Để người nghèo, người lao động tự do giảm bớt khó khăn, cùng vượt qua đại dịch, hàng chục máy ATM gạo phát miễn phí ở nhiều địa phương đã được mở ra, hàng chục nghìn người được nhường cơm sẻ áo.
Trong lúc khó khăn mới thấy tình người được lan tỏa, chân quý đến chừng nào.
Việc làm ý nghĩa
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thái Hà Books, người sáng lập ra 2 máy ATM gạo miễn phí Hà Nội, tâm sự, ngày 8/4/2020, khi đọc báo biết ở TP. Hồ Chí Minh có cây ATM phát gạo tự động. Mình thấy hay quá, TP. Hồ Chí Minh làm được tại sao Thủ đô văn hiến mà không có? Khi nêu ý tưởng được nhiều người ủng hộ. Lúc này, anh em trong công ty bắt tay bàn cách thực hiện.
Được chính quyền ủng hộ, ông Hùng lắp máy ATM gạo đầu tiên tại phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy), phát gạo cho người dân từ sáng 11/4. Ngày 13/4, máy ATM gạo thứ hai tại Nhà văn hóa quận Bắc Từ Liêm cũng bắt đầu hoạt động phát cho người dân. Đến hết ngày 20/4, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ 632.105.222 đồng và 136.794kg gạo, đã có 23.706 người đến nhận gạo với số gạo phát ra là 71.636kg.
Còn anh Văn Thanh Bình (ở phường An Khánh, Ninh Kiều, TP. Cần Thơ), người khởi xướng ATM gạo miễn phí tại Cần Thơ, tâm sự: “Thấy nhiều địa phương có ATM phát gạo miễn phí, mình nghĩ ra ý tưởng làm một cái gì đó để cho mọi người cùng nhau lan toả, mọi người cùng nhau giúp đỡ những người khó khăn vượt qua đại dịch.
Ý tưởng của tôi được nhiều người ủng hộ cùng thực hiện. Ban đầu mình dùng tiền túi để mua gạo, khi hết sẽ huy động người nhà, người thân, bạn bè trên mạng xã hội, các mạnh thường quân, các cơ quan cùng lan toả. Kết quả là từ ngày 16/4/2020, ATM gạo miễn phí đã đến được với bà con khó khăn”.
Hũ gạo cứu đói
Cây ATM phát gạo miễn phí lan tỏa đã thu hút được sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay chia sẻ.
Em Dương, ở phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự, khi xem tivi, bố mẹ thấy ở Bắc Từ Liêm có máy ATM phát gạo miễn phí, bố đã mua 50kg gạo, hôm nay em mang đến ủng hộ. Lúc này có nhiều người đang rất khó khăn, gia đình em cũng muốn chung tay giúp đỡ để mọi người cùng nhau vượt qua khó khăn.
Chị Lê Như Huyền, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, tâm sự, mình đến ủng hộ 150kg gạo, chung tay cùng toàn xã hội giúp những người đang lao động tự do. Đây chỉ là sự chia sẻ, nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là mình giúp đỡ cho những người khó khăn hơn mình. Chị hy vọng việc làm này sẽ lan tỏa đến nhiều người hơn nữa.
Còn theo ông Văn Ngọc Nhuần (bố anh Văn Thanh Bình), thấy con trai làm máy ATM phát gạo cho những người khó khăn, tôi để dành được ít tiền lương hưu cũng bỏ ra mua 100kg gạo chia sẻ, giúp mọi người cùng vượt qua dịch bệnh.
Thêm những nụ cười
Cầm trên tay 3kg gạo mới nhận ở Nhà văn hóa Bắc Từ Liêm, bà Nghiêm Thị Đức (SN 1956), ở phường Nguyễn Du (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết, nhà có 5 khẩu thì có 2 cháu nhỏ và chồng bị tai biến 4 năm nay, còn con trai là lao động chính thì thất nghiệp do dịch Covid - 19.
Khi chưa có dịch, ban ngày tôi chăm sóc chồng, khoảng 8 giờ tối ra ngõ gần nhà bán nước, ngày nhiều thì được 100.000 đồng. Ra Tết không được bán nữa, con trai lại thất nghiệp nên gia đình không có nguồn thu.
"Hội Chữ thập đỏ phường hỗ trợ 5kg gạo và 15 quả trứng. Cô hàng xóm cho 200.000 đồng, tôi đã mua 10kg gạo, đến nay gia đình phải mua chịu 10kg gạo. Nghe tin ở đây có ATM gạo miễn phí, xa hơn 10km nhưng tôi vẫn nhờ người đưa đến lấy. Được hỗ trợ 3kg gạo, tôi mừng lắm, cảm ơn các nhà hảo tâm đã nhường cơm sẻ áo những lúc chúng tôi gặp khó khăn", bà Đức tâm sự.
Vừa nhận 3kg gạo tại Nhà văn hóa Bắc Từ Liêm, bà Trịnh Thị Bích (quê Hậu Lộc, Thanh Hóa), cho biết, hiện gia đình đang thuê nhà ở Khâm Thiên (Hà Nội). Gia đình có 3 khẩu thì chồng yếu, con đang đi học. Trước đây, tôi đi dọn vệ sinh thuê, tuần làm 3 buổi, mỗi buổi 200.000 đồng. Khi có dịch Covid-19, không ai còn thuê nữa nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Với 3kg hỗ trợ này, gia đình ăn được 2 ngày. Cảm ơn các mạnh thường quân đã quan tâm chia sẻ khó khăn với chúng tôi.
Bà Nguyễn Thị Hoàng (làm nghề bán vé số ở TP. Cần Thơ) tâm sự: Trước đây hàng ngày tôi đi bán vé số kiếm sống. Từ hôm nghỉ bán đến nay, tôi phải nhờ chỗ này, chỗ nọ phát cơm, gạo ăn đỡ. Hôm nay nhận được hỗ trợ gạo từ nhóm anh Văn Thanh Bình, tôi mừng lắm.
Hy vọng, với sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau những lúc hoạn nạn, nụ cười Việt Nam được tiếp tục nhân lên và chúng ta sẽ sớm chiến thắng đại dịch Covid-19..
Hàng chục cây ATM gạo, hàng nghìn điểm phát nhu yếu phẩm miền phí là việc làm thiết thực, có ý nghĩa nhân văn.
Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy nhau khi đến nhận hỗ trợ.
Đặc biệt, có hiện tượng một số người không thực sự khó khăn cũng đến xếp hàng nhận hỗ trợ.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.