Tại TP. Hồ Chí Minh, việc phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) được chính quyền thành phố rất quan tâm nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết của hàng chục ngàn hộ gia đình chưa có nhà ở. Tuy vậy, quá trình phát triển NƠXH trên địa bàn thành phố trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết để bài toán “người nghèo có nhà” không còn xa vời với nhiều hộ gia đình.
Đòn bẩy từ chính sách
Phối cảnh nhà ở xã hội HQC Tây Ninh.
Việc đẩy mạnh phát triển NƠXH nhằm hoàn thành cơ bản các mục tiêu về phát triển NƠXH đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 luôn được Chính phủ và các địa phương quan tâm. Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh chương trình phát triển NƠXH, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng tham mưu cho UBND thành phố về kế hoạch phát triển và quản lý NƠXH trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2017. Thành phố cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện thực hiện việc rà soát quỹ đất, hoặc điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 để xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu vực dự kiến đầu tư xây dựng NƠXH (đặc biệt là nhà ở cho công nhân), đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy định. Đồng thời giải quyết nhanh các vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án NƠXH.
Liên quan đến vấn đề pháp lý, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, cơ chế liên quan để phát triển quỹ nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng, như Nghị quyết số 18/NQ – CP về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người thu nhập thấp tại các khu vực đô thị. Quyết định số 65/QĐ-TTg liên quan đến việc phát triển ký túc xá cho sinh viên, Quyết định số 66/QĐ-TTg về nhà ở lưu trú cho công nhân, Quyết định số 67/QĐ-TTg về nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị. Cùng với đó, Nghị định số 100/2015/NĐ - CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cũng được ban hành.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để cụ thể hoá Nghị định số 100/2015/NĐ - CP. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 630/QĐ - TTg ngày 10/05/2017 về lãi suất cho vay ưu đãi NƠXH. Theo Quyết định này, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH trong năm 2017 là 4,8%/năm (0,4%/tháng), lãi suất nợ quá hạn tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Đối tượng được áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi khi mua, thuê, thuê mua NƠXH là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân và Quân đội nhân dân. Bên cạnh đó, sau khi kết thúc gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng, Quốc hội đã thông qua gói 2.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển NƠXH, điều này sẽ giúp giảm bớt một số khó khăn trong việc triển khai phát triển NƠXH. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp nhận nguồn vốn để triển khai trong năm 2017.
Cung không đủ cầu
Tính đến hết quý 2/2017, cả nước có 184 dự án NƠXH, quy mô hơn 72.000 căn hộ. Các địa phương đang tiếp tục triển khai thêm 195 dự án với quy mô xây dựng hơn 165.000 căn hộ. |
Tính đến hết quý 2/2017, cả nước đã xây dựng được 184 dự án NƠXH quy mô hơn 72.000 căn hộ. Các địa phương trên cả nước đang tiếp tục triển khai thêm 195 dự án với quy mô xây dựng hơn 165.000 căn hộ. Hiện, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt mức 23m2 sàn/người, tăng 0,2m2 sàn/người so với năm 2016. Tại TP.Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2016 - 2020, chính quyền thành phố sẽ phấn đấu xây dựng hơn 20.000 căn nhà ở xã hội. Trong giai đoạn này, thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng cho 39 dự án NƠXH với tổng diện tích đất 134,8ha, quy mô hơn 43.600 căn hộ. Trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 29 dự án với tổng diện tích 46,6ha, quy mô hơn 19.400 căn hộ. Đồng thời, dự kiến hoàn thành 8 dự án nhà lưu trú công nhân với tổng diện tích 18,6ha, quy mô gần 5.000 phòng, đáp ứng cho gần 32.000 chỗ ở tập trung cho công nhân. Nhu cầu về NƠXH tại TP. Hồ Chí Minh là rất lớn, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, hiện toàn thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với cha mẹ, người thân. Trong đó, có 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức chưa có nhà. Khoảng 13.000 hộ dân bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị trên toàn thành phố, không đủ điều kiện bồi thường hoặc tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, với khoảng 1,2 triệu người nhập cư, nhu cầu về nhà ở là rất lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách, việc phát triển NƠXH trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA): “Cần nới lỏng một số quy định để hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư NƠXH. Cụ thể, về trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển NƠXH. Cần cho phép doanh nghiệp được thực hiện một trong ba phương thức để thực hiện nghĩa vụ này là xây dựng nhà ở xã hội tại dự án, hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ NƠXH có giá trị tương đương tại vị trí khác hoặc thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể”.
Những nguyên nhân khác được cho là cản trở sự phát triển của NƠXH như nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho phát triển NƠXH còn thấp; Một số chính sách hỗ trợ nhà ở đang thực hiện nhưng thiếu nguồn vốn triển khai tiếp; Sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc bố trí nguồn vốn cho các chương trình hỗ trợ NƠXH vẫn còn chậm; Cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn còn đứng ngoài cuộc chơi trong việc đầu tư xây dựng các dự án NƠXH, thủ tục hành chính còn phải qua nhiều cửa; Việc bố trí quỹ đất cho phát triển NƠXH khi lập thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị còn khó khăn.
Vấn đề phát triển NƠXH là vấn đề rất quan trọng, là yếu tố cấu thành kết cấu hạ tầng đô thị. Việc phát triển bền vững trong tương lai khi đất nước cơ bản trở thành là nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì điều kiện cần là vấn đề nhà ở phải được giải quyết một cách toàn diện, ổn định. Trong đó, NƠXH là một giải pháp bền vững.
Thái An - Lại Hùng
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.