Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 8 năm 2021 | 15:20

Nhà máy gây ô nhiễm môi trường kéo dài, ảnh hưởng đời sống người dân

Đã mấy tháng qua, người dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) vô cùng bức xúc, liên tục kêu cứu vì nguồn nước bị ô nhiễm và mùi khét hóa chất từ Nhà máy Chế biến Graphite phát tán ra môi trường.

Ô nhiễm môi trường liên tục tái diễn

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Graphite Việt Nam là chủ đầu tư Nhà máy Chế biến Graphite tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên và mỏ khai thác quặng Graphit tại xã Yên Thái, huyện Văn Yên. Graphite hay còn gọi là than chì, khá độc hại, được ứng dụng trong chế tạo các điện cực của đèn hồ quang, điện cực của pin, ắc quy, sản xuất thép, vật liệu composite, vật liệu chịu lửa.. Do đó, quá trình chế biến Graphite cần phải được xử lý tốt để giảm thiểu tác động đến môi trường.

Ngay từ khi đi vào hoạt động thử nghiệm từ năm 2016, Công ty Graphit Việt Nam đã bị người dân các thôn Nhân Nghĩa, Làng Qua và Phố Hóp thuộc xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) phản đối dữ dội. Những cuộc thanh tra, kiểm tra các cấp kéo dài từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2019 đã cho ra nhiều văn bản kết luận, chỉ ra hàng loạt sai phạm, trong đó nghiêm trọng nhất là sai phạm về bảo vệ môi trường.

 

o-nhiem-250821-1.jpg
Nước hồ thủy lợi Nhân Nghĩa chuyển màu xanh đen, không thể sử dụng cho nuôi thủy sản và tưới tiêu. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN

 

Điển hình tại Kết luận kiểm tra số 50/KL-STNMT ngày 26/9/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đã xác định rõ sai phạm của Công ty Graphite Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp... Đặc biệt, sai phạm do sự cố vỡ đập chứa bùn thải của nhà máy đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân sinh sống khu vực hạ lưu.

Theo Kết luận này, Công ty Graphite Việt Nam đã bị xử phạt 70 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản trong thời hạn 1 tháng và phải khắc phục hậu quả do làm ô nhiễm hồ thủy lợi Nhân Nghĩa và nguồn nước sạch sinh hoạt. Thế nhưng đến nay, mỗi khi Nhà máy chế biến Graphite hoạt động trở lại, ô nhiễm môi trường lại tái diễn. Không khí bị ô nhiễm và nước đầu nguồn vẫn chưa sử dụng được, khiến người dân ngày càng thêm lo lắng.

Sống sát bờ hồ Nhân Nghĩa, gia đình bà Nguyễn Thị Huế bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố vỡ đập bùn thải tràn vào hồ Nhân Nghĩa từ năm 2017, đến nay vẫn chưa thể khắc phục hết ô nhiễm nguồn nước, thiệt hại năng nề về kinh tế do nước hồ vẫn chưa thể nuôi trồng thủy sản.

Thực tế cho thấy, môi trường nơi đây liên tục bị ô nhiễm mỗi khi Nhà máy Chế biến Graphite hoạt động trở lại, các chất xả thải ra môi trường chưa được xử lý theo tiêu chuẩn, dẫn tới nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu bị ô nhiễm đến mức không thể sử dụng được. Ô nhiễm không khí cũng tới mức báo động, mùi khét nồng nặc. Nhiều triệu chứng khó thở, tức ngực đã ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ mắc bệnh hô hấp của người dân dần hiện hữu.

Ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng thôn Nhân Nghĩa, xã Báo Đáp cho biết, trước đây người dân chấp hành sự chỉ đạo từ cấp trên nhường đất để xây dựng nhà máy và cũng tin vào lời hứa của doanh nghiệp không làm ô nhiễm môi trường. Thực tế đến nay, hậu quả ô nhiễm môi trường lại chính người dân phải hứng chịu. Mặc dù rất bức xúc nhưng bà con chỉ biết chờ đợi phương án giải quyết từ chính quyền và các cơ quan chức năng.

Đề cập tới việc Nhà máy chế biến Graphit gây ô nhiễm môi trường do người dân phản ánh, ông Vi Việt Trung, Bí thư Đảng ủy xã Báo Đáp cho rằng, đây đang là vấn đề rất nóng của địa phương. Cử tri luôn chất vấn, kiến nghị trong các kỳ họp từ nhiều tháng nay. Tuy nhiên, vấn đề đó vượt quá thẩm quyền và chức năng của chính quyền cấp xã.

Ông Trung cho biết thêm, xã Báo Đáp đã kiến nghị và mong muốn có sự vào cuộc thật sự từ cơ quan chuyên môn và cấp có thẩm quyền để buộc doanh nghiệp phải xử lý chất thải, xả thải ra môi trường theo đúng tiêu chuẩn quy định, nhất là thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ quy trình và công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường của nhà máy, không để tình trạng ô nhiễm kéo dài thêm.

Việc Nhà máy chế biến Graphit tái diễn nhiều lần gây ô nhiễm môi trường đã rõ. Người dân xã Báo Đáp mong chờ các giải pháp hiệu quả, có hiệu lực từ cấp có thẩm quyền của tỉnh Yên Bái để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Đồng thời, Công ty Graphit Việt Nam cần có biện pháp xử lý triệt để nguồn nước đang bị ô nhiễm, cam kết việc xả thải ra môi trường theo đúng tiêu chuẩn quy định.

Di dời nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ra khỏi khu dân cư

Nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, gây bức xúc cho người dân như trên TP.Yên Bái (Yên Bái) đã và đang thực hiện kế hoạch xử lý, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư.

Là cơ sở sản xuất giấy đế, giấy vàng mã xuất khẩu từ nguyên liệu: Tre, nứa, mai, luồng…bằng phương pháp kiềm lạnh. Xí nghiệp Giấy Âu Lâu của Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn đóng trên địa bàn xã Âu Lâu, TP. Yên Bái đã chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường thông qua việc đầu tư thiết bị máy móc theo công nghệ mới, đảm bảo các chỉ số theo yêu cầu.Theo đó, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của chủ các cơ sở trong công tác bảo vệ môi trường. Yêu cầu các cơ sở sản xuất phải ký cam kết thực hiện có hiệu quả các biện pháp vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, chất thải đúng quy định.

Trong đó từ năm 2018, Xí nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ lý - hóa với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng, công suất xử lý từ 400 – 450m3/ngày, nước thải được quay vòng phục vụ sản xuất nên lượng nước thải ra môi trường đã hạn chế đến mức tối đa và luôn đảm bảo theo tiêu chuẩn cho phép của Bộ TN&MT.

 

dung_6.jpg
Năm 2021 thành phố phấn đấu có trên 160 cơ sở được kiểm tra, hướng dẫn, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, thực hiện xử lý hoặc di dời

 

Đối với khí thải, nhà máy đã thay thế việc đốt lò sấy bằng dầu thay cho đốt củi. Nhờ đó lượng khí thải đã giảm và các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép. Cùng với đó, định kỳ hàng quý công ty TNHH Hapaco Yên Sơn đều thực hiện quan trắc môi trường theo quy định.

Trần Văn Quang - Trưởng phòng hành chính tổng hợp (Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn) cho biết: Trong giai đoạn tiếp theo về nước thải Công ty tiếp tục cử người giám sát thường xuyên, hàng năm có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải để vận hành 24/24. Về khí thải Công ty đầu tư xử lý bằng than hoạt tính nhằm giảm thiểu triệt để khí thải ra môi trường.

Cùng với đó, Công ty TNHH MTV YB Home có địa chỉ tại tổ 2 phường Yên Ninh, TP.Yên Bái, là đơn vị chuyên sản xuất nội thất, đồ gỗ do đó thường phát sinh tiếng ồn và bụi, cùng với đó là sử dụng sơn và xăng để phủ màu các sản phẩm. Xác định để sản xuất kinh doanh bền vững phải luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường nên công ty đã chủ động đầu tư sử dụng công nghệ mới, tiên tiến, có hệ thống hút bụi cho từng loại máy và các khu vực phát sinh bụi cao.

Đồng thời, xử lý tiếng ồn của các máy bào, các động cơ dẫn chính thông qua các tấm đệm cách rung và đặt trong các vỏ hấp thụ âm; xử lý mùi sơn qua hệ thống hấp thụ hơi nước trước khi thải ra môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn TP.Yên Bái có gần 270 cơ sở sản xuất kinh doanh. Năm 2021 thành phố phấn đấu có trên 160 cơ sở được kiểm tra, hướng dẫn, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, thực hiện xử lý hoặc di dời. Trong đó, nhiều nhất là xã Giới Phiên 30 cơ sở, phường Hồng Hà 21 cơ sở, xã Âu Lâu 19 cơ sở, xã Văn Phú 17 cơ sở, phường Nguyễn Phúc 12 cơ sở…

Các địa phương sẽ tiến hành rà soát tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, yêu cầu phải thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường, có các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định. Cụ thể, đối với ngành nghề gia công cơ khí, cơ sở chế biến măng, cơ sở chế biến gỗ, mộc, dân dụng, nội thất không được sản xuất quá 21 giờ; không chiếm dụng hành lang, vỉa hè làm nơi tập kết nguyên vật liệu, phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo các phương pháp phù hợp với từng cơ sở.

Đồng thời, các địa phương phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn, xử lý các cơ sở kinh doanh trên địa bàn về việc chấp hành các quy định của Nhà nước về lĩnh vực môi trường trong quá trình hoạt động.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Phúc, TP. Yên Bái cho biết: Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường rất cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành. Trước mắt không thể thực hiện được ngay, phải có lộ trình về lâu dài theo từng giai đoạn mới thực hiện được. Với trách nhiệm của địa phương, trước hết chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về môi trường. Đồng thời, kiến nghị với thành phố có giải pháp về lâu dài để đảm bảo môi trường trên địa bàn phường.

TP.Yên Bái là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh, do đó sản xuất công nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh, kéo theo đó là những tác động đến môi trường. Vì vậy cần thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh; nhắc nhở các cơ sở tập trung đầu tư, xây dựng công trình xử lý chất thải, nước thải thường xuyên đánh giá tác động môi trường là giải pháp hữu hiệu để TP.Yên Bái kiểm soát ô nhiễm, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp.


 
Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top