai nạn trên đường đi làm, em qua đời khi tuổi còn trẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ dại, con thơ, khi em mất trong nhà không có nổi 2 triệu đồng mua quan tài lo hậu sự.
Xác minh lại thông tin và hoàn cảnh của Thái, khi cái tút kêu gọi “Xin cho em Thái một chiếc quan tài và tiền lo ma chay” được đăng trên facbook của tôi, sau hơn 10 tiếng, được sự quan tâm của các nhà hảo tâm, ngày sau tôi đã kịp thời trao số tiền 25,5 triệu đồng hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho em Thái. Sau khi trao xong, ngoài tiền của cá nhân, tôi lại tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp gửi, tổng số tiền gia đình em Thái nhận được sau hai ngày kêu gọi là 32,8 triệu đồng. Cũng từ kêu gọi của tôi, đã có thêm nhiều tổ chức, nhà hảo tâm đến trực tiếp giúp đỡ gia đình.
Với mỗi hoàn cảnh, tôi đều tỉ mỉ từ khâu tác nghiệp, tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh, quan tâm đến từng chi tiết và chịu khó lắng nghe, chia sẻ tâm sự với nhân vật. Từ đó cho ra những bài viết chân thực truyền tải hình ảnh nhân vật chạm vào trái tim bạn đọc để rồi đôi khi “tôi đã khóc, trước khi bạn đọc khóc”.
Được làm từ thiện là một niềm hạnh phúc. Hạnh phúc đó không chỉ cho cơ quan, cho bản thân, cho quê hương, mà hơn hết là cho sự “tồn tại” của tình người, khi thông qua những bài viết của mình để thấy rằng, giúp được người khác là niềm hạnh phúc vô bờ bến, và đó cũng là vinh dự của nghề báo. Cuộc đời này còn biết bao người khó khăn, thương tâm, chỉ vì họ không được may mắn. Vì thế, khi mình may mắn hơn họ, thì tại sao ta không chia sớt sự may mắn đó?
Nhưng đôi khi công việc từ thiện của những người làm báo cũng gặp nhiều khó khăn. Sở dĩ như vậy là do cách thức làm từ thiện nhiều khi đơn giản chỉ “cho con cá” mà không chú trọng “tạo cần câu”, tạo sinh kế lâu dài cho người nhận. Bên cạnh đó, có một số đối tượng sau khi nhận được hỗ trợ, nhất là tiền mặt, đã phát sinh tâm lý ỷ lại, có trường hợp còn chọn cách ngồi chờ tiền từ thiện từ cộng đồng, thay vì nỗ lực tự vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, có không ít trường hợp tiền từ thiện bị thất thoát, sử dụng sai mục đích…
Nếu muốn làm từ thiện hiệu quả cần đến tận nơi, trò chuyện với đối tượng và cả những người xung quanh để tìm hiểu xem họ cần điều gì nhất. “Xin” được tiền rất khó nhưng “cho” đúng nơi, đúng lúc, đúng nhu cầu còn khó hơn nhiều vì cần bỏ công sức, thời gian và cả sự thấu hiểu nữa.
Làm từ thiện không chỉ ủng hộ về vật chất mà còn là sự sẻ chia, rành mạch về kinh tế bằng cả tấm lòng, trách nhiệm với các nhà hảo tâm đã tin tưởng gửi gắm và những số phận không may trong cuộc đời. Nếu không tâm huyết thì khó làm được việc này. Bản thân người làm báo trước tiên phải xây dựng được hình ảnh cho mình, bằng những bài báo, bằng sản phẩm nghề hấp dẫn bạn đọc, ngoài ra cũng xây dựng uy tín để dễ dàng nhận được sự quan tâm từ cộng đồng. Mỗi khi có những nhân vật cần giúp đỡ, người làm báo có thể tận dụng mạng xã hội để kêu gọi sự chung tay góp sức mọi người, từ những hành động nhỏ góp nên những giá trị lớn lao hơn.
Với tôi, nghề báo, niềm vui đôi khi rất giản dị, có khi chỉ là việc được nghe thấy nhân vật trải lòng, được một câu phản hồi từ công chúng, nhận được cái nắm tay thật chặt từ đồng nghiệp, cái gật đầu ủng hộ của một nhà báo lão thành chỉ thế thôi mà yêu nghề đến lạ.
Thế đó, nghề báo không chỉ “săn tin” viết bài mà còn “nghiệp duyên” nhiều nhiều lắm, trong đó không thể quên đi trách nhiệm đối với xã hội!
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.